Đã gần một tháng trôi qua kể từ ngày định mệnh đó, khi một học sinh lớp 10 của trường THPT Chuyên Amsterdam nhảy lầu tự vẫn vì áp lực. Trong suốt thời gian nhạy cảm đó, chúng ta thường thấy những bài viết trên Facebook, báo chí về sự việc đau lòng này kèm theo những bình luận tiêu cực, chỉ trích cách hành xử của bố mẹ cậu bé. Những bình luận ác ý đó vô tình tạo ra áp lực không nhỏ cho những người ở lại. Những người từng chỉ trích có bao giờ tự hỏi liệu lời nói của mình có giá trị gì không? Có đủ để làm cha mẹ cậu bé hối hận, ăn năn? Trong giây phút bức xúc, ta quên đi nỗi đau của bố mẹ em: con cái họ đã ra đi vì sự yêu thương sai cách, họ mới là người không thể tha thứ cho bản thân. Trong đoạn clip cuối cùng được phát tán, bố cậu bé liên tục gọi tên con mình trong vô vọng, chứng tỏ tình cảm gia đình chưa bao giờ mất đi.
Đây chỉ là một ví dụ có thật trong nhiều câu chuyện về việc “ném đá công kích” không thương tiếc một cá nhân hay tổ chức nào đó hiện nay. Và dường như, những người đứng sau lại là thế hệ trẻ, những người sử dụng mạng xã hội rất nhiều.
I. Tại sao giới trẻ lại thích chỉ trích đến vậy?
1. Xuất phát từ sự khác biệt
Trong tiếng Anh, mình để ý có một cụm từ luôn xuất hiện khi nói về sự khác biệt giữa các thế hệ, dẫn đến thiếu sự hiểu biết và cảm thông. Đó là 'Generation Gap' (tạm dịch: khoảng cách thế hệ). Ta thường nghĩ khoảng cách này chỉ xảy ra trong gia đình, nhưng thật ra nó xuất hiện ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, đặc biệt khi có sự khác biệt về trải nghiệm, thói quen, hành động và niềm tin.
Người lớn (chẳng hạn như thế hệ 8x) khác chúng ta ở chỗ họ sinh ra và lớn lên trong một xã hội còn nhiều bất ổn, nhiều định kiến cổ hủ, từ việc học hành đến sinh hoạt. Họ phải nỗ lực rất nhiều để tiếp thu những điều đúng đắn và có cái nhìn khách quan về thế giới. Do đó, không ngoa khi nói rằng thế hệ đó nói ít làm nhiều, luôn nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát, ít phán xét mà tập trung vào nguyên nhân và giải pháp.
Nhưng chúng ta thì khác. Sinh ra trong một xã hội ổn định, mọi thứ đều đủ đầy khiến ai cũng mong muốn tiến xa và nhanh hơn. Giới trẻ khao khát thể hiện tiếng nói nội tâm, tự tin và dũng cảm để cải thiện xã hội. Tuy nhiên, việc đứng lên vì lẽ phải và việc hùa vào chỉ trích, bôi nhọ là hai điều hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể đăng status bảo vệ nữ quyền, nhưng nếu bạn đăng status phỉ báng anh A, chú B là cổ hủ, thiếu suy nghĩ mà không quan tâm đến cảm xúc của họ, khi họ đã nhận ra sai lầm và đang cố gắng hoàn thiện, thì bạn cần xem lại bản thân. Một giây bạn hả hê vì có hàng trăm bình luận đồng tình, nhưng cũng có hàng trăm bình luận chỉ trích người bị bạn phỉ báng.
Có những người rất thích vạch trần cái sai của người khác, mong muốn cái xấu phải bị lộ diện, sẵn sàng chỉ trích bằng những hành động như chửi rủa, nguyền rủa. Nhưng, giới trẻ cần xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề trước khi lên tiếng, tránh làm tổn thương danh dự và cảm xúc của người khác.
2. Internet – công cụ phát tán nhanh hơn cả tốc độ lan truyền của virus?
Trong một ví dụ từ New York Times, nhóm 5 người nhiễm nCoV có thể lây virus cho 368 người chỉ sau 5 lần phát tán. Nhưng tốc độ này chẳng là gì so với tốc độ lan truyền tin tức trên mạng xã hội. Khi có một câu chuyện siêu hot, chỉ trong vòng 5 phút, với hàng trăm lượt repost, bình luận, chia sẻ và react, độ tiếp cận có thể lên đến hàng chục hay hàng trăm nghìn lượt xem. Thậm chí, ngoài đời thực còn truyền miệng nhau nhanh hơn cả virus lây lan, còn tương tác trên mạng thì luôn luôn 'ngay và luôn'.
Việc tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội để cập nhật tình hình khắp nơi khiến giới trẻ sẵn sàng công kích người khác. Chúng ta công khai nhưng giấu mặt, giấu tên. Chúng ta nói điều hợp lý và được cả trăm người nể phục vì hay, xuất sắc. Chúng ta xả bực tức chỉ bằng vài dòng chữ, icon thì còn gì hợp lý hơn? Thời đại này, việc 'đơn giản hóa' hành động đả kích bằng Facebook, Instagram hay Twitter là điều khó tránh khỏi.
II. Chúng ta, những người hay có thói quen chỉ trích, nhận lại gì?
Để mình kể các bạn nghe câu chuyện này: Ngày xưa, trong một ngôi làng nọ, có một ông lão lúc nào cũng cáu kỉnh, hay bắt bẻ và chỉ trích những người xung quanh từng li từng tí. Vì thói quen xấu này mà mọi người xung quanh lúc nào cũng khó chịu, mệt mỏi; trong lòng luôn muốn tránh xa ông ta.
Vào dịp sinh nhật thứ 70, ai cũng kinh ngạc khi thấy ông lão tỏ ra vui vẻ, còn nói đùa với dân làng. Mọi người hỏi ông nguyên do nào khiến ông thay đổi và ông trả lời rằng:
- Hóa ra, bao lâu nay tôi cứ mãi tìm kiếm hạnh phúc hão huyền ở đâu đâu. Ai ngờ, chỉ cần gạt bỏ bực dọc và bớt lời than phiền thì hạnh phúc đã ngập tràn rồi.
Bạn thấy không, ông lão trong câu chuyện không chỉ mang nỗi muộn phiền trong lòng mà còn lan tỏa nó đến người khác. Trong bối cảnh hiện tại, những người bị chỉ trích cả ngoài đời lẫn trên mạng có lẽ đang trải qua cơn ác mộng kinh khủng nhất. Điều buồn nhất không phải là cái sai bị phanh phui, mà là người làm sai biết mình sai nhưng phải chịu ánh nhìn kỳ thị và phẫn nộ từ dư luận. Tôi không phân tích ai đúng ai sai vì không phải người trong cuộc, nhưng có những việc chúng ta cần kiềm chế để không làm tổn thương thêm người đã từng gây lỗi và nhận kết cục cay đắng.
Chúng ta chỉ trích người khác không thương tiếc thì được gì? Ghi nhận? Ngưỡng mộ? Không, có lẽ là “bực tức”. Đôi khi, con người hay hiểu lầm giữa “công kích” và “tranh biện”. Tranh biện là vạch ra lập luận phi lý, thiếu đúng đắn, còn công kích là tấn công trực diện vào nhân phẩm, danh dự. Chúng ta dường như mất quá nhiều thời gian đôi co, tranh luận với ai đó khi họ bảo vệ người trong câu chuyện trên mạng. Thật bực mình khi ai đó nói rằng ta sai, ta ngốc khi nói vài câu đúng không? Chiến tranh với người xa lạ chỉ làm ta đau đầu và tốn thời gian vào những việc vô bổ.
III. Thôi, bỏ đi!
Có thể bạn đã từng chìm đắm trong chuỗi ngày chỉ trích không hồi kết, thấy sai là phải nói bất kể nắng mưa và chợt nhận ra rằng việc làm ấy cũng chẳng hay ho gì. Nhưng không gì là quá muộn. Hãy cùng nhau bỏ đi ngăn kéo của sự chỉ trích trong tâm trí chúng ta từ bây giờ nào!
Người Nhật có câu châm ngôn đáng suy ngẫm: 'Nghĩ bảy lần trước khi nghi ngờ một ai đó.' Đúng vậy, giống như 'uốn lưỡi bảy lần trước khi nói', suy nghĩ cũng cần thời gian. Câu chuyện bạn đọc liệu có đúng như thế không? Người này, người kia thật sự đã hành xử như vậy? Bạn có cần phải bình luận không? Bình luận của bạn có giúp sáng tỏ sự thật hay chỉ làm mọi thứ tệ hơn?
Điều bạn cần làm không phải là chứng tỏ bản thân, mà là lắng nghe con tim và thấu hiểu người khác trước khi hành động. Con mắt chỉ thấy những gì trước mắt, nhưng trái tim biết cách tin tưởng và thông cảm với hoàn cảnh của người khác.
Ngưng phán xét cũng là một cách. Nghe có vẻ buồn cười khi mong muốn ngừng chỉ trích từ bây giờ, đúng không? Nhưng bạn ơi, chỉ trích bắt nguồn từ định kiến và phán xét xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ và hành xử. Thật ra, không ai hoàn toàn đúng hay sai. Chúng ta đều khác nhau, mỗi người một cuộc đời, vậy sao phải so đo, tính toán? Đừng thấy sai là lên tiếng, vì ta đâu biết rõ bản chất, động cơ của người khác. Hãy học cách chấp nhận, nhìn nhận, và nói điều đúng lúc đúng chỗ sẽ được đánh giá cao hơn.
Tác giả: Vũ Lê Yến Nhi