1. Tại sao dái tai sưng lên?
Hiện tượng sưng dái tai có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
1.1. Sử dụng khuyên tai
Sau khi đeo khuyên tai, nhiều người thường gặp sưng, ngứa và đau ở vùng tai. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường sẽ biến mất trong vài ngày tới. Trường hợp tai bị nhiễm trùng sau khi đeo khuyên có thể dẫn đến tái phát sưng đau, viêm nhiễm,... Nếu tình trạng này kéo dài hoặc tái diễn liên tục, cần phải đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
Đeo khuyên tai thường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sưng dái tai phổ biến nhất.
1.2. Tai bị chấn thương hoặc tụ máu
Mọi chấn thương ở vùng tai đều có thể gây ra tình trạng sưng dái tai. Bên cạnh đó, sự hình thành khối máu ở tai sau chấn thương cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, khối máu ở tai có thể dẫn đến nhiễm trùng, làm biến dạng tai, gây đau và sưng.
1.3. Phản ứng dị ứng
Tiếp xúc với bất kỳ dị nguyên nào cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng và dẫn đến tình trạng sưng dái tai. Điều này đặc biệt đúng khi tiếp xúc với chất niken có trong các loại khuyên tai. Để giảm tình trạng sưng dái tai do dị ứng, đơn giản chỉ cần tháo khuyên tai ra hoặc thay thế chất liệu khuyên.
1.4. Bệnh lý ở tai
- Viêm tai xương chũm
Nhiễm trùng xương chũm ở tai có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sưng dái tai. Những người bị viêm tai xương chũm thường có các triệu chứng như: sưng, đỏ và đau ở tai; sốt; dịch chảy từ tai bị ảnh hưởng; mất thính giác; đau đầu.
- Nhiễm trùng ở bên ngoài tai
Sưng dái tai là một trong những biểu hiện của bệnh nhiễm trùng ở bên ngoài tai. Kèm theo đó là cảm giác ngứa, đau, đỏ và nhạy cảm ở vùng tai.
- Áp xe
Bị áp xe dái tai là hậu quả của vi khuẩn gây ra nhiễm trùng. Biểu hiện của bệnh lý này thường là tụ mủ và dịch chảy. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như buồn nôn, sốt, ớn lạnh, da tổn thương và viêm tai.
1.5. Bị cắn hoặc bị côn trùng đốt
- Bị cắn bởi côn trùng
Khi bị côn trùng cắn ở dái tai, có thể gây ra cảm giác ngứa và sưng tại khu vực này.
Mụn nhọt cũng có thể gây ra sự sưng của dái tai
- Mụn nhọt
Nhọt là dấu hiệu của sự phát triển của nhiễm trùng sâu dưới bề mặt da, thường đi kèm với mủ. Đa số các trường hợp mọc nhọt ở dái tai thường liên quan đến nang lông và gây ra cảm giác đau đớn khi tiếp xúc. Kích thước của nốt nhọt có thể thay đổi theo thời gian.
Sưng dái tai do nhọt thường biểu hiện qua: ngứa ở tai, cơ thể mệt mỏi, sốt, da xung quanh tấy đỏ,...
1.6. Bệnh lý về da
- Viêm da tiếp xúc
Khi da tiếp xúc với một số chất có trong cây thường xuân độc, cây sumac độc, cây sơn độc,... có thể gây ra viêm da tiếp xúc với các triệu chứng như sưng, đỏ, ngứa và viêm da. Sự sưng của dái tai cũng có thể do tiếp xúc với thân hoặc lá của những loài cây này và dẫn đến hiện tượng phát ban ngay tại vùng da tiếp xúc.
Nguyên nhân khiến những loại cây được đề cập trên gây viêm da tiếp xúc là do chúng tiết ra một loại dầu kích ứng, làm da cảm thấy ngứa và châm chích, sau đó lan rộng và triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn cuối, da sẽ sưng và hình thành mụn nước, sau đó khô và bong vảy.
- Viêm mô tế bào
Nhiễm trùng da do vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm mô tế bào, biểu hiện là sưng, nóng, đau và đỏ ở vùng viêm. Bệnh này không chỉ ở dái tai mà còn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cần phải được điều trị kịp thời.
2. Bị sưng dái tai, phải làm sao?
2.1. Khi nào cần can thiệp y tế?
Hầu hết các trường hợp bị sưng dái tai đều có thể được xử lý tại nhà thông qua các biện pháp phù hợp với nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu sau đây, cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời:
Dái tai sưng bất thường hoặc kéo dài cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám
- Dái tai có dịch vàng hoặc mủ xanh chảy ra.
- Các biểu hiện dị ứng nghiêm trọng.
- Áp xe hoặc u nang ở dái tai.
2.2. Điều trị sưng dái tai
Có nhiều nguyên nhân gây ra sưng dái tai nên việc điều trị cần phải dựa trên nguyên nhân cụ thể. Chườm lạnh lên vùng dái tai sưng có thể giúp giảm dòng máu đến vùng da sưng đỏ và làm giảm triệu chứng sưng nề.
Trong các trường hợp sưng đau do nhiễm khuẩn, việc sử dụng thuốc kháng sinh uống hoặc thuốc bôi là cần thiết. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng và thời gian điều trị cần được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Đối với trường hợp dị ứng hoặc sưng dái tai do côn trùng cắn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống dị ứng.
Việc phòng ngừa sưng dái tai có thể thực hiện bằng cách tránh tiếp xúc với các tác nhân có khả năng gây kích ứng da như chất liệu niken trong khuyên tai. Ngoài ra, việc vệ sinh tai định kỳ và hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm.
Tùy vào nguyên nhân gây ra sự sưng dái tai mà tác động của hiện tượng này đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh sẽ khác nhau. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy theo dõi sự phát triển của vết sưng để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường cần được thăm khám.