Nhờ cách tính toán hợp lý, giếng trời trong căn nhà ống 5 tầng này không chỉ lấy ánh sáng cho toàn bộ không gian mà còn tạo ra những hiệu ứng đẹp mắt với góc chiếu sáng chéo. Đồng thời, thiết kế giếng trời cũng đảm bảo cho không gian trong nhà luôn được thông thoáng và dễ chịu.
Giữa những ồn ào, hối hả của con phố nhỏ, căn nhà rộng vỏn vẹn 33m2 ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội với mặt tiền hẹp, chỉ có duy nhất 1 mặt thoáng khoác lên mình nét đẹp nhẹ nhàng nhưng không kém phần nổi bật với gam màu tím và trắng. Ngôi nhà vừa là một không gian sống, vừa là nơi kể câu chuyện về sự kết hợp tinh tế giữa các vật liệu, màu sắc, ánh sáng và bóng tối.
Nhìn từ xa, căn nhà ống khá nổi bật nhờ thiết kế hiện đại, gam màu nổi bật và không gian xanh được sử dụng để cân bằng các chất liệu.
Để giải quyết các nhược điểm còn tồn đọng, giếng trời là giải pháp được sử dụng nhằm mục đích lấy ánh sáng và thông gió cho căn nhà ống cao 5 tầng.
Tuy nhiên, giếng trời nếu không biết cách sử dụng đúng sẽ gây ra tình trạng nắng nóng, oi bức vô cùng, nhất là vào mùa hè. Ấy thế nhưng ở căn nhà này, các KTS đã giải quyết được gần như triệt để vấn đề này. Cùng đi sâu vào tìm hiểu kỹ hơn về thiết kế của căn nhà.
* Tầng 1: Không gian để xe, bếp + ăn, hệ thống tủ kho - tủ lạnh - tủ khô - tủ rượu và 1 phòng vệ sinh nhỏ
Để giải quyết vấn đề ánh sáng tự nhiên, không khí tươi và tầm nhìn gắn kết giữa các không gian chức năng, KTS đã lựa chọn giải pháp thiết kế lệch tầng kết hợp với nhiều giếng trời tại các vị trí khác nhau sẽ được sử dụng.
Theo đó, ngôi nhà này có 1 giếng trời chính ở giữa nhà được thiết kế theo ý tưởng 1 chiếc đồng hồ cát, mở rộng ở tầng 1, 2 và thu hẹp lại ở tầng 3, 4 để nhường diện tích cho không gian sử dụng riêng rồi lại tiếp tục mở rộng ra ở tầng 5 để lấy được nhiều ánh sáng nhất.
Không gian tầng 1 được trang trí thêm cây xanh để đem lại cảm giác tươi mới, thoáng mát cho căn nhà. Đồng thời tạo ra điểm nhấn trung hòa khiến ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp sáng bừng sức sống.
Khoảng thông tầng này cũng giúp cho không gian tầng 1 của căn nhà như rộng hơn khi tầm nhìn của nó được giao thoa với không gian chơi và phòng khách phía bên trên.
Chiếc giếng trời thứ 2 được bố trí ở phía cuối nhà từ tầng 2 lên đến tầng 5 để lấy ánh sáng và không khí tự nhiên cho các không gian sử dụng phía sau. Ngoài ra còn 2 giếng trời được bố trí chạy dọc theo vị trí cầu thang từ tầng 3 lên đến tầng 5 để đảm bảo cầu thang luôn sáng thoáng giúp tăng trải nghiệm khi di chuyển.
* Tầng 2: Không gian đa năng, phòng khách và phòng vệ sinh nhỏ cho khách
Góc thư giãn này có thể được coi là 1 điểm dừng nghỉ hoặc xả stress của cả nhà sau 1 ngày dài mệt mỏi.
Điểm đặc biệt của không gian đa năng ở tầng này là nó sẽ được sử dụng theo từng giai đoạn phát triển của các thành viên trong gia đình. Đây có thể là góc thư giãn đọc sách, hoặc là góc uống trà và cũng có thể là góc chơi đàn piano...
Bên cạnh đó góc tiểu cảnh được thiết kế dựa trên ý tưởng vườn zen Nhật Bản ở cuối nhà sẽ như một background cho toàn bộ không gian của tầng 2 trở nên thú vị hơn. Phòng khách với khoảng trần cao hơn 4m với điểm nhấn là 1 ô cửa sổ vòm cách điệu cao kịch trần là không gian đắt giá nhất của cả căn nhà.
Nhờ khoảng thông tầng lớn ở giữa nhà, ô cửa sổ lớn đó sẽ đóng vai trò lấy sáng cho toàn bộ không gian tầng 1 và tầng 2. Bên cạnh đó 2 giếng trời ở giữa và cuối nhà sẽ giúp luân chuyển gió và không khí khiến cho 2 không gian thấp nhất của ngôi nhà luôn thông thoáng và dễ chịu.
* Tầng 3: 2 phòng ngủ cho các bé + 1 phòng vệ sinh
Tận dụng tối đa khoảng không gian trong nhà để có thể làm góc vui chơi cho trẻ. Đây cũng được gọi là những góc trốn bí mật của các bạn nhỏ và đó cũng là những điều khiến cho các bạn thêm yêu căn phòng ngủ nhỏ xinh này của mình.
Để có nhiều diện tích dành cho các không gian sử dụng chung nên KTS buộc phải tối ưu diện tích các không gian riêng lại. Tuy không dành nhiều diện tích cho 2 phòng ngủ của các bé nhưng không gian sử dụng riêng này vẫn đầy đủ công năng với 1 giường kích thước 1,5m x 1,9m, tủ quần áo cao kịch trần, bàn học rộng rãi và đặc biệt là mỗi phòng đều có góc thư giãn nhỏ vô cùng đáng yêu.
* Tầng 4: Phòng ngủ Master + phòng thay đồ + vệ sinh khép kín
Thiết kế thêm 9 bậc thang trong 1 căn phòng tạo cảm giác như đang được nghỉ ngơi trên 1 không gian hoàn toàn tách biệt, tăng độ rộng rãi.
Tuy là nhà nhỏ nhưng KTS vẫn muốn mang đến cho chủ nhân của ngôi nhà 1 phòng ngủ master đúng nghĩa.
Để có được 1 phòng ngủ master với tất cả các công năng khép kín đó, hệ thống cầu thang của căn nhà đã phải thay đổi 1 chút. Điều đó vô tình tạo cho trải nghiệm khám phá căn nhà thêm phần thú vị khi bạn không thể biết được rằng không gian tiếp theo của căn nhà là không gian nào và cách di chuyển lên không gian đó ra sao.
Nói thêm một chút về phòng ngủ master thì bên trong phòng ngủ master không gian để ngủ sẽ tách biệt với không gian thay đồ, vệ sinh và trang điểm. Để di chuyển lên không gian ngủ bạn sẽ phải leo thêm 9 bậc thang nữa, điều đó tạo cho bạn cảm giác như bạn đang được ngủ trên không gian gác mái của căn nhà.
* Tầng 5: Không gian thờ + khu tiểu cảnh bể cá Koi + sân phơi
Ánh sáng tươi được lấy thêm từ tầng 5 xuống để thông qua giếng trời, chiếu xuống được toàn bộ căn nhà.
Không gian tầng 5 tràn ngập ánh sáng với 1 giếng trời lớn ở giữa nhà. Bên dưới giếng trời là không gian tiểu cảnh bể cá Koi.
Ngoài ra tầng 5 còn có không gian phòng thờ nhỏ đủ thông thoáng và trang nghiêm, góc để máy giặt máy sấy và sân thượng để phơi đồ giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Nhìn chung, các không gian sinh hoạt chung của căn nhà ống 5 tầng đều được thiết kế cởi mở, không giới hạn, luôn thông thoáng và là nơi các thành viên có thể dễ dàng kết nối với nhau để dù cho cuộc sống bên ngoài có vội vã, xô bồ như thế nào đi chăng nữa thì lúc trở về nhà, tâm hồn và trái tim của những thành viên trong gia đình vẫn có thể dành trọn cho nhau.
Nguồn: Sưu tầm