Sui Network có thể xem là một trong những Layer-1 mới, có nhiều tiềm năng phát triển và thu hút sự chú ý của cộng đồng đầu tư trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, từ khi ra mắt đến nay, giá token SUI liên tục giảm mạnh. Vậy, vấn đề mà Sui Network đang gặp phải là gì? Hãy cùng phân tích tokenomics của SUI cũng như các thách thức mà dự án cần giải quyết ngay trong bài viết này nhé.

1. Tổng quan về Sui Network
Sui Network được định vị là một Layer-1 với khả năng mở rộng tốt và tốc độ xử lý giao dịch nhanh, dựa trên cơ sở của việc xử lý các giao dịch song song (Parallel Execution).
Để anh em hiểu rõ hơn về giải pháp của Sui, chúng ta sẽ dành chút thời gian để xem xét lại vấn đề của các máy ảo EVM hiện tại.
Khó khăn của các dự án sử dụng EVM
EVM có thể được xem là nền tảng máy ảo xử lý smart contract phổ biến và chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, được tin dùng và sử dụng bởi nhiều hệ sinh thái lớn như Ethereum, Binance Chain, Avalanche, Polygon...
Tuy nhiên, EVM cũng có nhược điểm của mình, trong đó, một điểm yếu là việc giao dịch phải được xử lý theo tuần tự. Máy chủ EVM luôn sắp xếp các giao dịch khác vào hàng đợi khi đang xử lý một giao dịch và chỉ khi giao dịch đó hoàn thành thì trạng thái của blockchain mới được cập nhật lại. Việc thực hiện tuần tự các giao dịch này được áp dụng ngay cả trong trường hợp các giao dịch hoàn toàn không liên quan, ví dụ: chuyển tiền từ Zane sang Jenny, chuyển NFT từ Nguyên cho Thiên... Điều này tạo ra rào cản làm cho mạng lưới của các EVM rất khó mở rộng tối đa, đồng thời tạo cơ hội cho các MEV hoạt động, khiến phí giao dịch tăng cao.
Các mạng lưới Layer-1 thế hệ mới, như Sui Network, đang cố gắng tìm cách xử lý các giao dịch song song.
Các yếu tố quan trọng trong cơ chế hoạt động của Sui
Sui Network sẽ có 3 yếu tố chính:
1. Object: đây là các đối tượng có thể lập trình và quản lý bởi các Move Package (hay smart contract). Ngoài ra, các Move Package này cũng là một dạng Object trong Sui. Để dễ hiểu hơn, Sui chia Object thành 2 loại: giá trị dữ liệu có thể thay đổi và các Package không thể thay đổi.
2. Transaction
3. Validator: các trình xác thực.
Parallel Execution trong Sui được hiểu đơn giản như sau: Đây là cơ chế nhận biết và xử lý các giao dịch không phụ thuộc vào nhau đồng thời. Điều quan trọng là làm thế nào để phân biệt giao dịch phụ thuộc và không phụ thuộc vào nhau. Mỗi dự án phát triển theo hướng này đều có cách giải quyết riêng.
Sui sử dụng mô hình lưu trữ trạng thái giao dịch để xác định tính phụ thuộc của chúng. Bằng cách gán ID cho các object (đại diện cho các asset có thể chia sẻ và chỉnh sửa bởi nhiều người), Sui dễ dàng xác định tính phụ thuộc lẫn nhau của các giao dịch thông qua việc kiểm tra xem chúng có sử dụng chung một object hay không.
Sui cung cấp khả năng mở rộng và độ trễ thấp bằng cách cho phép xử lý hầu hết các giao dịch song song. Trong một số trường hợp đơn giản, như thanh toán hoặc chuyển tài sản, Sui có thể bỏ qua đồng thuận và sử dụng các nguyên hàm đơn giản hơn và có độ trễ thấp. Điều này làm nổi bật Sui so với các nền tảng blockchain khác, hỗ trợ phát triển các ngành như GameFi hay thanh toán.
Sui phân loại giao dịch thành 2 loại:
- Giao dịch đơn giản: chỉ ảnh hưởng đến các Object có một chủ sở hữu duy nhất, như mint NFT hoặc chuyển NFT, token. Các giao dịch này có thể bỏ qua đồng thuận trong Sui.
- Giao dịch phức tạp: đề cập đến các giao dịch ảnh hưởng tới các đối tượng được chia sẻ hoặc sở hữu bởi nhiều địa chỉ, ví dụ như các bên quản lý tài sản và các trường hợp sử dụng DeFi (cung cấp thanh khoản, cho vay..), sẽ được thực hiện thông qua mempool dựa trên Narwhal và Bullshark DAG và cơ chế đồng thuận Byzantine Fault Tolerant (BFT) hiệu quả.
Cơ chế đồng thuận
Cơ chế đồng thuận cũng là một điểm đáng lưu ý khi tìm hiểu về Sui.
Narwhal và Bullshark là cơ chế đồng thuận được phát triển bởi Mysten Lab, trách nhiệm đảm bảo cơ chế đồng thuận sẽ được chia như sau:
- Narwhal: Đảm bảo tính sẵn có của các dữ liệu được gửi đến cơ chế đồng thuận với mô hình Directed Acylic Graph (DAG) và hoạt động giống như một Mempool.
- Bullshark (hoặc trước đó là Tusk): Cơ chế đồng thuận dựa trên BFT giúp sắp xếp các giao dịch từ Narwhal.
Lưu ý: Narwhal và BullShark là 2 thành phần riêng biệt trong cơ chế đồng thuận của Sui, Narwhal có thể kết hợp được với cả Tendermint và Tusk, việc chọn Bullshark là do Mysten Labs đánh giá cao Bullshark hơn Tusk ở việc cải thiện Latency và cải thiện fairness (tính công bằng).
Khả năng mở rộng
Như đã đề cập ở trên, Sui không xác định tổng thứ tự cho các giao dịch chỉ chứa các đối tượng được sở hữu. Thay vào đó, các giao dịch được sắp xếp theo thứ tự nhân quả . Nếu một giao dịch T1 tạo ra một đối tượng đầu ra O1 được sử dụng làm đối tượng đầu vào trong một giao dịch T2, thì trình xác thực phải thực thi T1 trước khi thực thi T2.
Lưu ý: T2 không cần sử dụng trực tiếp các đối tượng này để tồn tại mối quan hệ nhân quả.
Ví dụ: T1 có thể tạo ra các đối tượng đầu ra mà sau đó được sử dụng bởi T3, và T2 có thể sử dụng các đối tượng đầu ra của T3 .
Ngược lại, các giao dịch không có mối quan hệ nhân quả có thể được người xác nhận Sui xử lý theo bất kỳ thứ tự nào. Thông tin này cho phép Sui thực thi song song một cách đồng loạt và phân chia nó trên nhiều máy => tăng khả năng mở rộng tối đa.
2. Tokenomics
SUI là native-token của dự án, có tổng cung 10 tỷ token, hiện tại đang lưu hành khoảng 860 triệu token (theo dữ liệu của Coingecko ngày 18/10/2023).

Với giá trị hiện tại, vốn hóa thị trường của SUI đang ở mức khoảng 319 triệu USD, với vốn hóa thị trường sau khi pha loãng (FDV) khoảng 3,7 tỷ USD.
Phân bổ Token
Đầu tiên, theo thông tin từ Binance Research, token SUI được phân bổ như sau:
- Sui Foundation: 49,73%
- Community Access Program: 5,88%
- Binance Launchpool: 0,4%
- Investors: 14%
- Mysten Labs Treasury: 10%
- Early Contributors: 20%
Với phân bổ này, ta thấy ngay rằng tokenomics của SUI rất tập trung, khi Sui Foundation chiếm gần như 50% tổng token, chưa kể đến các phần allocation cũng có liên quan đến tổ chức này như Early Contributors (20%), Mysten Labs Treasury (10%). Đây có thể nói là tokenomics đặc biệt tập trung, so với các Layer-1 khác.
Việc phân bổ tokenomics của SUI đã gây ra nhiều tranh cãi khi xuất hiện thông tin không chính xác. Thông tin tokenomics mà Sui Network công bố trước thềm mainnet vào tháng 04/2023 hoàn toàn không giống như những thông tin mà họ đã công bố vào thời điểm tháng 12/2022.
Tuy nhiên, sau đó, token SUI đã có sự thay đổi trong phân bổ Allocation. Theo dữ liệu hiện tại trên CryptoRank, SUI được phân bổ theo tỷ lệ như sau:

Chúng ta tạm thời chấp nhận tokenomics mới này của Sui. Anh em có thể thấy phần Sui Foundation đã không còn xuất hiện, thay vào đó là tăng nhẹ tỷ trọng cho cho Investors và Mysten Labs Treasury. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không kể đến phần Stake Subsidies (phần thưởng cho staking) cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, lên đến 10%. Cá nhân mình cho rằng đây là nước đi khá “cao tay” của Sui, vì 2 lí do:
- Đầu tiên, dự án phân bổ token thưởng cho staking có thể giúp khuyến khích nhiều hơn validator node tham gia staking trên hệ sinh thái, từ đó mạng lưới trở nên phi tập trung hơn, an toàn hơn và ổn định hơn.
- Tiếp theo, vì Sui là một hệ sinh thái mới, vì vậy hầu như chủ yếu các validator sẽ chính là team phát triển, các cá nhân, quỹ đầu tư có liên quan, vì vậy đây là một cách tiếp tục phân bổ Sui lại cho các cá nhân, tổ chức này.
=> Token SUI sau khi thay đổi tokenomics thì vẫn thuộc phần lớn vào tay của team phát triển và các quỹ đầu tư, vì vậy tính tập trung hoá vẫn khá cao.
Như vậy, chúng ta có thể thấy được sự thiếu minh bạch ngay từ đầu về tokenomics của Sui, đặc biệt là trong việc phân bổ token. Mặc dù bản thân dự án vẫn có đưa ra những lý giải, nhưng rõ ràng nó là không đủ thuyết phục. Một dự án hướng đến mục tiêu xây dựng sự phi tập trung nhưng lại hàm chứa quá nhiều yếu tố tập trung, thiếu sự công khai chắc chắn là điểm trừ rất lớn.
Token Release Schedule


Hiện tại, lực bán ra trên thị trường chủ yếu đến từ Community Reserve và Community Access, một phần đến từ phần thưởng staking. Về bản chất, các validator node sẽ cố gắng thu hồi vốn trước khi nghĩ đến chuyện nắm giữ phần thưởng staking. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá SUI liên tục tìm đáy mới như thế này, đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn cộng đồng đều có xu hướng bán ra. Với lượng unlock khá lớn và nhanh của 2 phần Community này, có lẽ tạm thời chúng ta sẽ phải chứng kiến giá SUI tiếp tục giảm sâu. Hầu như không có nhiều lý do để các nhà đầu tư lớn hoặc team “đỡ giá” trong thời điểm này.
Hiện tại, hầu như lượng SUI phân bổ cho team và các quỹ đầu tư đều đang được khoá và sẽ bắt đầu mở khoá dần từ khoảng tháng 11/2023. Anh em cần lưu ý mốc thời gian này vì khả năng cao có thể Sui sẽ đưa ra một vài tin tức tốt để đỡ giá.
Công dụng của token
SUI được sử dụng để:
- Staking
- Phí gas
- Quản trị
Nhìn chung, use case của Sui không có điều gì quá đặc biệt, hoàn toàn tương tự các token/coin của các hệ sinh thái khác. Bull-case của Sui đơn giản là phát triển hệ sinh thái, thu hút nhiều hơn các validator đến mua và staking SUI, từ đó khiến giá token có sự bùng nổ.
Anh em cùng mình điểm qua một chút về tình hình hold SUI của top các ví lớn nhất:

Anh em dễ dàng nhận ra lượng SUI trên sàn vẫn khá nhiều, khi lần lượt có OKX và Binance đang là các ví nắm giữ SUI rất nhiều (top 1 và top 4). Đây là một dấu hiệu không phải quá tốt với holder. Sẽ có nhiều anh em cho rằng lượng SUI này là để làm market, tuy nhiên cá nhân mình không lạc quan như vậy. Nếu anh em theo dõi biểu đồ SUI sẽ thấy giá liên tục giảm và volume cũng vậy, vì thế luận điểm nói trên không đủ thuyết phục. Chúng ta chỉ có thể xác định còn khá nhiều SUI đang được deposit lên các sàn để “xả”. Một điểm tích cực là hầu như các ví top còn lại chưa có động thái gì, lượng SUI vẫn được giữ nguyên, đây có thể là các ví của team/investor đang bị khoá.

3. Tình hình phát triển của SUI hiện tại
Đầu tiên, mình muốn nói về tốc độ tăng trưởng TVL (Total Value Locked) trên hệ sinh thái của SUI. Nếu như trong quý 1 và quý 2/2023, TVL trên SUI không những tăng mà còn giảm thì hiện tại điều này đã được cải thiện khá nhiều trong thời gian vừa qua.

Theo dữ liệu trên DefiLlama, TVL của SUI đã có sự tăng trưởng tốt kể từ tháng 7 cho đến nay, khi tăng trưởng từ khoảng 11 triệu USD lên đến gần 70 triệu USD tại thời điểm hiện tại. Đây là một con số khá ấn tượng, bất chấp hoàn cảnh thị trường khá là khó khăn trong những tháng vừa qua.
Sự tăng trưởng nói trên của Sui bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
Đầu tiên, SUI đã xây dựng thành công các cầu nối tốt hơn giúp luân chuyển tài sản giữa các chain. Thông qua giải pháp Wormhole, Sui đã có thể hỗ trợ người dùng chuyển tài sản giữa SUI với các chain khác một cách linh hoạt và an toàn hơn. Hầu như các chain phổ biến đều được hỗ trợ (Ethereum, Binance Chain, Avalanche, Fantom, Polygon…).

Ngoài ra, anh em cũng có thể sử dụng cBridge của Celer để chuyển tài sản giữa Sui Network với các chain khác, bao gồm cả các Layer-2.
Cá nhân mình luôn cho rằng các Bridge là mảnh ghép cực kỳ quan trọng trong giai đoạn đầu xây dựng, phát triển hệ sinh thái. Khi phát triển được các cầu nối an toàn, tiện lợi, người dùng và dòng tiền sẽ dễ dàng đổ vào hệ sinh thái hơn rất nhiều.
Bên cạnh việc phát triển Bridge, Sui gần đây cũng đã ra mắt DApp Kit. Anh em có thể hình dung đây là một bộ tool hỗ trợ phát triển các dự án phi tập trung trên Sui một cách tốt hơn. Nhờ vậy, các nhà phát triển có thể rút ngắn thời gian, công sức và chi phí khi phát triển dự án trên Sui.

Gần đây, Sui Foundation đã ra mắt quỹ phát triển hệ sinh thái trị giá 51 triệu USD. Quỹ phát triển hệ sinh thái mới sẽ tập trung ươm mầm cho các sáng kiến và ứng dụng DeFi thế hệ mới trên Sui, tích hợp cơ chế sổ lệnh DeepBook CLOB, AMM, liquid staking và lending. Đây được xem là động thái tích cực giúp hệ sinh thái SUI thu hút thêm các dự án mới.
Hiện tại, Sui cũng đã có đến 105 validator đang hoạt động, xử lý tổng số 1,4 tỷ giao dịch.

Một điểm mà anh em cần chú ý là hiện tại phí giao dịch rất rẻ. Bên cạnh đó, với TPS Current/Av.24H chỉ rơi vào khoảng 87/84, cho thấy mạng lưới Sui vẫn đang khá “nhàn nhã” và chưa hoạt động hết công suất. Điều này dẫn đến việc khả năng cao các validator đang bị “lỗ” và vì vậy, việc bán ra phần thưởng staking tiếp tục có cơ sở để khẳng định hơn.
4. Tạm kết
Từ những phân tích nói trên, mình rút ra một số nhận định như sau:
(1) Tokenomics của SUI khá thiếu thuyết phục, chủ yếu đến từ việc kém minh bạch và đồng nhất. Bên cạnh đó, tính tập trung của token khiến cho cá nhân mình cảm thấy đây khó có thể trở thành cuộc chơi của “cộng đồng”. Giá token SUI chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của một số cá nhân và tổ chức với vai trò tay chơi lớn.
(2) Về mặt bản chất dự án, các giải pháp của Sui vẫn khả thi và đang hoạt động tương đối tốt. Điều này cho phép anh em kỳ vọng và tiếp tục theo dõi dự án trong dài hạn. Với những giải pháp mới của mình, Sui có thể giải quyết được một số vấn đề của các EVM cũ và có thể bùng nổ như các hệ sinh thái non-EVM trước đây là Solana hay Aptos.
(3) Hệ sinh thái SUI gần đây có một số dấu hiệu của dòng tiền, mặc dù không lớn nhưng đáng để chú ý. Anh em nên nhớ rằng đối với một hệ sinh thái, dòng tiền là quan trọng nhất. Khá nhiều dự án cũng đã bắt đầu xây dựng và hoàn thiện ở trên Sui (mình sẽ dành thời gian về các mảnh ghép này trong một bài viết khác). Dòng tiền sớm này có thể đến từ các tay chơi lớn.