Hải đăng là một cột đèn được xây dựng để phát sáng nhằm hỗ trợ cho việc điều hướng và tìm đường cho các tàu trên biển. Ngoài ra, hải đăng còn được sử dụng để đánh dấu các điểm bờ biển nguy hiểm và lối vào cảng an toàn.
Trong cuộc sống, sự kỳ vọng mà xã hội đặt lên mỗi người cũng giống như những ngọn hải đăng giúp chúng ta tiến về phía trước. Nhờ vào kỳ vọng từ xã hội, chúng ta mới có động lực để phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, không phải ngọn hải đăng nào cũng phù hợp để chúng ta tiến tới, cũng như không phải mọi người đều có thể đạt được những ngọn hải đăng trong cuộc đời.
Chúng ta ra đời với những kỳ vọng từ gia đình và xã hội, nhưng những kỳ vọng này không phải lúc nào cũng là đích đến. Thường khi chúng ta gần đến, những kỳ vọng đó lại trở nên xa vời, với những mục tiêu mới khó khăn hơn để đạt được.
Bất kể là kỳ vọng từ gia đình hay từ xã hội, nếu chúng ta chỉ sống để làm người khác hài lòng bằng cách tuân thủ những mục tiêu họ đặt ra, liệu chúng ta có dành đủ thời gian để sống cho bản thân và mục tiêu của mình không? Mỗi khi chúng ta gần đến, họ có thể di chuyển ngọn hải đăng ra xa hơn, với hành trình dài dằng dặc hơn. Liệu chúng ta có đủ nhiên liệu để theo đuổi mục tiêu không định rõ? Và liệu chúng ta có sẵn lòng hy sinh cả cuộc đời chỉ để đáp ứng kỳ vọng vô hạn của người khác không?
Theo Xã hội học, kỳ vọng xã hội là hy vọng mà một nhóm đặt lên cá nhân dựa trên vai trò xã hội và bản sắc riêng của họ (địa vị, hoàn cảnh, v.v.). Những kỳ vọng này thường phản ánh các chuẩn mực giá trị và hành vi được xã hội chấp nhận. Chúng thúc đẩy và làm nảy sinh động lực cho hành vi của mỗi cá nhân. Ngược lại, cá nhân cũng thể hiện cuộc sống và hành vi của mình để đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Kỳ vọng xã hội được hình thành thông qua định kiến xã hội, kiến thức, đánh giá và niềm tin.
Theo Tâm lý học Nhận thức, Lý thuyết hành vi có hoạch định do Icek Ajzen khởi xướng giải thích mối quan hệ giữa niềm tin và hành vi của con người. Niềm tin được chia thành ba loại: niềm tin về hành vi, niềm tin theo chuẩn mực chung và niềm tin về sự tự chủ. Lý thuyết này dùng để hiểu và dự đoán hành vi con người.
Ajzen cho rằng có ba yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện hành vi của con người:
- Thái độ đối với hành vi (Attitude toward the Behavior) là đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của cá nhân về hành vi đó.
- Chuẩn mực chủ quan (Subjective Norms) là áp lực xã hội ảnh hưởng đến cá nhân về việc có nên thực hiện một hành vi nào đó không. Nó là kỳ vọng xã hội, chuẩn mực mà văn hóa xã hội đặt ra.
- Nhận thức kiểm soát hành vi (Perceived Behavioral Control) là nhận thức của mọi người về khả năng thực hiện một hành vi nhất định của mình. Đánh giá này gắn liền với kinh nghiệm hoặc trải nghiệm cá nhân trong quá khứ. Trải nghiệm giúp chúng ta cảm thấy mình giỏi hoặc yếu về một số lĩnh vực, cảm thấy có thể làm hoặc không thể làm một số việc nào đó, nhận định đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu...
Hãy thử áp dụng lý thuyết này để phân tích một ví dụ phổ biến:
Vì sao cha mẹ hay nhắc chúng ta nên kết hôn ở tuổi ba mươi?
- Về quan điểm: Cha mẹ cho rằng đến một độ tuổi nhất định mà chưa kết hôn thì sẽ bị coi là “ế”. Đây là định kiến của thế hệ trước.
- Về chuẩn mực xã hội: Những người xung quanh chúng ta phần lớn đã kết hôn ở độ tuổi đó. Nếu chúng ta không kết hôn sẽ bị xem là khác thường, không đạt chuẩn xã hội và cha mẹ sẽ lo lắng về điều này. Chúng ta cũng cảm thấy áp lực vì khác biệt.
- Về nhận thức kiểm soát hành vi: Cha mẹ thường đã kết hôn ở tuổi hai mươi lăm đến ba mươi. Với kinh nghiệm của họ, kết hôn ở độ tuổi này được xem là yếu tố đảm bảo cuộc sống ổn định.
Nói đơn giản, kỳ vọng xã hội là những gì người khác mong đợi ở bạn. Đồng thời, những gì bạn mong đợi ở người khác cũng góp phần tạo nên kỳ vọng của họ.
Tuy nhiên, không phải kỳ vọng nào cũng hợp lý. Bạn không cần và không thể đáp ứng mọi kỳ vọng của xã hội đối với bản thân. Dù kỳ vọng nghe có vẻ hợp lý, nhưng việc cha mẹ mong con cái kết hôn với người vừa đẹp vừa giàu, nấu ăn ngon, chiều chuộng gia đình vô điều kiện, là một câu chuyện viển vông vượt quá khả năng thực tế.
Những mong đợi của phụ huynh thường xuất phát từ sĩ diện và tham vọng, cùng với niềm tin rằng họ đang làm điều tốt nhất cho con cái và gia đình. Họ cho rằng con cái phải đạt được những gì họ yêu cầu để cuộc sống thuận lợi, và phải có thành tích vượt trội thì tương lai mới sáng lạn. Hình ảnh một đứa trẻ thành công trong tương lai cũng là sự đảm bảo cho sự ổn định của gia đình, khi cha mẹ đã già và những đứa con trưởng thành sẽ thay cha mẹ làm trụ cột. Ngoài ra, các phụ huynh còn đặt rất nhiều mơ ước và ảo vọng vào “ngọn hải đăng”, họ muốn con cái thực hiện những gì họ chưa làm được. Mặc dù họ muốn điều tốt cho con vì gia đình, nhưng họ không nhận ra hoặc cố tình không thừa nhận những áp lực đè nặng lên vai con cái, đôi khi bỏ qua cảm xúc, nhu cầu và khả năng thực tế của con.
Khác với “ngọn hải đăng” từ cha mẹ mong muốn điều tốt cho con, những “ngọn hải đăng” của xã hội thường phản ánh những yêu cầu nhằm mang lại lợi ích cho tập thể. Nếu muốn làm hài lòng mọi người, bạn không chỉ cần có tài năng để cống hiến cho xã hội mà còn phải có đạo đức tốt - cụ thể, họ mong muốn bạn có tính nhẫn nại và biết hy sinh bản thân vô điều kiện. Bạn phải thật giỏi, chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng và luôn rộng lượng, hào phóng như một vị thánh. Người hưởng lợi từ những điều này không phải là bạn, mà là những kẻ đòi hỏi bạn.
Do đó, chúng ta cần tỉnh táo phân biệt những kỳ vọng mà người khác đặt lên mình. Những kỳ vọng đó có đúng không? Có hợp lý không? Ai được lợi? Có phù hợp với khả năng và mong muốn của mình không? Nếu chỉ luôn cố gắng làm hài lòng mọi người, khi không đạt được “kỳ vọng độc hại” của ai đó, bạn sẽ tự dằn vặt bản thân: do mình làm chưa đủ tốt, chưa chăm chỉ, chưa giỏi,...
Sự phát triển của con người cần có định hướng từ kỳ vọng xã hội. Tuy nhiên, cá nhân vẫn có thể tự phát triển và làm chủ cuộc đời mình. Yêu cầu của xã hội chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn và tạo động lực cho sự tiến bộ cá nhân, chứ không phải là định hướng duy nhất.
Tác Giả: Trung Dũng