Trong buổi tập huấn cho giáo viên Tiểu học Vân Côn về khái niệm trường học hạnh phúc, tôi đã hỏi: Các thầy cô đánh giá học sinh bằng cách nào? Có phương pháp nào để ghi nhận và khích lệ những học sinh khiêm tốn, trung thực, giàu lòng trắc ẩn, dũng cảm, hào hiệp hay không, hay chỉ vinh danh những em giỏi Toán, Văn, Tiếng Anh, hát hay múa giỏi? Cả hội trường im lặng, có lẽ vì lần đầu tiên đối diện với câu hỏi này, cũng có lẽ vì giật mình nhìn lại công việc của mình.
Nếu tôi đặt câu hỏi này ở nhiều trường học khác, phản ứng im lặng có lẽ cũng sẽ xảy ra tương tự.
Vì từ lâu, chúng ta đã coi bảng xếp hạng, thi cử, giải thưởng là mục tiêu cuối cùng của giáo dục, đến mức không ai thắc mắc khi trên báo chí đầy rẫy những tin như: nữ sinh xinh đẹp giành học bổng triệu đô vào đại học top đầu Mỹ, nam sinh nghèo đạt thủ khoa 10 điểm tuyệt đối, và khi nam sinh trường chuyên ngủ gục trong phòng thi thì cả nước dậy sóng, như thể học chuyên là không thể ngủ gục. Khi coi bảng xếp hạng, thi cử, giải thưởng là mục tiêu cuối cùng của giáo dục, thì hơn 90% học sinh sẽ cảm thấy mình kém cỏi, thất bại, vì làm gì có kỳ thi nào mà tất cả đều đạt giải nhất, làm gì có bảng xếp hạng nào mà tất cả các trường đều đứng chung một hạng, và sẽ có ít nhất 50% học sinh bị bỏ lại phía sau. Không ai để ý đến các em, vì không ai kỳ vọng các em sẽ mang lại thành tích đáng kể cho trường.
Nhưng giá trị của con người không thể đo đếm đơn giản bằng con số. Một bà bán đồng nát có thể cân một cục sắt và nói: Cục này 1kg, đáng giá năm nghìn. Nhưng không thể cân một học sinh và nói: Em này 5 điểm, giá trị thấp hơn em kia 6 điểm. Con người tất nhiên phức tạp hơn cục sắt. Giá trị con người ngoài những gì có thể đo đếm, còn vô vàn yếu tố khó định lượng. Làm sao để đo lường mức độ tử tế trong một con người, khi một em tử tế vì biết lặng lẽ ở bên cạnh bạn khi bạn khó khăn, em khác tử tế vì luôn nói lời cảm ơn và mỉm cười chào bác bảo vệ mỗi sáng, em khác lại nhặt từng cọng rác trên sân trường lúc tan học. Cứ cho là có thể đếm số lần em nói cảm ơn, nhặt rác hay lặng lẽ bên bạn để tính điểm cho sự tử tế, nhưng liệu đó có đủ để đo lường sự tử tế của các em không?
Trong xã hội, bao nhiêu phần trăm dân số là thủ khoa, hoa hậu, cầu thủ, doanh nhân, ca sĩ, nhà khoa học, lãnh đạo nổi tiếng? Bao nhiêu trong số đó là người tử tế, có cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc? Phải chăng một đất nước sẽ hạnh phúc hơn nếu có nhiều người thành công, tài giỏi, nổi tiếng? Một quốc gia không có nhiều người tài giỏi, nổi tiếng sẽ đau khổ hơn? Nếu dừng lại suy nghĩ về những câu hỏi này, bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn xã hội là những người bình thường, không giàu có cũng không nổi tiếng, và trong cuộc đua trở thành người tài giỏi, thành công, nổi tiếng, phần lớn chúng ta đều thất bại.
Vậy nên, mục tiêu cuối cùng của giáo dục nhân văn là giúp con em chúng ta trở thành những con người bình thường, sống một cuộc đời bình dị nhưng tốt đẹp. Giáo dục nhân văn hướng đến việc tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi năng lực, và dạy các em biết sống hòa hợp với nhau. Như hệ sinh thái trong rừng, nơi cây cao cây thấp, loài ăn thịt hay ăn cỏ đều chung sống, một cây rêu nhỏ bé cũng có thể vui vẻ bên cạnh cây cổ thụ to lớn. Xã hội cần những người biết nương tựa vào nhau và hoàn thành tốt phận sự của mình.
Mục tiêu tối thượng của giáo dục là nuôi dưỡng những nhân cách tử tế. Tuy nhiên, sự tử tế không thể đo lường và không thể có kỳ thi nào về sự tử tế, cũng không có giải thưởng cho những người tử tế. Sẽ không cần cạnh tranh khốc liệt để giành thứ hạng cao, và không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tử tế, vì mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành người tử tế. Công việc của giáo viên không phải là sản xuất thủ khoa, mà là chăm sóc, vun đắp cây nhân cách trong mỗi học sinh mỗi ngày, thấy niềm vui trong từng việc tốt nhỏ bé mà các em làm được hàng ngày.
Tôi đã nói với các thầy cô: trong mỗi trường học có hai trường học, một ngôi trường vật chất với tường rào, phòng học, và một ngôi trường tinh thần - bầu không khí yêu thương và thân thiện. Ta không thể ngay lập tức cải tạo hay xây dựng trường vật chất vì phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài, nhưng ta hoàn toàn có thể tự do và chủ động kiến tạo ngôi trường tinh thần, tạo nên bầu không khí yêu thương và hạnh phúc trong trường. Việc này không tốn kém và không cần sự đầu tư của ai, nhưng bất cứ ai cũng có thể làm được.
Khi các thầy cô mơ ước có một sân chơi với nhiều đồ chơi để các em hạnh phúc hơn, tôi đã hỏi: nếu không có sân chơi thì các em không hạnh phúc hay sao? Học sinh cách đây 500 năm, 100 năm, hay những học sinh miền núi trong các ngôi trường tranh tre mái lá, dưới bom đạn chiến tranh, có kém hạnh phúc hơn học sinh trường quốc tế với trang thiết bị hiện đại không? Hiển nhiên là không. Tôi đã thấy trẻ em vùng cao nguyên đá Hà Giang vui chơi với đất cát, đá sỏi, và cũng thấy trẻ em buồn bã trong sân trường đầy đồ chơi ở ngôi trường giàu có. Hạnh phúc không phụ thuộc vào trường học vật chất, mà nằm ở trường học tinh thần, ở lòng khoan dung và nhân hậu của thầy cô, sự thân thiện của bạn bè, nụ cười của bác lao công, cô bảo vệ, thầy hiệu trưởng. Hạnh phúc và sự tử tế, may mắn thay, là cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể sống tử tế, dù thông minh hay khuyết tật, giàu có hay nghèo khó.
Nguồn ảnh: pinterest
Việc kiến tạo bầu không khí hạnh phúc và vun đắp nhân cách tử tế trong trường học không khó và không tốn kém. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng điều quan trọng nhất là dạy học sinh biết nhìn thế giới qua lăng kính của lòng biết ơn, biết lắng nghe thấu cảm, tin vào điểm mạnh của mình và ghi nhận điểm mạnh của người khác, sống khoan dung và vị tha. Chỉ cần mỗi thầy cô và cha mẹ thực hiện việc này hàng ngày và hướng dẫn học sinh làm theo. Hãy tạm quên mục tiêu cạnh tranh và những trào lưu ồn ào để nghĩ đến những giá trị bền vững, lâu dài và ý nghĩa hơn cho nhân loại và toàn bộ hệ sinh thái.
Bắt đầu hành trình từ chính bạn, dù là người lãnh đạo, giáo viên hoặc phụ huynh.
P/S: Hạnh phúc tỏa ra từ nụ cười của các em nhỏ dân tộc Cao Lan trong một chuyến công tác tại Tuyên Quang cùng tổ chức Goodneighbors.