
Kiến ba khoang có đuôi nhọn
Vào cuối năm 2007, một số sinh viên ở ký túc xá (khu cũ) của Trường Đại học Cần Thơ báo cáo bị phồng rộp da do côn trùng cắn. Tôi và anh Nhâm (hiện làm việc tại Công Ty VFC) đã đến ký túc xá để xem mẫu côn trùng mà các sinh viên bắt được và xác định là kiến ba khoang đuôi nhọn. Sau đó, nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông ghi nhận về sự gây hại của chúng trên người.
Kiến ba khoang đuôi nhọn, tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ cánh cụt (Stalphylinidae) của bộ côn trùng cánh cứng (Coleoptera). Con trưởng thành giống như kiến, thân dài, nhọn ở cuối bụng, có màu sắc đặc trưng với ba khoang đen (ở đầu, cánh trước và cuối bụng) và hai khoang màu vàng cam (ở ngực trước và bụng), nên được gọi là kiến ba khoang đuôi nhọn (Hình 1A).

Chất độc của kiến ba khoang đuôi nhọn có tác động như thế nào?
Hiện có hơn 622 loài thuộc chi Paederus được ghi nhận và mô tả, chỉ có một số (khoảng hơn 20 loài) trong số đó, bao gồm cả P. fuscipes, có khả năng gây phồng rộp da do chứa hợp chất pederin trong dịch cơ thể của chúng (hemolymph) (Hình 1B).

Pederin là một loại amide gây phỏng da do vi khuẩn Pseudomonas spp. nội cộng sinh (endosymbiont) bên trong cơ thể của kiến ba khoang đuôi nhọn tiết ra. Pederin hiện diện chủ yếu ở trưởng thành kiến ba khoang đuôi nhọn cái, trưởng thành đực và ấu trùng chứa một lượng thấp. Khi kiến ba khoang đuôi nhọn vô tình đậu lên người, phản xạ tự nhiên của chúng ta thường là đập và chà xát để giết chúng (tương tự như đối với các loài côn trùng có kích thước nhỏ khác). Điều này làm cho cơ thể của kiến ba khoang đuôi nhọn bị vở ra đồng thời phóng thích dịch cơ thể có chứa pederin gây phồng rộp da, diện tích chà xát càng lớn thì vết phỏng càng rộng. Một số tài liệu cho rằng kiến ba khoang đuôi nhọn không cắn. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập và nuôi kiến ba khoang đuôi nhọn để làm thí nghiệm, một số anh chị sinh viên thỉnh thoảng đã bị cắn (tương tự như kiến cắn).
Kiến ba khoang đuôi nhọn có ích hay có hại?
Theo đạo luật Liên bang của Mỹ về thuốc trừ sâu, trừ bệnh và trừ các loài gặm nhắm (Federal Insecticide Fungicide and Rodenticide Act), dịch hại được định nghĩa là “mọi sinh vật gây trở ngại hoạt động và mong muốn của con người”. Dù vô tình hay không thì kiến ba khoang đuôi nhọn đã có tác động tiêu cực đối với con người và như vậy chúng bị xem là là côn trùng gây hại.
Tuy nhiên, theo các nhà sinh thái và quản lý dịch hại thì dịch hại thường được định nghĩa trên khía cạnh của con người, sinh vật bị cho là dịch hại do chúng có ảnh hưởng bất lợi đối với lợi ích của con người. Không có yếu tố của con người, mọi sinh vật đều là một phần của hệ sinh thái, hay nói cách khác, không có dịch hại trong ý nghĩa của sinh thái (Norris et al., 20013). Khái niệm dịch hại cần phải được đặt trong những điều kiện thời gian và không gian (hoàn cảnh) cụ thể, một sinh vật có thể là có hại trong hoàn cảnh này nhưng có thể có lợi trong hoàn cảnh khác.
Như vậy, kiến ba khoang đuôi nhọn có thể là côn trùng có ích trên ruộng nương, nhưng lại là côn trùng gây hại ở khu dân cư. Ở từng điều kiện cụ thể có thể có phản ứng khác nhau. Trong khu vực đông dân cư cần phải coi kiến ba khoang đuôi nhọn là côn trùng gây hại.
Thực tế, hầu hết các báo cáo về sự gây hại của kiến ba khoang đuôi nhọn là xảy ra nơi đông dân cư như bệnh viện và trường học (ký túc xá), chưa có trường hợp ghi nhận nào về nông dân bị kiến ba khoang đuôi nhọn gây hại trên đồng ruộng. Điều này do kiến ba khoang đuôi nhọn là loài côn trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày khi bị động chúng thường tìm cách lẫn trốn bằng cách chạy. Trưởng thành của kiến ba khoang đuôi nhọn vào nhà một phần là do bị thu hút bởi ánh sáng đèn (yếu) và một phần là đi theo các côn trùng nhỏ (vd như rầy nâu) để bắt mồi, vô tình đậu lên người và dẫn đến sự gây hại.
Có thể sử dụng kiến ba khoang đuôi nhọn trong phòng trừ sinh học?
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phòng trừ sinh học là tác nhân phòng trừ sinh học (biological control agent, thiên địch được chọn lọc, nuôi nhân và phóng thích ra môi trường để phòng trừ đối tượng gây hại) không tấn công các đối tượng không phải mục tiêu (non-target effect) và càng đặc biệt quan trọng là không tấn công con người. Do đó, kiến ba khoang đuôi nhọn chưa bao giờ được nuôi và phóng thích như một tác nhân phòng trừ sinh học trong các kiểu phòng trừ sinh học cổ điển (classical biological control) và phòng trừ sinh học tăng cường (augementative biological control). Chúng chỉ được xem là loài thiên địch có ý nghĩa trong hệ sinh thái tự nhiên của đồng ruộng và trong biện pháp phòng trừ sinh học bảo tồn (conservation biological control), không có sự nuôi nhân và phóng thích.
Phòng ngừa sự gây hại của kiến ba khoang đuôi nhọn
Như trên đã viết, kiến ba khoang đuôi nhọn là gần như an toàn trong điều kiện ban ngày ở ngoài đồng, và sự gây hại là do cơ thể của chúng (đặc biệt là của trưởng thành cái) bị đập và chà xát lên da. Do đó, khi bị kiến ba khoang đuôi nhọn bò lên người thì không nên đập, mà chỉ cần đuổi nhẹ chúng đi (điều này là khó đối với trẻ em). Trường hợp đã lỡ đập và chà xát kiến ba khoang đuôi nhọn lên da thì cần nhanh chóng rửa nơi chà xát bằng nước và làm theo khuyến cáo của cán bộ y tế. Ở những thời điểm mà côn trùng nhỏ (vd: rầy nâu) vào đèn nhiều thì nên hạn chế ánh sáng đèn trong nhà (có thể dùng đèn led trắng?) và tăng cường sự chú ý đối với kiến ba khoang đuôi nhọn.
link bài gốc trên fb https://www.facebook.com/vanvang.le.3/posts/328006440903989