1. Tình trạng tưa lưỡi là do nguyên nhân gì?
Tưa lưỡi thực chất là tình trạng nhiễm nấm do nấm candida gây ra. Tình trạng tưa lưỡi thường sẽ xuất hiện các màng giả màu trắng ở lưỡi, niêm mạc miệng, họng hay thậm chí là cả thực quản.
Tình trạng tưa lưỡi có màu trắng nên đôi khi dễ bị nhầm lẫn với cặn sữa. Tuy nhiên, trong khi cặn sữa có thể dễ dàng loại bỏ và rửa sạch thì tình trạng tưa lưỡi lại bám rất chắc, nếu cố lau rửa sẽ khiến trẻ khó chịu và đau rát đến chảy máu. Bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng tưa lưỡi, nhưng thường gặp nhất là ở các đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ em hay người già.
Tình trạng tưa lưỡi thường có màu trắng và thường bám ở lưỡi, niêm mạc miệng hay họng của trẻ
Ban đầu, tình trạng tưa lưỡi thường xuất hiện ở đầu lưỡi dưới dạng những hình tròn nhỏ tạo thành sợi dây. Những đốm trắng nhỏ này sẽ dần lan rộng thành từng mảng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này không chỉ gây đau đớn cho trẻ mà còn làm mất vị giác ở lưỡi, khiến trẻ quấy khóc, từ chối bú và biếng ăn. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn.
Tình trạng tưa lưỡi ở trẻ có thể do một trong số những nguyên nhân sau đây:
- Trẻ không được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự vệ sinh.
- Trẻ thường gặp tình trạng khô miệng: Niêm mạc miệng thường trở nên khô khi miệng trẻ tiết ít nước bọt, điều này nếu xảy ra thường xuyên sẽ tạo môi trường axit khiến khoang miệng và lưỡi của trẻ bị tổn thương.
- Mẹ truyền nhiễm nấm cho trẻ: trẻ có thể bị nhiễm nấm từ mẹ nếu trong thời kỳ mang thai, mẹ bị nhiễm nấm vú hoặc nấm ở các bộ phận sinh dục.
- Trẻ suy yếu hệ miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch như ung thư, HIV,... Các triệu chứng có thể trở nên nặng nề hơn đối với những trường hợp này.
- Trẻ mắc hội chứng Raynaud, bệnh chàm,...
- Trẻ bị tình trạng tưa lưỡi do tác dụng phụ của corticoid, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư.
Trẻ bị tình trạng tưa lưỡi có thể do nhiễm nấm từ mẹ
2. Phương pháp điều trị hiệu quả cho trẻ bị tình trạng tưa lưỡi
Bác sĩ khuyên nên ưu tiên áp dụng các phương pháp điều trị không sử dụng thuốc cho trẻ bị tình trạng tưa lưỡi. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng hoặc có liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm mới nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
2.1. Phương pháp điều trị khi trẻ bị tình trạng tưa lưỡi mà không sử dụng thuốc
Đối với những trường hợp trẻ bị tình trạng tưa lưỡi nhẹ, cha mẹ có thể tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và vệ sinh tưa lưỡi cho con bằng dung dịch rửa sát khuẩn theo từng bước như sau:
- Rửa tay và sát khuẩn tay sạch sẽ trước khi lau rửa tưa lưỡi cho con. Chuẩn bị băng gạc vô trùng chuyên dụng.
- Bế hoặc để cho trẻ nằm yên.
- Tốt nhất nên sử dụng miếng gạc tưa lưỡi chuyên dụng, nếu không có thì có thể thay thế bằng cách quấn miếng gạc mềm quanh đầu ngón tay trỏ.
- Thấm dung dịch rửa vào gạc, sau đó nhẹ nhàng lau rửa mặt trên lưỡi của trẻ theo hướng từ trong ra ngoài. Lặp lại vài lần để làm sạch tưa lưỡi.
- Tiếp tục thực hiện như vậy với các vùng khác trong khoang miệng như 2 bên má, nướu, vòm miệng,... Cần chú ý thay miếng gạc tưa lưỡi mới cho mỗi vùng cần vệ sinh.
- Vệ sinh tưa lưỡi nên được thực hiện trước bữa ăn khoảng 30 phút và thực hiện đều đặn tối thiểu 2 lần mỗi ngày.
Sử dụng gạc tưa lưỡi chuyên dụng để vệ sinh khoang miệng cho trẻ
Trẻ có thể được bác sĩ kê các loại dung dịch sát khuẩn khác nhau như dung dịch muối NaCl, dung dịch chống nấm tùy thuộc vào tình trạng nhiễm nấm của từng trẻ. Để tránh khiến trẻ bị khó chịu, nôn trớ trong quá trình vệ sinh, cha mẹ cần lưu ý không đưa tay vào quá sâu.
Vệ sinh tưa lưỡi cần được thực hiện đúng cách bởi nếu tự ý cố gắng cậy tưa lưỡi có thể khiến trẻ bị chảy máu gây nhiễm trùng. Trẻ nhỏ sau khi ăn xong cần phải súc miệng, với trẻ sơ sinh chưa biết súc miệng thì mẹ có thể vệ sinh khoang miệng cho con bằng cách dùng gạc có thấm dung dịch nước súc miệng.
2.2. Sử dụng thuốc điều trị cho trẻ bị tình trạng tưa lưỡi
Với những trẻ suy yếu miễn dịch và bị tình trạng tưa lưỡi nặng thì thường sẽ phải cần đến sự can thiệp của các loại thuốc điều trị chuyên biệt. Tuy nhiên, tuyệt đối không sử dụng thuốc tùy tiện mà cần tuân thủ theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định. Một số loại thuốc điều trị dành cho trẻ bị tình trạng tưa lưỡi thông dụng như: Miconazol, Nystatin, thuốc kháng nấm toàn thân,...
3. Các biện pháp phòng ngừa trẻ bị tình trạng tưa lưỡi hiệu quả
Mẹ nên chủ động nắm vững các biện pháp phòng ngừa trẻ bị tình trạng tưa lưỡi, cụ thể như:
3.1. Phòng ngừa tình trạng tưa lưỡi ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh
- Sau khi trẻ bú và ăn xong cần được vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, thường xuyên.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ mỗi ngày với nước ấm hoặc nước muối sinh lý 0,9%.
Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ với nước ấm hoặc nước muối sinh lý
- Tránh cho trẻ dùng chung đụng đồ với người khác, nên sử dụng các vật dụng cá nhân riêng. Đồng thời, mẹ cũng cần làm sạch và giặt giũ các vật dụng của con thường xuyên.
- Có các biện pháp điều trị tích cực sớm, giúp tăng cường sức đề kháng với những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu.
3.2. Phòng ngừa nấm ở mẹ
Bên cạnh việc phòng ngừa tình trạng tưa lưỡi cho con thì việc phòng ngừa nấm ở mẹ cũng là điều vô cùng quan trọng. Bởi điều này có thể giúp hạn chế tối đa việc lây nhiễm từ mẹ sang con.
- Nếu mẹ bị nhiễm nấm vú, âm đạo trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh thì cần điều trị sớm một cách triệt để.
- Tránh để người khác hôn môi, thơm má trẻ, đặc biệt là người lạ.
Tình trạng tưa lưỡi nếu được điều trị kịp thời sẽ không gây nguy hiểm đối với trẻ
Trẻ bị tình trạng tưa lưỡi thường sẽ nhanh khỏi và không gây nguy hiểm nếu được vệ sinh và điều trị tích cực. Nếu tình trạng tưa lưỡi có dấu hiệu bất thường hoặc diễn biến nghiêm trọng thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ và thăm khám kịp thời.