Nguyễn Duy | |
---|---|
Bút danh | Nguyễn Duy |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Người Việt |
Tư cách công dân | Việt Nam |
Thể loại | Thơ tự do |
Giải thưởng nổi bật | Giải nhất thơ tuần báo Văn nghệ năm 1973, tặng thưởng loại A về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 |
Nguyễn Duy
Tiểu sử tóm tắt
Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam. Năm 1966 ông nhập ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979). Trong giai đoạn này, ông đã trở thành một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Sau đó ông giải ngũ, làm việc tại Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam và là Trưởng Đại diện của báo này tại phía Nam.
Nguyễn Duy đã bắt đầu sáng tác thơ từ khi còn là học sinh trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa. Năm 1973, ông giành giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với tập thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, 'Giọt nước mắt và nụ cười', Tre Việt Nam trong tập Cát trắng. Ngoài thơ, ông còn viết tiểu thuyết và bút ký. Năm 1997 ông quyết định 'gác bút' để suy ngẫm về bản thân và tập trung vào in thơ lên các chất liệu như tranh, tre, nứa, lá, thậm chí cả bao tải. Từ năm 2001, ông đã in nhiều tác phẩm thơ trên giấy dó. Ông cũng đã biên tập và năm 2005 xuất bản tập thơ thiền trên giấy dó (bao gồm 30 bài thơ thiền thời Lý, Trần do ông lựa chọn) kích thước 81 cm x 111 cm, với bản gốc tiếng Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Việt, cũng như dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Anh, được minh họa với những bức ảnh do ông tự chụp.
Nguyễn Duy nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Các tác phẩm chủ yếu
Thơ
- Cát trắng (1973), 50 bài thơ
- Ánh trăng (1978), 33 bài thơ
- Đãi cát tìm vàng (1987), 38 bài thơ
- Mẹ và em (1987)
- Đường xa (1989), 19 bài thơ
- Quà tặng (1990)
- Về (1994), 49 bài thơ
- Sáu và Tám (tuyển thơ lục bát, 1994)
- Tình tang (1995)
- Vợ ơi (tuyển thơ tặng vợ, 1995)
- Bụi (1997), 49 bài thơ
- Thơ Nguyễn Duy (2010, tuyển tập những bài thơ tiêu biểu nhất của ông)
- Quê nhà ở phía ngôi sao (2017)
- Tuyển thơ lục bát (2017)
Các thể loại khác
- Em-Sóng (kịch thơ, (1983)
- Khoảng cách (tiểu thuyết, 1986)
- Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký, 1986)
- Tôi thích làm vua (ký, 1988)
- Ghi và Nhớ (ký, 2017)
Thành tựu nghệ thuật
Thơ Nguyễn Duy có những bài thơ sâu lắng và giàu triết học như Tre Việt Nam, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Sông Thao. Ông được đánh giá cao trong việc viết thơ lục bát, một thể loại thơ vừa dễ viết nhưng lại khó viết tốt. Thơ lục bát của Nguyễn Duy mang phong cách hiện đại, câu thơ tự do nhưng uyển chuyển và sắc bén.
Nguyễn Duy còn sáng tác 3 bài thơ tự do nổi tiếng về những suy nghĩ sâu sắc về tương lai của đất nước và con người. Bài thơ đầu tiên là Đánh thức tiểm lực (1980-1982) với những suy tư về tiềm năng và tương lai quốc gia. Bài thơ thứ hai là 'Nhìn từ xa...Tổ quốc' viết khi ông thăm Liên Xô và hoàn thành năm 1988, phê phán thời kỳ bao cấp với những câu thơ sắc bén. Bài thơ thứ ba là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ viết sau 10 năm, khám phá về thiên nhiên và tương lai loài người.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: 'Hình hài Nguyễn Duy như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy như những cây quý mọc trên đó.' Ông nhận giải Mai Vàng năm 1997 cho tuyển tập thơ Bụi.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Nguyễn Duy và triển lãm 'Triển lãm thơ, ảnh trên giấy dó'
- Nguyễn Duy đưa thơ Việt Nam sang Mỹ
- Nguyễn Duy và sự kiện 'Hồn giấy dó'
- Nguyễn Duy: 'Tiềm lực vẫn còn ngủ quên'
- Triển lãm thơ Thiền Lý - Trần trên giấy dó
- NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ‘’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’