Midnight Mass không thể sánh bằng hai series trước của đạo diễn Mike Flanagan.
Midnight Mass (Netflix) có thể không phải là dạng phim kinh dị mà mọi người đều chấp nhận, nhưng vẫn có điểm đặc biệt của riêng nó.
Diễn ra trên một hòn đảo nhỏ, cô lập giữa biển khơi, Midnight Mass kể về cộng đồng một giáo phận được liên kết với nhau. Khi hai người đến, một là người con của hòn đảo trở lại sau một thời gian xa cách, và người kia là một linh mục mới. Linh mục này mang lại một phép màu cho một cô bé bị tàn tật, và người dân tôn sùng ông như là một sứ giả của Chúa. Nhưng sự thật khủng khiếp hơn nhiều.
Từ tác giả của The Haunting of Hills House, The Haunting of Bly Manor, và Doctor Sleep, Mike Flanagan, Midnight Mass không tuân theo các quy tắc của phim kinh dị truyền thống. Các tác phẩm trước đó đã chứng minh Flanagan có phong cách độc đáo, gây tranh cãi, không phải ai cũng thích, nhưng vẫn đem lại sự sáng tạo.
Flanagan lấy cảm hứng cho Midnight Mass từ tôn giáo và các truyền thuyết dân gian. Ngụ ngôn nổi bật trong phim. Midnight Mass xuất hiện như một câu chuyện đã được thế hệ kể lại như một bài học cho thế hệ sau, làm phim mang tính bí ẩn tự nhiên. Ngay cả con quái vật trong đó cũng xuất phát từ truyền thống dân gian. Về mặt tôn giáo, yếu tố này được thể hiện suốt bộ phim, là chủ đề mà phim muốn khám phá và đôi khi lấn át cả yếu tố kinh dị ban đầu.
Điều tuyệt vời ở Midnight Mass là nó đã sáng tạo lại một đề tài kinh dị quen thuộc - quỷ hút máu. Phim không đưa ra hình ảnh hấp dẫn hay ma mị, mà quay về nguyên bản của thần thoại dân gian - một con quái vật. Flanagan thậm chí còn giấu diếm sự xuất hiện của hắn và tạo ra những dấu hiệu quen thuộc để làm cho người xem tò mò về sức mạnh ma quái của Midnight Mass. Có hiệu quả không? Một chút ít thôi.
Lý do cho hiệu quả chút ít đó là yếu tố tôn giáo được chăm chút nhiều hơn trong đây. Midnight Mass tồn tại để trở thành một lăng kính mổ xẻ đức tin, ít nhất thì phim đã cho ta biết điều đó. Câu chuyện ngụ ngôn mà Midnight Mass truyền tải không phải là về quỷ hút máu – hắn chỉ đóng vai trò phụ, mà là sự cuồng tín hủy diệt của con người. Nhưng Flanagan cũng thể hiện một tham vọng nữa ông lồng ghép vào phim của mình. Với những chủ đề như hiến sinh, hồi sinh, sự hủy diệt, sự hối lỗi, chiến thắng quỷ dữ và ca ngợi “Thiên Chúa” được khắc họa như những ánh phản chiếu ngược trong một chiếc gương, có vẻ như Flanagan đang muốn chứng minh Kinh Thánh là một câu chuyện kinh dị khi được lật ngược, hoặc giống với Ác quỷ và Chúa, kinh dị và thần thánh là là hai mặt của một đồng xu tùy theo cách nhìn.
Nhưng chính tham vọng ấy của đạo diễn đã khiến Midnight Mass ngày càng hụt hơi khi tiến gần đến kết cuộc. Series đúng là khám phá đức tin thật, nhưng vấn đề là nó ôm đồm quá nhiều khía cạnh của đức tin. Chúng ta nhìn thấy vai trò của đức tin đối với những người dân trên đảo – những người sống lầm lũi trước nguy cơ đói nghèo, đức tin với Riley – tội đồ đang tìm sự nhân từ và tha thứ từ Chúa, đức tin với nhà Scarborough – những người mong đợi phép màu hay ân huệ từ Chúa của họ, đức tin với Bev Keene – kẻ đại diện cho 1 một trong 7 đại tội (đố kị), đức tin đối với nhà el-Shabbaz – người đến từ một tôn giáo khác. Nhưng thời lượng là quá ít cho phim thực sự đi sâu vào hết các tuyến truyện này, nên đến cuối, một số lại bị bỏ lại. Chưa hết, phim còn nêu lên các câu hỏi về cách Chúa vận hành, như tại sao ngài bỏ rơi một số người và chỉ cứu một người, nhưng lại không đưa ra câu trả lời cho nghi vấn này. Phim vì thế cũng phần nào chưng hửng. Không phải là phim không thể, mà là nó có quá ít thời gian. Nên đoạn cao trào vội vã cuối phim đã chỉ khắc họa hậu quả của sự cuồng tín.
Một khía cạnh khiến khán giả e dè với Midnight Mass là tốc độ diễn ra của bộ phim, vô cùng chậm. Việc phim dàn trải nhịp độ để khắc họa khả năng chữa lành và gây hại của đức tin là hợp lý, nhưng không phải ai cũng chịu được sự từ tốn đó, đặc biệt là khi nó được quảng bá là một bộ phim kinh dị, trong khi tính kinh dị ấy lại rất ít so với hai tác phẩm trước của nó.
Nói chung, Midnight Mass là một series khó tính và nếu bạn không xem cũng không có gì mất.