Gần đây, một phụ nữ ở Tuyền Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) đã vô tình nuốt một lượng nhỏ chất hút ẩm. Cô sợ bị ngộ độc, nên đã nhanh chóng tìm kiếm thông tin và quyết định uống nhiều nước để làm sạch cơ thể. Cô đã tiêu thụ tới 10 lít nước trong vòng 3 giờ.
Thật không may, thay vì cảm thấy khá hơn, cô lại gặp phải chóng mặt, buồn nôn, co giật chân tay và nhiều triệu chứng khác ngay sau khi uống nước. Cô được đưa đến bệnh viện và kiểm tra cho thấy nồng độ natri trong máu giảm xuống chỉ còn 117,4 mmol/L (so với mức bình thường là 135-145 mmol/L), cùng với dấu hiệu phù não và tràn dịch màng phổi hai bên.
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ xác định rằng cô đã bị ngộ độc nước cấp tính, hạ natri máu nghiêm trọng, bệnh não nhược trương và các biến chứng nghiêm trọng khác, tình trạng rất nguy hiểm.
Đội ngũ y tế nhanh chóng tiến hành điều trị để loại bỏ lượng nước thừa, giảm áp lực nội sọ và điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải cho bệnh nhân. Sau vài ngày, cô đã hoàn toàn hồi phục.
Tình trạng ngộ độc nước không phải là hiếm. Trước đây, một nam thanh niên 18 tuổi cũng đã phải nhập viện sau khi chơi bóng rổ và lo sợ say nắng, anh đã uống liền 5 chai nước lớn. Hậu quả là anh gặp phải các triệu chứng tương tự như người phụ nữ do ngộ độc nước.
Các bác sĩ giải thích rằng khi lượng nước vào cơ thể vượt quá khả năng bài tiết, nước sẽ tích tụ, làm giảm độ thẩm thấu huyết tương và gia tăng lượng máu lưu thông, gây ra ngộ độc nước. Tình trạng này có thể dẫn đến chóng mặt, đau đầu, nôn mửa, mệt mỏi, nhịp tim nhanh và co giật. Trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể xảy ra chuột rút, hôn mê và thậm chí đe dọa tính mạng.