1. Nước tiểu bình thường có màu gì?
Nước tiểu là chất thải do thận bài tiết ra ngoài cơ thể qua đường niệu đạo. Màu sắc của nước tiểu bị chi phối bởi sắc tố urochrome (urobilin), nằm trong gam màu từ trắng trong cho đến vàng nhạt và hổ phách đậm. Bình thường nước tiểu trong suốt hoặc vàng nhạt, không máu, không có hạt.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm cho màu sắc của nước tiểu từ trắng chuyển sang các gam màu vàng khác nhau
Khi cơ thể được cung cấp nhiều nước hơn, màu sắc của nước tiểu sẽ trở nên nhạt đi. Trong nước tiểu, có một số chất thải không cần thiết được cơ thể loại bỏ, do đó, nếu màu sắc của nước tiểu không ở dải màu vàng sáng, có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe không bình thường.
2. Nước tiểu màu vàng tươi - nguyên nhân và cách xử lý
2.1. Tại sao nước tiểu có màu vàng tươi?
Sự cân bằng về màu sắc của nước tiểu phụ thuộc vào urochrome. Đây là một sản phẩm từ quá trình phân hủy hemoglobin - một loại protein trong tế bào máu đỏ giúp vận chuyển oxy. Mỗi ngày, hàng triệu tế bào máu đỏ được thay thế, và cơ thể cần phải phá hủy tế bào cũ. Quá trình này tạo ra urochrome, được thải ra qua nước tiểu, làm cho nước tiểu có màu vàng.
Không phải lúc nào nước tiểu có màu vàng tươi cũng là dấu hiệu cảnh báo về vấn đề sức khỏe, nhưng trong một số trường hợp cần phải thận trọng để kịp thời phát hiện bất thường. Các nguyên nhân gây ra màu vàng tươi của nước tiểu thường bao gồm:
Dư thừa vitamin B12 là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nước tiểu có màu vàng tươi
- Uống nước quá ít làm cho nước tiểu cô đặc và có màu vàng tươi, nếu càng uống ít nước thì nước tiểu càng chuyển sang màu vàng đậm.
- Dư thừa vitamin B, đặc biệt là B2 và B12, khiến cho lượng vitamin thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và làm cho nước tiểu có màu vàng tươi. Tuy nhiên, tình trạng này gần như là vô hại với sức khỏe nên không đáng lo lắng.
- Trong quá trình mang thai, nước tiểu của phụ nữ có thể có màu vàng tươi, mặc dù hầu hết các trường hợp không phản ánh sự bất thường về sức khỏe, nhưng cần theo dõi kỹ sự thay đổi màu sắc để phát hiện bất thường trong thai kỳ.
2.2. Ai có nguy cơ bị nước tiểu màu vàng tươi?
Như đã đề cập ở trên, nước tiểu màu vàng tươi chủ yếu do mất nước (do đổ mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy) hoặc dư thừa vitamin nhóm B. Các yếu tố làm tăng tình trạng này bao gồm:
- Vận động viên, đặc biệt là những người tham gia các môn thể thao sức bền như đua xe đạp, marathon,...
- Người mắc một số bệnh lý mạn tính như xơ nang, bệnh thận, tiểu đường, rối loạn tuyến thượng thận,...
- Trẻ nhỏ thường gặp tiêu chảy và nôn mửa.
Ngoài ra, người già cũng có thể mất nước do uống ít nước vì ngại phải đứng dậy đi vệ sinh, dẫn đến tình trạng nước tiểu màu vàng tươi.
2.3. Nên làm gì khi nước tiểu có màu vàng tươi?
Nhìn chung, hầu hết các trường hợp nước tiểu màu vàng tươi không phản ánh vấn đề nào đáng lo ngại về sức khỏe. Thường là do uống ít nước, tiêu thụ nhiều thực phẩm màu vàng, vitamin hoặc thuốc.
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện nguyên nhân nước tiểu màu vàng tươi có xuất phát từ vấn đề sức khỏe hay không
Để khắc phục tình trạng nước tiểu màu vàng tươi, cần xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng đó. Ngừng sử dụng vitamin, điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường uống nước có thể giúp giải quyết vấn đề. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục sau khi thực hiện các biện pháp này, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Khi đến thăm bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể sẽ được hỏi những câu hỏi sau:
- Bạn đã thấy nước tiểu màu vàng như vậy trong bao lâu chưa?
- Nước tiểu có mùi lạ không?
- Trong nước tiểu có có máu không?
- Khi đi tiểu, bạn có cảm thấy đau hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào khác không bình thường không?
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể hỏi về loại thuốc bạn đang sử dụng, vì vậy hãy ghi nhớ thông tin đầy đủ về tên các loại thuốc bạn đã dùng gần đây để cung cấp cho bác sĩ.
Dựa trên màu sắc của nước tiểu và triệu chứng bạn đang gặp phải, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để có cơ sở chẩn đoán đúng về tình trạng sức khỏe của bạn như: xét nghiệm nước tiểu (kiểm tra bất thường bệnh lý hoặc dấu hiệu nhiễm trùng), xét nghiệm máu (kiểm tra chức năng gan thận),...
Một số chẩn đoán hình ảnh sau đây cũng có thể sẽ được bác sĩ yêu cầu đối với những người gặp hiện tượng nước tiểu màu vàng tươi kéo dài:
- Siêu âm vùng niệu đạo, thận hoặc bàng quang.
- Chụp CT vùng chậu, bụng nếu có nghi ngờ về sỏi niệu đạo.
Khi có kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Không phải lúc nào nước tiểu màu vàng tươi cũng là dấu hiệu bất thường. Đôi khi chỉ cần thay đổi lối sống hàng ngày, nước tiểu sẽ trở lại màu trắng như bình thường. Ví dụ, nếu màu vàng tươi do thực phẩm, bạn chỉ cần giảm lượng thực phẩm đó trong khẩu phần hoặc tăng cường uống nước, màu nước tiểu sẽ thay đổi.