Một trong những nỗi sợ lớn nhất của những người mới bắt đầu viết như mình là bị từ chối. Trước đây, mỗi lần bị từ chối là mình như bị dội một gáo nước lạnh. Sau mỗi lần như thế, mình thường thu mình lại và tự trách móc bản thân.
Lần đầu mình xin việc làm nội dung, mình cũng bị từ chối. Nhưng cậu biết không? Lần này mình không cảm thấy tệ như những lần trước mà ngược lại còn thấy may mắn. Khi gửi bài mẫu, mình nhận được rất nhiều lời khuyên và chỉnh sửa từ chị bên dự án. Chị ấy chỉnh bài kỹ đến mức mình nghĩ có thể đăng lên trang chính thức của dự án. Và từ đó, mình học được rất nhiều bài học quý giá.
1. Không phải dự án nào cũng phù hợp với mình
Mỗi dự án cần một giọng văn khác nhau để phù hợp với người đọc. Chúng ta không thể dùng giọng văn trẻ trung, bắt trend cho một dự án dành cho người trung niên, cũng như không thể dùng giọng văn già dặn để viết cho giới trẻ. Như vậy sẽ không thu hút được người đọc và không đạt hiệu quả như mong muốn.
Vì thế, không phải dự án nào cũng phù hợp với mình. Không phải công việc nào cũng nên apply. Phải xem dự án đó có phải là thế mạnh của mình hay không trước khi ứng tuyển. Như vậy, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Ảnh từ nguồn: pinterest
2. Nhận phản hồi từ những người đi trước là cực kỳ quan trọng
Lúc mới tập viết, mình rất ngại chia sẻ với người khác vì tự ti về khả năng viết. Mình sợ sai, sợ không hay, và nhiều nỗi sợ khác. Thế là mình chỉ đăng trên blog cá nhân hoặc viết trong nhật ký.
Đến khi mình xin việc đầu tiên, mình gửi bài mẫu cho chị bên đó. Nhận lại phản hồi với rất nhiều lỗi, gần như đỏ cả trang. Ban đầu mình hơi hoảng vì nghĩ đã viết khá tốt. Nhưng mình đã sai từ lỗi nhỏ nhất như chính tả, tiêu đề, đến cả format cũng không đúng.
Mình nhận ra rằng việc xin phản hồi từ những người đi trước rất quan trọng. Nếu không ai xem và sửa bài, mình sẽ không biết sai ở đâu và cần sửa những gì.
Ảnh từ nguồn: pinterest
3. Trong việc viết, mình vẫn còn rất nhiều điểm chưa hoàn thiện
Nếu không tham gia xin việc, mình sẽ không nhận ra được những thiếu sót của bản thân. Những kiến thức lý thuyết thường rất đơn giản: 1+1=2. Tuy nhiên, khi viết bài cho các nhãn hàng, mình mới nhận ra không thể áp dụng hết những gì đã học.
Mỗi bài viết đều cần sự linh hoạt và điều chỉnh riêng biệt, không thể áp dụng lý thuyết một cách cứng nhắc. Mình đã bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ về việc viết. Mình đọc nhiều hơn, luyện viết thường xuyên hơn và viết về nhiều chủ đề hơn. Từ đó, mình cũng bắt đầu hiểu được cách ngòi bút của mình phù hợp với giọng văn như thế nào. Mỗi chủ đề khác nhau đều yêu cầu một cách viết khác nhau.
4. Có rất nhiều người giỏi hơn mình
Là một Gen Z thực thụ, chắc chắn ai cũng từng phải đối mặt với áp lực từ bạn bè. Mình cũng không ngoại lệ. Lúc đó, lý do mình bị từ chối là: “Bài viết của em làm khá tốt và chị rất thích. Nhưng, có một bạn khác hơn em một chút nên mình chưa có duyên với em lần này”.
Ban đầu, mình luôn tự tin vào những gì mình làm vì luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Mình hài lòng với bản thân mình đến mức độ nào đó. Tuy nhiên, sau khi bị từ chối, mình nhận ra mình chỉ là một “hạt cát nhỏ giữa sa mạc”.
Áp lực từ bạn bè thường khiến mình tự đặt câu hỏi về bản thân. Mình sử dụng áp lực đó như một đòn bẩy để thay đổi tư duy, và học hỏi nhiều hơn.
Nguồn hình ảnh: pinterest
Cuối cùng, mình muốn nhắc nhở rằng đừng chờ đợi cho đến khi bạn sẵn sàng mới xin việc. Khi tìm được cơ hội phù hợp, hãy dũng cảm nắm lấy nó. Đó là một cơ hội để học hỏi thêm kinh nghiệm. Việc xin việc sớm cũng giúp bạn tự tin hơn và có động lực lớn hơn cho tương lai. Có thể bạn sẽ tìm được một người hướng dẫn tốt trong quá trình đó.
Hãy dũng cảm xin việc sớm nhất có thể nhé!