1. Nguyên nhân gây nghiến răng khi ngủ
Khi tức giận hoặc khó chịu, mỗi người thường thực hiện một số hành động giải tỏa và nghiến răng là một trong những hành động như vậy. Tuy nhiên, nhiều người nghiến răng khi ngủ mà không ý thức được việc này, thậm chí là nghiến răng một cách thường xuyên và kéo dài. Tiếng nghiến răng gây khó chịu cho người xung quanh và cũng có thể gây tổn thương hàm và nhiều vấn đề sức khỏe.
Tật nghiến răng khi ngủ có ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của bạn và người xung quanh
Các nhà nghiên cứu xếp chứng nghiến răng khi ngủ thường xuyên là tình trạng rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ, như ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân thường kết hợp từ nhiều yếu tố tâm lý, vật lý và di truyền như:
Cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày không được giải tỏa như: stress, tức giận, thất vọng, căng thẳng,...
Chứng nhai kích động khi ngủ.
Thói quen nghiến răng khi quá tập trung hoặc tức giận.
Cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống có thể gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ
Ngoài ra, chứng nghiến răng khi ngủ thường trở nên nặng hơn khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ như:
Tuổi tác
Chứng nghiến răng khi ngủ phổ biến ở trẻ nhỏ do trẻ chưa thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Tình trạng này thường cải thiện khi trẻ lớn lên.
Stress
Khi lo lắng và căng thẳng không được giải tỏa, chứng nghiến răng khi ngủ có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Thuốc và chất kích thích
Nghiên cứu đã chứng minh rằng các loại thuốc tác động đến hệ thần kinh như thuốc điều trị tâm thần, thuốc chống trầm cảm,... có thể làm nặng thêm chứng nghiến răng khi ngủ. Các đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... cũng có thể gây ra hiện tượng tương tự.
Tính cách
Những người có tính cách mạnh mẽ, thích cạnh tranh và hăng hái có nguy cơ mắc chứng nghiến răng khi ngủ cao hơn so với những người có tính cách nhẹ nhàng.
Di truyền
Chứng nghiến răng khi ngủ có yếu tố di truyền, tức là nếu trong gia đình có thành viên nào mắc bệnh này, bạn có nguy cơ mắc cao hơn.
Mắc hội chứng rối loạn khác
Tình trạng nghiến răng khi ngủ thường đi kèm với những người mắc các rối loạn tâm thần như chứng mất trí, hội chứng rối loạn giấc ngủ, bệnh Parkinson, trào ngược dạ dày, động kinh,...
Nghiến răng khi ngủ thường xuất hiện ở những người mắc các rối loạn tâm thần
Để xác định nguyên nhân và hỗ trợ điều trị hiệu quả chứng nghiến răng khi ngủ, bác sĩ sẽ kiểm tra thói quen sinh hoạt, thói quen ngủ, tính cách và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
2. Tại sao cần điều trị chứng nghiến răng khi ngủ?
Mặc dù chứng nghiến răng khi ngủ thường không gây ra những biến chứng nguy hiểm và nghiêm trọng, nhưng vẫn cần phải điều trị nếu nó ở mức độ nặng và thường xuyên. Một số vấn đề có thể phát sinh từ chứng nghiến răng khi ngủ bao gồm: rối loạn khớp thái dương hàm, đau đầu, đau mặt, đau hàm nặng, biến dạng, răng nhạy cảm, và thay đổi về hình dạng của răng.
Nếu bạn mắc chứng nghiến răng khi ngủ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách thay đổi thói quen, hành vi và giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nặng và gây ra biến chứng, bạn nên sớm tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn cách khắc phục.
3. Biện pháp trị chứng nghiến răng khi ngủ
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiến răng khi ngủ, cách điều trị cũng đa dạng, mục tiêu chính là dần dần giảm thiểu tình trạng nghiến răng và khắc phục các vấn đề như đau đớn, phục hình, giảm thiểu tác động đến răng và khớp hàm, ...
Hiện tượng nghiến răng khi ngủ có thể gây ra đau nhức ở hàm răng
Các phương pháp thường được áp dụng để điều trị hiện tượng nghiến răng khi ngủ bao gồm:
3.1. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng tinh thần đóng vai trò then chốt gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ cũng như các rối loạn khác. Một số biện pháp giúp bạn kiểm soát stress có thể kể đến: tập thể dục, thư giãn tinh thần, ngủ đúng giờ và đủ thời gian, massage khuôn mặt, hạn chế sử dụng chất kích thích, thay đổi môi trường ngủ thoải mái và thoáng mát,...
3.2. Sử dụng thuốc
Thực tế, chứng nghiến răng khi ngủ không thể điều trị hoàn toàn bằng thuốc mà chỉ có thể giảm tác động đến răng và các cơ quan xung quanh. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:
-
Thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau: Giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng không kiểm soát và giảm đau do nghiến răng khi ngủ gây ra.
-
Thuốc chống trầm cảm, giảm lo âu trong thời gian ngắn: nhằm giảm stress hoặc các cảm xúc tiêu cực gây nghiến răng khi ngủ.
-
Tiêm botox đối với các trường hợp mắc chứng nghiến răng khi ngủ nặng, không phản ứng với các phương pháp điều trị khác.
3.3. Can thiệp nha khoa
Can thiệp nha khoa chủ yếu nhằm bảo vệ răng, ngăn ngừa tác động của việc nghiến răng khi ngủ nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng này. Bác sĩ sẽ làm khuôn răng và tạo máng chống nghiến, bảo vệ răng tránh bị mài mòn do nghiến răng khi ngủ.
Máng chống nghiến răng giúp bảo vệ răng khi bệnh nhân nghiến răng
Hiện nay có một số loại máng chống nghiến răng còn có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động của hàm dần dần, từ đó giảm tần suất nghiến răng. Nếu khớp cắn bị lệch, bác sĩ cũng có thể tư vấn điều chỉnh khớp cắn đúng vị trí để giảm ảnh hưởng đến cơ nhai và răng.
Từ bài viết này, có thể thấy chứng nghiến răng khi ngủ, mặc dù không nguy hiểm và không gây ra các biến chứng nghiêm trọng, nhưng vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và chất lượng giấc ngủ. Để điều trị, cần phải xác định nguyên nhân và kiên nhẫn thực hiện phương pháp phù hợp.