Khi bố mẹ già đi, con cái trưởng thành phải đối diện với việc thích nghi với vai trò mới: người chăm sóc cho bố mẹ.
Trong bộ phim đầy những bài học về yêu thương như Reply 1988, tôi nhớ nhất câu nói của nhân vật Sung Dong Il – bố của nữ chính Duk Sun: “Những người bố không tự động trở thành bố khi đứa con chào đời. Đây cũng là lần đầu bố làm bố.”
Lời tâm sự này như giải đáp cho nhiều khúc mắc giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ có thể học hỏi kiến thức nuôi dạy trẻ, có thể dự liệu tốt xấu dựa vào kinh nghiệm… Nhưng vẫn có thể không biết cách giao tiếp để con không nghĩ rằng “bố mẹ chẳng hiểu gì con cả!”
Cảm xúc yêu - ghét đan xen từ đó hình thành, càng sâu sắc và khó bỏ qua khi con cái trưởng thành, còn bố mẹ dần già đi.
Lúc này, vai trò thay đổi. Từ người nhận, con cái dần trở thành người trao sự chăm sóc. Đây là lần đầu với nhiều thay đổi và sai sót cho bất kỳ ai.
Lần đầu trở thành điểm tựa cho bố mẹ, con cái cần học cách thích ứng với danh tính mới
Danh tính bao gồm cách chúng ta nhìn nhận bản thân và cách chúng ta muốn người khác nhìn nhận mình. Nó liên tục dung hòa các vai trò và khía cạnh mới phát triển theo thời gian và trải nghiệm để tạo ra cảm giác ổn định về việc “tôi là ai'.
Khi trưởng thành và bắt đầu đảm nhận vai trò chăm sóc bố mẹ, những người con cũng bước vào một hành trình mới. Thời gian cá nhân nhường chỗ cho thời gian gia đình. Việc chăm sóc bản thân chuyển thành chăm sóc bố mẹ. Quyết định sự nghiệp và tài chính hướng đến sự ổn định và bền vững hơn, thay vì chỉ tập trung vào trải nghiệm ngắn hạn và giá trị tinh thần như trước. Những ai đã có gia đình riêng sẽ cần gánh thêm trách nhiệm gấp đôi.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo đề cao chữ hiếu, nhiều người đã chuẩn bị tinh thần cho vai trò này từ sớm. Tuy nhiên, một số khác không có sự lựa chọn về thời điểm, đôi khi phải đối mặt với biến cố đột ngột và phải thay đổi chỉ sau một đêm. Có người vẫn chưa sẵn sàng đối diện với sự thật rằng bố mẹ họ đang ở “bên kia sườn dốc”, vì vậy họ tránh né trách nhiệm như một cơ chế tự vệ.
Lần đầu tiên trở thành điểm tựa cho bố mẹ, nhiều người con khó tránh khỏi cảm giác bối rối, lo lắng về mọi mặt: tinh thần, thể chất lẫn tài chính. Những thay đổi đột ngột ở mọi khía cạnh khiến họ quá tải trước khi kịp thích nghi. Từ đó, khủng hoảng hình thành, cản trở họ làm điều tốt nhất cho bố mẹ mình.