Một trong những lời khen tốt nhất tôi từng nghe từ một cậu bé lớp 5: 'Tôi thích cuốn sách của cô, dù nó nói về lịch sử', cậu ta nói và lắc đầu, 'Tôi thậm chí không bao giờ cảm thấy chán!'
Nhiều đứa trẻ hiện nay nghĩ rằng lịch sử chỉ là một chuỗi sự kiện và ngày tháng cần nhớ, khô khan, không liên quan và không có ích gì cho cuộc sống của họ. Tuy nhiên, quá khứ không phải là một cái gì đó xa xôi, xảy ra ở một vùng đất bí ẩn. Lịch sử giống như một dòng sông dài, quanh co chảy qua các thế hệ: những người đã ăn gì, mặc gì, nói chuyện ra sao, tin vào những gì, đang xảy ra với họ và xung quanh họ.
Tiểu thuyết lịch sử là câu chuyện về những con người bình thường sống trong một thời đại phi thường và những con người phi thường trong thời đại bình thường đó. Đối với tôi, nó giống như một chiếc máy thời gian. Khi được quay về quá khứ, tôi không muốn chỉ đi qua như một du khách và thăm những địa điểm nổi tiếng. Tôi muốn một chuyến đi thực tế, tiến vào các ngõ hẻm, nhìn qua các cửa sổ và gặp gỡ mọi người trong khu phố. Tôi muốn có mặt ở đó khi các sự kiện đang diễn ra, quan sát chúng qua góc nhìn của một nhân vật mà đối với họ, đó không phải là lịch sử mà là cuộc sống hàng ngày.
Nhờ vào những tác giả lịch sử tài năng, phần thực tế của lịch sử giúp câu chuyện của nhân vật trở nên sống động hơn và việc đắm mình vào câu chuyện đó cũng khiến lịch sử trở nên sinh động hơn đối với người đọc, đôi khi tạo ra những hiệu ứng đáng kinh ngạc. Cảm xúc của con người không thay đổi theo thời gian, trong khi các mối quan hệ, vị trí xã hội, vai trò và các vấn đề của từng thời đại, giới tính thì linh hoạt và dễ thay đổi.
Và điều khiến tôi thích thú nhất là những phần lịch sử đã bị lãng quên, bị bỏ qua hoặc coi nhẹ. Những câu chuyện về phụ nữ, người da màu, những người sống trong bóng tối, ẩn náu hoặc những cuộc sống bí ẩn. Có gì hấp dẫn hơn một bí mật đã biến mất từ lâu? Chính sự bí ẩn đó đã khiến tôi thích thú và tò mò, càng tò mò tôi lại càng muốn biết thêm, rồi tôi đào, đào mãi.
Vậy những bí ẩn này quan trọng thế nào? Ngoài việc kể một câu chuyện hay, tôi tin rằng những dư âm từ quá khứ có thể mang lại rất nhiều bài học cho chúng ta, ngay trong thời đại của chúng ta và về cuộc sống của chúng ta.
Một cuốn tiểu thuyết lịch sử tốt là mở ra một cuộc trò chuyện giữa quá khứ và hiện tại. Có những quan điểm từ quá khứ, nếu được xem xét dưới góc nhìn hiện đại, có thể bị xem là sai lầm và thậm chí là không đạo đức. Rất nhiều quy tắc xã hội được xem là bình thường vào thời điểm đó, và vì không có cảnh báo về nguy hại trong lịch sử: mọi người hút thuốc mà không biết nó có hại; phụ nữ và các nhóm thiểu số bị đối xử như công dân thứ hai và không được hưởng các quyền cơ bản... Thật không may, cũng chính những vấn đề về phân biệt chủng tộc, giới tính, sự lạm dụng quyền lực từng tồn tại ở quá khứ, ngày nay đã trở thành các vấn đề nổi bật trên báo chí.
Tôi nghĩ điều quan trọng là trẻ em cần nhận thức rằng quá khứ thường không hề hoàn hảo, và rằng họ đang học về những gì đã xảy ra thực sự chứ không phải những gì được làm cho họ biết. Điều này cũng là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ, ông bà và giáo viên mở rộng kiến thức về trải nghiệm của họ. Họ có thể thảo luận về cách mọi thứ đã thay đổi trong suốt 30, 40, hoặc 50 năm qua - và những gì đã không thay đổi.
Những đứa trẻ tò mò có thể có nhiều câu hỏi hơn số câu trả lời sẵn có của người lớn, nhưng đó cũng là dấu hiệu tốt. Khi trẻ em muốn biết thêm, thông qua sự tò mò của họ, chúng phát triển những kỹ năng nghiên cứu tuyệt vời và sẽ hữu ích cho họ trong tương lai. Người đọc càng đặt nhiều câu hỏi về quá khứ, họ càng có sự chuẩn bị tốt hơn khi bước vào tương lai - tương lai mà họ sẽ tạo ra, nơi họ có thể tạo ra sự khác biệt, và không ai biết được liệu “mọi thứ luôn như vậy” có thay đổi hay không.
Như tôi đã nói, tiểu thuyết lịch sử cũng giống như một cỗ máy thời gian. Và có một quy tắc không thể phá vỡ khi du hành qua thời gian, đó là: Bạn không thể quay lại quá khứ. Nhưng khi bạn gấp cuốn sách lại, bạn có thể cảm nhận được quá khứ đã thay đổi bạn.
Thanh Trần | Readbrightly.com