Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu “ngọn lửa bay” này có phải là mảnh vỡ từ sao chổi nào hay không.
Sáng sớm ngày 2 tháng 8, một cụm ngọn lửa bay lao qua bầu trời vùng đông nam nước Mỹ. Sự kiện này gây ra âm thanh nổ lớn cực kỳ khiến các tòa nhà xung quanh rung lắc và người dân bị đánh thức. Ngay sau đó, Hiệp hội Thiên thạch Mỹ (AMS) đã nhận được 74 báo cáo về sự kiện một cụm ngọn lửa bay xuất hiện trong đêm trăng tròn tháng 8 từ nhiều địa điểm như: Ohio, Georgia, Illinois, Tennessee, Indiana, Kentucky, Virginia, West Virginia và North Carolina.
Đoạn video ghi lại hình ảnh của 'ngọn lửa bay' lao xuống bầu trời nước Mỹ. (Nguồn: Dailymail)
Bill Stewart, một nhà thiên văn nghiệp dư đến từ Ceredo chia sẻ trải nghiệm của mình, khi ông đang ngồi trên sân thượng để chụp ảnh siêu trăng ở Tây Virginia thì thấy một dải sáng trên bầu trời ‘tạo ra hai tiếng nổ lớn’. Tuy nhiên, Stewart không phải là người duy nhất chứng kiến cảnh này.
Theo những báo cáo từ các nhân chứng khác, họ chưa từng thấy điều gì kỳ diệu như vậy. Cụm ngọn lửa bay này sáng rực rỡ, sáng hơn cả đèn đường, thậm chí cả trăng tròn. Vì thế, dù trời chưa sáng tỏ nhưng họ có thể quan sát rất rõ quỹ đạo của cụm ngọn lửa bay.
Ban đầu, các nhà khoa học giả định rằng cụm ngọn lửa bay này có thể xuất phát từ mưa sao băng Perseid hoặc một trong hai trận mưa sao băng khác đang diễn ra. Tuy nhiên, hành trình của nó không khớp với bất kỳ trận mưa sao băng nào trong số đó.
Bill Cooke, một chuyên gia về thiên thạch tại Văn phòng Môi trường Thiên thạch của NASA, cho biết, có thể 'quả cầu lửa' này là mảnh vỡ của một sao chổi chưa được xác định. Sao chổi này có đường kính khoảng 30 cm và nặng 34 kg. Vật thể kỳ lạ này tiến vào khí quyển Trái Đất trên thị trấn Krypton, bang Kentucky, di chuyển về hướng đông nam với vận tốc 60.000 km/h. Sau đó, nó tan rã trên Duffield, bang Virginia.
Dựa vào dữ liệu âm thanh của vụ nổ được ghi lại, nhóm nghiên cứu của Đại học Western Ontario cho biết, 'quả cầu lửa' này tạo ra vụ nổ tương đương với khoảng 2 tấn thuốc nổ TNT. Vào thời điểm cực đại, 'quả cầu lửa' thậm chí còn sáng gấp 5 lần so với trăng tròn.