Nhạc kịch là một thể loại sân khấu kết hợp giữa ca hát, thoại thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và cảm xúc của nhạc kịch (hỉ, nộ, ái, ố) được truyền tải qua lời nói, âm nhạc, cử chỉ và các yếu tố sân khấu khác, tạo thành một tổng thể thống nhất. Dù có sự giao thoa với các thể loại sân khấu khác như opera và múa, nhạc kịch vẫn được nhận diện nhờ vào sự cân bằng giữa âm nhạc và các yếu tố khác.
Nhạc kịch hiện diện rộng rãi trên toàn cầu. Nó có thể được trình diễn trên những sân khấu lớn như các vở nhạc kịch West End (Luân Đôn) hay Broadway (New York) với chi phí cao, hoặc tại những sân khấu nhỏ hơn, thậm chí là lưu diễn hoặc diễn không chuyên tại trường học và các địa điểm khác.
Khái niệm và phạm vi
Nhạc kịch sách
Kể từ thế kỷ XX, thuật ngữ 'nhạc kịch sách' (tiếng Anh: book musical) chỉ các vở nhạc kịch mà phần ca khúc và vũ đạo được kết hợp một cách hòa quyện thành một câu chuyện cân đối với mục đích sân khấu nghiêm túc, có khả năng gợi cảm xúc chân thực hơn là chỉ đơn thuần giải trí. Ba yếu tố chính của nhạc kịch sách bao gồm: âm nhạc, lời bài hát và 'sách'. 'Sách' ở đây đề cập đến kịch bản, tức là câu chuyện, sự phát triển nhân vật và cấu trúc của vở kịch (bao gồm đối thoại và chỉ đạo sân khấu); đôi khi 'sách' chỉ đơn thuần là đối thoại và lời bài hát, và trong tiếng Ý gọi là libretto ('cuốn sách nhỏ'). Âm nhạc và lời bài hát tạo nên phần nhạc (score) của vở nhạc kịch. Tuy nhiên, cách mà các nhà sáng tạo truyền tải ý tưởng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cách thể hiện nhạc kịch. Nhóm sáng tạo bao gồm đạo diễn, giám đốc âm nhạc, biên đạo múa và thỉnh thoảng có cả nhạc trưởng. Mỗi phiên bản nhạc kịch mang những đặc điểm riêng do sự khác biệt về kỹ thuật, chẳng hạn như thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ, âm thanh và ánh sáng; vì vậy, các phiên bản của cùng một vở nhạc kịch có thể có sự khác biệt so với bản gốc.
Không có một quy định cụ thể về thời gian của một nhạc kịch. Nhạc kịch có thể có một hoặc nhiều màn, kéo dài vài giờ, đôi khi phải chia thành nhiều buổi diễn. Thông thường, thời lượng của nhạc kịch dao động từ 1,5 đến 3 giờ đồng hồ. Nhạc kịch thường có hai màn; màn đầu thường dài hơn màn cuối và có khoảng nghỉ ngắn giữa hai màn. Màn đầu giới thiệu hầu hết các nhân vật và âm nhạc, kết thúc với một xung đột hay vấn đề nào đó. Màn cuối thường lặp lại các bài hát của màn đầu và giải quyết các vấn đề còn lại. Một vở nhạc kịch sách thường có từ bốn đến sáu đoạn nhạc chính được lặp lại, tuy nhiên cũng có thể là một chuỗi các bài hát không liên quan trực tiếp với nhau. Giữa các bài hát thường có các đoạn hội thoại hoặc đoạn hát nói, đặc biệt trong các vở nhạc kịch sung-through (hát xuyên suốt từ đầu đến cuối), như Jesus Christ Superstar, Những người khốn khổ và Evita. Gần đây, một số nhạc kịch ngắn của Broadway hoặc West End chỉ có một màn duy nhất.
Các khoảnh khắc cao trào nổi bật trong nhạc kịch sách thường được thể hiện qua các ca khúc. Nói đơn giản, 'khi cảm xúc quá mạnh để nói thành lời thì bạn hát; khi cảm xúc quá mạnh để hát thì bạn nhảy.' Trong nhạc kịch sách, lý tưởng là viết các ca khúc phù hợp với nhân vật và hoàn cảnh trong câu chuyện (mặc dù trong các thập niên 1890 đến 1920, nhiều nhạc kịch không phân biệt rõ giữa nhạc và truyện). Nhà phê bình Ben Brantley từ New York Times mô tả mẫu hình lý tưởng của ca khúc trong vở nhạc kịch
Chất liệu cho nhạc kịch có thể là hoàn toàn sáng tạo hoặc vay mượn từ các nguồn như tiểu thuyết (ví dụ: Wicked và Man of La Mancha), vở kịch khác (Hello, Dolly!), truyền thuyết cổ điển (Camelot), sự kiện lịch sử (Evita) hoặc điện ảnh (The Producers và Billy Elliot). Ngược lại, nhiều nhạc kịch đã trở thành nguồn cảm hứng cho các phim nhạc kịch, như các bộ phim The Sound of Music, West Side Story, My Fair Lady và Chicago.
So sánh với opera
Mặc dù nhạc kịch có mối liên hệ chặt chẽ với opera, nhưng nó có nhiều điểm khác biệt rõ rệt. Nhạc kịch thường chú trọng nhiều hơn vào đối thoại (mặc dù cũng có nhạc kịch hát xuyên suốt và một số vở opera, như Die Zauberflöte, cùng với nhiều vở operetta có đoạn hội thoại không có nhạc nền) và nhảy múa. Nhạc kịch cũng thường sử dụng các thể loại nhạc đại chúng và tránh những quy ước của opera. Cụ thể, nhạc kịch thường được trình diễn bằng ngôn ngữ của khán giả; ví dụ, các vở nhạc kịch ở Luân Đôn hay New York luôn được diễn bằng tiếng Anh, mặc dù chúng có thể được viết bằng ngôn ngữ khác (như Những người khốn khổ viết bằng tiếng Pháp). Trong khi đó, opera chú trọng nhiều vào hát và ít khi có nhảy múa, còn nhạc kịch yêu cầu diễn xuất là chính, hát và nhảy múa là phụ. Những nghệ sĩ xuất sắc trong cả ba lĩnh vực này được gọi là 'triple threat'. Các nhạc sĩ cho nhạc kịch thường cân nhắc nhu cầu hát của từng vai diễn, và hiện nay, các rạp lớn thường sử dụng âm li để khuếch đại giọng hát, điều mà opera thường không chấp nhận.
Một số tác phẩm của các tác giả như George Gershwin, Leonard Bernstein và Stephen Sondheim đã được chuyển thể cả sang nhạc kịch và opera. Tương tự, một số vở operetta như The Pirates of Penzance của Gilbert và Sullivan cũng được chuyển thể thành nhạc kịch. Đối với một số tác phẩm, cách sản xuất chuyển thể có thể quan trọng như nội dung trong việc xác định thể loại là opera hay nhạc kịch. Sondheim từng nói: 'Tôi tin rằng nếu một tác phẩm được trình diễn ở Broadway thì đó là nhạc kịch, còn nếu được diễn trong nhà hát opera thì đó là opera. Thực tế, sự phân loại dựa vào địa điểm và mong đợi của khán giả.' Trong thực tế, vẫn có sự giao thoa giữa thể loại opera nhẹ (light opera) và nhạc kịch phức tạp, làm cho việc phân biệt không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Các hình thức khác
Châu Á có nhiều loại hình sân khấu âm nhạc độc đáo như hí khúc của Trung Quốc, kịch Nō của Nhật Bản, kịch Sanskrit và Yakshagana của Ấn Độ. Từ thế kỷ XX, Ấn Độ đã sản xuất nhiều phim nhạc kịch được gọi là nhạc kịch 'Bollywood', và Nhật Bản đã phát triển các vở nhạc kịch dựa trên anime và manga.
Sách tham khảo
- Everett, William A.; Laird, Paul R. biên tập (2002). The Cambridge Companion to the Musical. Cambridge Companions to Music. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-79189-2.
- Gokulsing, K. Moti; Dissanayake, Wimal (2004) [1998]. Indian Popular Cinema: A Narrative of Cultural Change. Stoke-on-Trent: Trentham. ISBN 978-1-85856-329-9.
- Morley, Sheridan (1987). Spread a Little Happiness: The First Hundred Years of the British Musical. Luân Đôn: Thames and Hudson. ISBN 978-0-500-01398-4.