Các phần mềm giả mạo thường áp dụng nhiều chiêu trò để lừa dối người dùng cài đặt, gây ra nhiều nguy cơ về tấn công mạng, đánh cắp thông tin và tài khoản.
Hình thức phổ biến nhất của các phần mềm giả mạo là sao chép các ứng dụng hợp pháp trên mạng. Những ứng dụng này thường sử dụng biểu trưng, màu sắc tương tự hoặc gây nhầm lẫn với các ứng dụng phổ biến khác để đánh lừa người dùng.
Hiện nay, có vô số phần mềm giả mạo từ máy tính, ứng dụng ngân hàng, y tế, dinh dưỡng... Mỗi tháng, Google đều công bố danh sách các ứng dụng đáng ngờ đã bị loại bỏ khỏi Play Store. Mặc dù App Store của Apple có chính sách nghiêm ngặt, nhưng phần mềm giả mạo cũng có thể xuất hiện ở đó.
Rủi ro liên quan đến phần mềm giả mạo
Gian lận chi phí: Phương pháp phổ biến nhất để đánh lừa người dùng là ép họ trả phí thuê bao một cách không minh bạch.
Nhận diện các ứng dụng giả mạo (Minh họa)
Virus, phần mềm đòi tiền: Các ứng dụng giả mạo thường chỉ là bề ngoài của virus nguy hiểm có thể tấn công và mã hóa dữ liệu trên thiết bị, trong đó có cả phần mềm đòi tiền. Chúng sẽ mã hóa dữ liệu và yêu cầu người dùng trả tiền để khôi phục nếu không muốn mất các thông tin quan trọng vĩnh viễn.
Các loại tin rác, mã độc, tấn công giả mạo: Các công cụ tự động sau khi được cài lén vào điện thoại có thể gửi tin rác đến toàn bộ danh bạ, kiểm soát thiết bị, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng...
Cách phát hiện phần mềm giả mạo
Để phát hiện các ứng dụng tiềm ẩn nguy cơ, người dùng chỉ cần chú ý đến một số chi tiết trước khi cài đặt chúng lên thiết bị cá nhân.
Nhận diện các chi tiết ngoại hình: Quan sát các dấu hiệu bên ngoài của ứng dụng. Logo có thể giống nhau nhưng có thể có vài chi tiết khác biệt như màu sắc, hình dạng. Nếu thấy khác thường, hãy đọc kỹ tên và mô tả của ứng dụng.
Lỗi chính tả, cấu trúc ngôn ngữ: Thường các ứng dụng giả mạo sẽ có lỗi chính tả cố ý nhằm tránh các công cụ quét bản quyền từ doanh nghiệp phát hành ứng dụng hợp pháp.
Đánh giá từ người dùng: Phương pháp này hữu ích, nhưng cũng cần phải cẩn trọng vì nhà phát triển có thể tạo ra các đánh giá giả mạo hoặc sử dụng công cụ tự động để tăng lượt tải, bình luận tích cực hoặc điểm số cao để thu hút người dùng. Nếu có quá nhiều đánh giá tiêu cực hoặc phần viết bình luận bị tắt, đó là 'báo động đỏ' không nên cài đặt.
Kiểm tra số lượng tải về: Trên Play Store, Google hiển thị số lượng tải về của ứng dụng. Nếu một ứng dụng tuyên bố là “thay thế cho iMessage trên Android” nhưng chỉ có vài trăm hoặc vài nghìn lượt tải, thì tốt nhất là bỏ qua.