Khi bất ngờ cầm chìa khoá để tắt máy hoặc vô tình vặn ga, đó là những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra khi phụ huynh đưa trẻ nhỏ ngồi trước xe máy.
Trên các con đường của Thủ đô, PV VTC News thường xuyên chứng kiến hình ảnh phụ huynh cho trẻ ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông, đôi khi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Hành động này không chỉ khiến cho con em của họ gặp nguy hiểm khi có thể bị hất văng xuống đường sau một va chạm nhỏ, mà còn khiến cho trẻ có thể vô tình cầm chìa khoá để tắt máy hoặc vặn tay ga, gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Gần đây, tại Bình Định, đã xảy ra một vụ tai nạn đau lòng khiến 3 người tử vong do bé 4 tuổi vô tình vặn ga khiến xe máy lao vào hàng rào xi măng của một nhà dân gần đó. Sự việc này là một cảnh báo đầy ý nghĩa đối với các bậc phụ huynh thường cho trẻ nhỏ ngồi trước xe máy khi di chuyển hoặc dừng lại trên đường, để trẻ trên xe mà không có người lớn bên cạnh.
Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm khi phụ huynh để trẻ nhỏ ngồi ở phía trước của xe máy. Tuy vậy, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trên các con đường gần các cơ sở giáo dục mầm non. Do tính chủ quan, nhiều phụ huynh cho phép trẻ ngồi hoặc đứng ngay phía trước của xe mà không có sự bảo vệ, không đội mũ bảo hiểm...
Tai nạn thường gặp khi cho trẻ đứng trước xe thường xảy ra nhiều với các loại xe tay ga. Xe tay ga thường sử dụng phanh đĩa, nên nhiều phụ huynh cho trẻ đứng phía trước. Trong tình huống khó khăn, bối rối, họ có thể bóp phanh mạnh tay, khiến xe dừng lại đột ngột. Lúc đó, ngực, mặt của trẻ có thể va chạm mạnh vào phần đầu của xe. Cũng có những tình huống, trẻ nhỏ bắt chước người lớn, vô tình vặn chìa khóa hoặc tay ga, làm thay đổi tốc độ di chuyển... điều này cũng dễ dàng dẫn đến các vụ tai nạn.
Nhiều phụ huynh đã cẩn trọng hơn khi cho trẻ nhỏ ngồi phía sau. Chị Lê Thị Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rằng, chị đã từng chứng kiến và nghe nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi cho trẻ nhỏ ngồi phía trước của xe máy. “Đưa con ngồi phía trước xe rất nguy hiểm và không an toàn. Tôi nhận thấy rằng, mặc dù việc đặt con ngồi ở phía trước giúp quan sát tốt hơn nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi xảy ra va chạm giao thông hoặc trẻ nhỏ vô tình vặn tay ga. Dù nhà tôi ở gần trường nhưng tôi vẫn cho con ngồi phía sau để tránh các tình huống không may xảy ra.”, chị Thu Trang chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT), việc để con nhỏ ngồi ở phía trước là một thói quen tồn tại từ lâu trong việc tham gia giao thông bằng xe máy tại Việt Nam. “Lý do chính là cha mẹ nghĩ rằng con còn quá nhỏ (3-6 tuổi) nên không thể ngồi ở phía sau một mình. Trẻ có thể không chú ý, quên ôm hoặc giật mình khi xe đột ngột tăng tốc. Trái lại, khi bé ngồi ở phía trước, cha mẹ cảm thấy an toàn hơn vì có thể giám sát và theo dõi mọi hoạt động của bé. Tuy nhiên, đây là hiểu lầm lớn, vì thực tế vị trí phía sau tay lái là nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp, lực quán tính sẽ đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể va vào tay lái hoặc trẻ bị hất ra xa”, TS. Nguyễn Minh Hiếu phân tích.
TS. Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: 'Để trẻ em ngồi ở phía trước là rất nguy hiểm vì chúng chưa có khả năng tự đánh giá đúng về hành vi của mình. Trẻ thường tò mò và bắt chước hành vi của người lớn. Trên thực tế, việc trẻ con bóp còi hoặc bật đèn xi nhan không phải là hiếm. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp còn nghịch tay ga và vặn chìa khóa để tắt máy xe”.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Minh Hiếu cũng đưa ra một số lưu ý khi đưa trẻ đi xe máy. Người lái nên duy trì tốc độ ổn định và hợp lý. Với trẻ nhỏ từ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa hai người lớn, không bao giờ để trẻ ngồi phía trước. Với trẻ lớn hơn, đều nên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và không để trẻ đứng trên xe vì bất kỳ lí do nào.
Đối với trẻ nhỏ, các phụ huynh cần sử dụng đai an toàn để buộc chặt con gần vào mình khi ngồi sau, không nên để trẻ tự ôm người điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, để tránh cho trẻ gặp phải những tổn thương nguy hiểm, phụ huynh cần chắc chắn đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi xe.