Phỏng vấn - một cái “ải” đầy gian nan, trầy trật và vất vả mà biết bao nhiêu bạn fresher, newbie nơm nớp lo sợ. Sợ trả lời không đủ chuyên nghiệp, hay chỉ đơn thuần là sợ không thể hiện được khả năng của mình cho nhà tuyển dụng… Hôm nay mình sẽ giới thiệu cho các bạn một nguyên tắc, một cái kỹ thuật tên là STAR - áp dụng STAR vào phỏng vấn xin việc sẽ giúp bạn đang 10 điểm lên hẳn 100 điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Vậy STAR là gì?
Nôm na theo định nghĩa chuẩn từ “sách giáo khoa” ra thì STAR là một nguyên tắc để chúng ta áp dụng vào trong việc chuẩn bị cho các câu hỏi phỏng vấn. STAR là viết tắt của: Situation (tình huống) - Task (nhiệm vụ) - Action (hành động) - Result (kết quả). Phương pháp này sẽ giúp bạn chuẩn bị các câu trả lời rõ ràng và ngắn gọn bằng cách sử dụng các ví dụ thực tế.
Và mình đã vận dụng STAR như thế này. Ví dụ trên bản thân mình luôn nha. Nhà tuyển dụng bảo mình “Giới thiệu một chút về dự án em đã thể hiện trong CV của em đi” thì mình sẽ ôm cái quy trình STAR này nhảy vào trả lời ngay:
1. S - Situation - Tình huống
Đầu tiên, mình sẽ cần mường tượng lại một chút về dự án mình đã fill vào CV đã.
Dự án nào nổi bật nhất?
Nó diễn ra ở thời điểm nào?
Ở địa điểm nào?
Dự án đó diễn ra cho mục đích gì?
Việc bạn sắp xếp lại trình tự khi nói về dự án đã triển khai sẽ giúp nhà tuyển dụng họ nhìn rõ được bức tranh tổng quan về dự án của bạn. Ở bước này, bạn không cần phải nói quá dài dòng lan man, chỉ nên đi vào những thông tin chính để người hỏi hiểu được thông tin chung là ổn rồi nhé!
2. T - Task - Nhiệm vụ
Lúc này mới chính là “thời điểm vàng” để bạn nói những công việc, nhiệm vụ mà bạn đã hoàn thành trong suốt dự án. Tuy nhiên để tốt nhất thì bạn chỉ nên nói tối đa là ba nhiệm vụ chính mà bạn đóng góp trong dự án để minh họa thôi.
Ví dụ như mình đã từng quản một nhóm các bạn reviewer từ 5 - 6 bạn, mình sẽ thể hiện như sau “Với vai trò là trưởng nhóm quản lý reviewer, nhiệm vụ của em không chỉ là đảm bảo nhóm của mình post bài đúng thời hạn mà còn:
Training các bạn về kỹ năng làm việc với khách hàng, với các bộ phận khác của công ty để phối hợp tốt nhất.
Tạo cho các bạn một không khí làm việc vui vẻ bằng cách: tâm sự hỏi han sau khoảng thời gian làm việc 1 tháng, 3 tháng,.. hỏi về mong muốn phát triển của các bạn trong ngành nghề reviewer là gì..”
Trong phần Task - Nhiệm vụ này bạn cũng có thể “khéo léo” nói về những ca xử lý bất chợt trong công việc mà bạn chưa từng có kinh nghiệm để thể hiện bạn có “kỹ năng xử lý tình huống” tốt trong mắt nhà tuyển dụng.
3. A - Action - Hành động
Nếu ở trên chỉ là liệt kê các nhiệm vụ bạn đảm nhận thì ở đây bạn phải nói chi tiết hơn về những gì bạn cần làm để cho thấy: Bạn thực sự hiểu rõ bản thân đang làm gì? Điều đó có giúp ích cho dự án hay không? Bạn có biết vận dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất có thể?
Đây là một phần rất quan trọng và bạn nên tập trung để thể hiện khả năng của mình thật nhiều ở phần A - Action này nhé. Mặc dù nhiều người bảo nói suông thì ai chẳng nói được, nhưng để nói về những gì mình đảm nhận trong một công việc/dự án một cách logic và bài bản, biết áp dụng kiến thức và kỹ năng mềm để làm, để xử lý thì không ai chê bạn “nói suông” cả.
A - Action cũng là phần để nhà tuyển dụng có thể thấy được % bạn có thể hành động, thực hành khi bạn bước vào công ty/doanh nghiệp. Cũng như là tính cách, thái độ và phong cách làm việc của bạn có thực sự phù hợp với môi trường ở công ty hay không.
4. Cuối cùng là R - Result - Kết quả
Tất nhiên, làm gì cũng phải ra kết quả. Ở phần này, sau khi thể hiện năng lực của bản thân thì cần thể hiện giá trị mình mang lại - chính là kết quả khi kết thúc dự án. Nếu kết quả của dự án thực sự tốt đẹp, bạn có thể kể cho nhà tuyển dụng nghe về những lời phản hồi, những thành tựu như số liệu, sự công nhận từ cấp trên hay thậm chí là lời cảm ơn và hài lòng đến từ khách hàng.
Ví dụ như mình nhận cho một bạn trong team đi review một quán ăn. Kết quả là sau khi cùng bạn bàn bạc về concept, kịch bản, cách quay, edit, đu trend hay không,...thì clip đã lên xu hướng và mình show điều đó với nhà tuyển dụng như sau:
Clip đạt được 200,000 lượt views sau 3 ngày kể từ ngày lên clip với nội dung về F&B (ăn uống) và quán ăn là quán nướng.
Cấp trên hài lòng vì với 1 clip 200,000 views kênh của công ty đã push thêm được 1000 followers mới.
Đặc biệt là khách hàng, họ cảm ơn vì lời review chân thực cũng như concept sáng tạo, đa dạng, giúp họ có thêm khách hàng. (vì khi đến họ show clip của bên team thực hiện)
Điểm này để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy là mọi thứ bạn làm đều ra kết quả và sản phẩm của bạn được đầu tư chăm chút ngay từ những giây phút chưa thành hình.
Thế nhưng, bạn cũng có thể chia sẻ “nhẹ” với nhà tuyển dụng nếu như dự án bạn góp mặt lại không thành công như mong đợi. Chẳng hạn như: Qua dự án này bạn đã học được điều gì? Điều gì bạn rút ra từ dự án này và bạn có thể khắc phục nó không? Trong quá trình thực hiện, bạn biết được mình đã làm chưa tốt ở bước nào?
Việc tự nhìn nhận lại bản thân sau một dự án cũng là cách khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn tốt về bạn hơn, cho thấy bạn là người biết tự nhận lỗi và sẽ sửa chữa để tránh lặp lại ở những lần tiếp theo.
Quá trình phỏng vấn trở nên đơn giản hơn nhờ STAR. Có nguyên tắc này hỗ trợ, mọi cuộc phỏng vấn trở nên dễ dàng nếu bạn chịu luyện tập các bước một cách tự tin.
Nếu bạn thành công trong việc phỏng vấn với phương pháp STAR, thì sao không tự tin chia sẻ và khoe với mọi người ngay?