Với tiêu đề 'Biến đổi khí hậu 2022: Giảm thiểu biến đổi khí hậu', báo cáo cuối cùng của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố, đây là phần cuối cùng trong chuỗi báo cáo nhấn mạnh các nguy cơ của sự nóng lên toàn cầu. Báo cáo đầu tiên, được xuất bản vào năm trước, trình bày các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu và cảnh báo về những thảm họa tự nhiên đang gia tăng như lũ lụt và sóng nhiệt. Báo cáo thứ hai, ra mắt vào tháng Hai, tập trung vào việc thích ứng và các khu vực trên thế giới có sự chuẩn bị nhiều nhất và ít nhất để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo mới nhất xem xét các cơ hội để hành động, trong đó nói rằng chi phí của năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang giảm, cùng với pin để lưu trữ các nguồn năng lượng này. Những dấu hiệu tích cực khác bao gồm các chính sách và pháp luật ngày càng hướng tới việc tăng cường triển khai năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm nạn phá rừng.
“Chúng ta đang đứng ở một ngã ba đường,” chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết. “Các quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ có thể đảm bảo một tương lai mà loài người có thể sống được. Chúng ta có các công cụ và tri thức cần thiết để hạn chế sự nóng lên. Tôi cảm thấy khích lệ từ những hành động khí hậu đang được thực hiện ở nhiều quốc gia. Các chính sách, quy định và công cụ thị trường đang tỏ ra hiệu quả. Nếu những điều này được nhân rộng và áp dụng rộng rãi và công bằng hơn, chúng có thể hỗ trợ giảm phát thải nhiều hơn nữa và thúc đẩy sự đổi mới.”
Việc sử dụng vật liệu hiệu quả hơn thông qua tái sử dụng và tái chế các sản phẩm, giảm thiểu chất thải, và phát triển các quy trình sản xuất mới đối với hóa chất, thép và các vật liệu xây dựng khác cũng sẽ đóng góp vào kết quả chung. Các tác giả cũng chỉ ra nông nghiệp và lâm nghiệp không chỉ giảm phát thải quy mô lớn mà còn loại bỏ và lưu trữ carbon cùng một lúc.
“Có thể là bây giờ hoặc không bao giờ, nếu chúng ta muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C,” Jim Skea, Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác III của IPCC cho biết. “Nếu không cắt giảm phát thải ngay lập tức và sâu trên tất cả các lĩnh vực thì chuyện này sẽ không thể thực hiện được”.
Mặc dù đưa ra một giai điệu tích cực hơn so với hai bản báo cáo lần trước, báo cáo thứ ba này tất nhiên vẫn bị lu mờ bởi hiện trạng của khí hậu và những hậu quả thảm khốc có thể xảy đến. Báo cáo cũng chỉ ra rằng từ năm 2010 đến năm 2019, Trái Đất có lượng khí thải carbon độc hại cao chưa từng có trong lịch sử, với việc Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo rằng loài người đang 'đi nhanh' đến thảm họa, lưu ý rằng chúng ta đang trên con đường dẫn đến sự nóng lên toàn cầu cao hơn gấp đôi giới hạn 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Paris.
“Biến đổi khí hậu là kết quả của hơn một thế kỷ sử dụng năng lượng và đất đai không bền vững, lối sống và cách thức tiêu dùng và sản xuất, Skea nói. “Báo cáo này cho thấy hành động ngay bây giờ có thể giúp chúng ta hướng tới một thế giới công bằng hơn, bền vững hơn.”
Theo IPCC, UN.