Nhà Rông là một loại nhà sàn đặc trưng, đó là ngôi nhà cộng đồng, giống như đình làng của người Kinh, được sử dụng như nơi tụ họp, giao lưu, thảo luận của cộng đồng làng trong các buôn làng trên Tây Nguyên, hoặc là nơi đón khách (theo phong tục của người Ba Na), cho dù là khách riêng của gia đình hay chung của làng.
Nhà Rông chỉ xuất hiện ở những buôn làng của các dân tộc như Gia Rai, Ba Na... ở vùng phía Bắc Tây Nguyên, đặc biệt là ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Đặc điểm
Nhà Rông được xây dựng chủ yếu từ các vật liệu như cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô... lấy từ núi rừng Tây Nguyên và được xây dựng trên một diện tích đất rộng, nằm tại vị trí trung tâm của buôn.
Nhà Rông của mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng trong kiến trúc, hình dáng và hoa văn trang trí. Tổng thể, Nhà Rông là những ngôi nhà lớn hơn nhiều so với nhà thông thường, có kiến trúc cao. Có những ngôi nhà cao lên tới 18 mét, với đặc điểm là mái nhọn xuôi dốc hình lưỡi rìu vươn lên bầu trời mang một dáng vẻ mạnh mẽ.
Nhà được xây trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc, mái nhọn lợp bằng lá cỏ tranh, được phơi khô vàng kỹ lưỡng.
Chức năng
Nhà Rông là nơi thực hiện các luật lệ, tiếp đón khách, tổ chức các sự kiện quan trọng của buôn làng, là nơi các cụ già của làng tụ tập để thảo luận về những vấn đề quan trọng của buôn làng và của đất nước. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội tâm linh cộng đồng và là nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ...
Ngoài ra, Nhà Rông còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống như cồng, chiêng, trống, vũ khí và đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ.