Kim ngạch nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc tháng 7/2022 đã có sự phục hồi đáng kể về số lượng, tuy nhiên giá trị vẫn giảm mạnh so với trước đó.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính có khoảng 17.000 chiếc xe hơi nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 7/2022, tăng hơn 11,3% so với tháng trước.
Đây là một tín hiệu tích cực đối với thị trường xe hơi nhập khẩu trong bối cảnh các nhà máy trên toàn cầu vẫn đang gặp khó khăn do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện.
Tuy nhiên, khi xem xét về giá trị, mặt hàng xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu vẫn đang có sắc màu u ám trên thị trường. Mức giá trị ước tính 312 triệu USD đạt được trong tháng 7 tiếp tục cho thấy sự suy giảm rõ rệt.
Không khó để lý giải cho dấu hiệu chênh lệch ngày càng rõ rệt của mặt hàng xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu. Khi phân loại các loại xe, có thể thấy rõ nhóm xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi luôn có giá trị thấp hơn so với các nhóm xe tải, xe thương mại và xe chuyên dụng.
Ví dụ, theo số liệu thống kê tháng 6/2022 của Tổng cục Hải quan thì giá trị trung bình của các loại xe du lịch (dưới 10 chỗ ngồi) nhập khẩu chỉ khoảng 18.314 USD/chiếc. Trái lại, giá trị trung bình của xe tải nhập khẩu là 35.100 USD/chiếc. Giá trị nhập khẩu của các loại xe chuyên dụng còn cao hơn nhiều khi trung bình là 46.000 USD chiếc.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chi tiết từ Tổng cục Hải quan về các loại xe nhập khẩu tháng 7. Tuy nhiên, dấu hiệu phân cực đã bắt đầu xuất hiện từ trước đó.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, trong khi số lượng xe du lịch nhập khẩu tháng 6/2022 tăng nhẹ 4,7% so với tháng trước thì giá trị kim ngạch của nhóm này giảm 7,1%. Đáng chú ý, trong cùng thời gian, kim ngạch nhập khẩu xe tải giảm 26,7% về lượng và giảm 22,6% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu các loại xe chuyên dụng còn giảm 40,6% về lượng và giảm 41,3% về giá trị.
Nhìn vào các số liệu trên có thể thấy được tình hình của thị trường ô tô nhập khẩu khi xét trên từng loại xe. Cụ thể, với tăng lượng giảm giá trị, có thể khẳng định rằng nhóm xe du lịch đang có dấu hiệu hồi phục trong khi các loại xe tải và xe chuyên dụng ngày càng giảm.
Ngoài tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu, các yếu tố chính trị cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng phân cực của kim ngạch nhập khẩu ô tô. Hiện nay, hầu hết các loại xe tải và xe chuyên dụng nhập khẩu đều từ Nga và Trung Quốc. Trái lại, Nga đang gặp khó khăn với việc xuất nhập khẩu do xung đột quân sự trong khi chính sách 'zero Covid' của Trung Quốc đang gây tắc nghẽn.