Mình tin rằng mọi người đều biết sách mang lại lợi ích nhưng vẫn có nhiều người không biết cách đọc sách hiệu quả. Để đọc sách hiệu quả, điều quan trọng nhất là áp dụng những kiến thức hay nhất, thiết thực nhất mà ta học được từ sách vào cuộc sống. Cuốn sách Bí Quyết Đọc Sách Hiệu Quả của Yuji Akaba chia sẻ nhiều kỹ năng đọc sách hữu ích.
Hầu hết những điều tác giả chia sẻ mình đã thực hiện và áp dụng thành công vào việc đọc sách của mình. Mục tiêu lớn nhất khi chọn đọc cuốn sách này của mình là muốn xem tác giả có chia sẻ nào hay hơn về đọc sách để mình có thể học hỏi và chia sẻ với mọi người. Và... mình đã tìm thấy. Đó chính là BẢNG THỬ THÁCH BẢN THÂN mà mình đã chia sẻ trước đó. Hôm nay mình sẽ giải thích chi tiết hơn để bạn hiểu rõ hơn về bảng này nhé.
1. Nội dung của bảng thử thách bản thân
BẢNG THỬ THÁCH BẢN THÂN
Bảng thử thách bản thân bao gồm bốn phần:
- Phần 1: mục đích và mục tiêu khi đọc cuốn sách này?
Ngay từ câu hỏi ban đầu, bạn đã nhớ rõ mục tiêu của mình khi đọc cuốn sách này là gì? Bạn muốn học điều gì từ sách, muốn phát triển bản thân, nuôi dạy con tốt hơn hay cải thiện mối quan hệ với chồng? Khi bạn có một mục tiêu cụ thể, mục đích rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận cuốn sách và tìm được câu trả lời cho bản thân mình.
- Phần 2: Những điểm mình thấy hay:
Chia sẻ những điều khiến bạn ấn tượng nhất, vì một cuốn sách hay thường có nhiều giá trị, nhưng chỉ có vài điểm đặc biệt mới lạ, đủ sức để làm bạn thích thú, ấn tượng và nhớ mãi. Hãy ghi lại những điểm đó để nhớ lâu kiến thức quý giá mà bạn học được và áp dụng nó vào cuộc sống.
- Phần 3: Mình sẽ làm gì sau khi đọc cuốn sách này?
Câu hỏi này thúc đẩy bạn suy nghĩ về việc áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Nếu không áp dụng, kiến thức chỉ là lý thuyết và không có ý nghĩa gì. Ví dụ, nếu bạn học được rằng để hình thành một thói quen cần 21 ngày, duy trì cần 30 ngày và biến thành tự động cần 66 ngày, bạn sẽ áp dụng như thế nào vào cuộc sống hàng ngày của mình?
Nguồn ảnh: pinterset
Áp dụng vào thói quen mà bạn muốn xây dựng, duy trì và biến nó thành một phần trong cuộc sống của bạn. Bạn muốn xây dựng và phát triển thói quen viết mỗi ngày, chẳng hạn. Bạn chọn dự án viết nhật ký mỗi tối, ghi lại những điều vui vẻ và ý nghĩa nhất mà bạn nhận được trong ngày. Duy trì cho đến khi đạt 66 ngày, bạn sẽ thấy việc viết thật dễ dàng và những điều tích cực, ý nghĩa cứ theo ngòi bút của bạn mà đến với cuộc sống của bạn. Bởi vì, bạn luôn tập trung vào những điều đó.
- Phần 4: Sau ba tháng, mình sẽ thay đổi như thế nào?
Đây là điều mà chúng ta hướng tới trong tương lai, mục tiêu của chúng ta sau khi đã áp dụng. Với ví dụ trên, sau ba tháng việc viết nhật ký ghi lại những niềm vui và thành công hàng ngày sẽ trở thành thói quen tự động. Bạn sẽ có một cuốn sổ đầy những niềm vui và thành công vào cuối năm. Điều đó cũng khiến bạn tự tin hơn, hạnh phúc hơn và yêu đời hơn.
2. Cách sử dụng bảng thử thách bản thân hiệu quả
Khi đã có bảng thử thách này, bạn nên xem lại một lần mỗi tuần để xem tiến độ hoàn thành của bản thân. Sau ba tháng, bạn nên xem lại các bảng thử thách bản thân mà bạn đã viết trước đó và xếp hạng về việc ứng dụng của bạn.
Hạng 1: xuất sắc (bạn ứng dụng cực kỳ thành công, hệt như sự mong đợi và kỳ vọng của bạn)
Hạng 2: Đạt mục tiêu (dù không xuất sắc như mức kỳ vọng nhưng bạn đã làm đúng kế hoạch và đạt được mục tiêu ban đầu đề ra)
Hạng 3: Không hoàn thành (bạn chỉ áp dụng được 1 tuần, 2 tuần thay vì ba tháng như cách bạn viết ra)
Hạng 4: Hoàn toàn không (bạn không áp dụng được nhiều, sau ba ngày làm bạn đã quên mất hoặc không có động lực duy trì).
Việc xem lại tiến độ sau ba tháng tương tự như việc bạn tổng kết một dự án ngắn hạn mà bạn tham gia, khi đó bạn sẽ nhìn nhận và đánh giá đúng những gì bản thân đang làm.
Nguồn ảnh: istockphoto
Và điều quan trọng khác mà tác giả không đề cập nhưng mình rất ưa thích đó là học hỏi từ nhau. Với bảng thử thách bản thân này, bạn có thể làm vào bất kỳ thời điểm nào, ngoài việc viết lại những gì bạn học được từ những cuốn sách đã đọc, hãy tận dụng cộng đồng của bạn.
Trong cộng đồng của chúng ta có rất nhiều chị em đọc sách hàng ngày, hàng tuần và thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân hoặc trong nhóm. Hãy luôn học hỏi bằng cách đọc những bài chia sẻ đó và ghi lại vào bảng thử thách bản thân. Hãy kính trọng người bạn của mình bằng cách ghi chú thêm về người đọc sách. Sau đó, áp dụng những gì bạn học được từ người bạn của mình vào cuộc sống của mình. Đây là cách học nhanh nhưng cực kỳ hiệu quả mà chúng ta có thể áp dụng ngay lập tức!
Mong rằng bài chia sẻ này sẽ hữu ích cho mọi người và giúp lan tỏa tinh thần đọc sách đến nhiều người hơn nữa!