Tranh luận về khả năng tái tạo màu sắc trên máy ảnh Sony vẫn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong khi đó, đây vẫn là một trong những điểm mạnh của các sản phẩm Canon.
Nhiếp ảnh gia Usman Dawood gần đây đã thực hiện so sánh về việc tái tạo màu sắc giữa hai mẫu máy ảnh Canon 5DS R và Sony A7RIII. Tất cả các ảnh chụp đều chưa được chỉnh sửa màu sắc, chỉ có cân bằng trắng đã được điều chỉnh để thấy rõ sự khác biệt trong khả năng tái tạo màu sắc giữa hai hãng máy ảnh.
Đầu tiên là trong điều kiện ánh sáng phức tạp. Đại diện của Sony sử dụng ống kính Zeiss 55 mm F/1.8 trong khi máy ảnh Canon sử dụng ống kính Sigma 50 mm F/1.4 Art. Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về màu sắc giữa hai bức ảnh, Sony A7RIII thường có màu cam tăng lên trên da mẫu. Ngược lại, sản phẩm từ Canon mang lại màu sắc tự nhiên và dễ nhìn hơn.
Ảnh của Sony với ống kính Zeiss ở bên trái, Canon với ống kính Sigma ở bên phải
Khi phóng lớn hơn, có thể thấy rằng ảnh từ Sony thường có màu xanh lá cây hơn, trong khi ảnh từ Canon 5DS R không có. Việc cân bằng trắng về hướng màu xanh lá cây đã được nhiều người phản ánh từ trước.
Ảnh của Sony ở bên trái, Canon ở bên phải
Để công bằng hơn, Usman đã sử dụng chung ống kính Sigma 50 mm F/1.4 Art cho cả hai máy vì ống kính cũng là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định khả năng tái tạo màu sắc trong ảnh. Lần này, kết quả của Sony đã được cải thiện đáng kể khi ảnh giảm sắc cam và xanh lá không mong muốn. Tuy nhiên, vẫn còn một ít sắc xanh dương và xanh lá trên da của mẫu. Nói chung, mặc dù sử dụng cùng ống kính nhưng Canon 5DS R vẫn là sản phẩm tái tạo màu sắc tốt hơn.
Ảnh của Sony chụp với ống kính Sigma 50 mm F/1.4 Art
Sony bên trái, Canon bên phải
Chụp mẫu có làn da sáng hơn trong điều kiện ánh sáng phức tạp, cả hai máy đều sử dụng ống kính Sigma chung, và một lần nữa máy ảnh Canon làm tốt hơn. Trên ảnh chụp từ Sony A7RIII, sắc xanh lá và vàng vẫn xuất hiện nhiều trên da, khiến cho nó trông ít hấp dẫn hơn rất nhiều.
Sony bên trái, Canon bên phải
Sony bên trái, Canon bên phải
Chuyển sang chụp mẫu với sự hỗ trợ từ đèn flash và bộ cân bằng trắng Color Ckecker Passport của X-Rite và vẫn sử dụng chung ống kính Sigma. Máy ảnh của Sony vẫn gặp các vấn đề tương tự về tái tạo màu sắc của da người. Việc áp dụng profile từ công cụ của X-Rite đã giúp cải thiện ảnh từ Sony A7RIII đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức độ chuẩn xác như Canon.
Hình ảnh từ Sony bên trái, Canon bên phải
Ảnh crop lớn để nhìn rõ hơn sự khác biệt trong cách tái hiện màu sắc của hai máy
Với màu tím, máy ảnh Sony có xu hướng tái tạo nhiều sắc xanh dương. Điều này là khá khó khăn để thể hiện chính xác trong nhiếp ảnh, và Canon thực hiện tốt hơn. Sau khi điều chỉnh bằng profile, sắc da được tái tạo trên A7RIII tốt hơn nhiều, tuy nhiên vẫn còn một chút sắc vàng không mong muốn, trái ngược với sự hồng hào của Canon.
Sony ở bên trái, Canon ở bên phải
Chụp dưới ánh sáng tự nhiên, kết quả không thay đổi nhiều khi máy ảnh Canon vẫn cho ra màu sắc tốt hơn. Mặc dù Sony được hỗ trợ bởi bộ cân bằng trắng chuyên nghiệp của X-Rite, sắc xanh lá và vàng vẫn hiện diện khá rõ ràng trong làn da.
Sony bên trái, Canon bên phải
Trong bối cảnh chủ yếu là so sánh khả năng tái tạo màu sắc của da người, Usman tiếp tục thử nghiệm với chủ đề chụp kiến trúc. Cả hai máy đều sử dụng ống kính Canon 24 mm F/3.5 T-SE II và không khó để nhận ra hai bức ảnh khác biệt. Màu đỏ trên ảnh của Sony có quá nhiều sắc cam và thiếu sự chính xác. Toàn bộ tòa nhà trung tâm trong bức ảnh cũng bị màu vàng, không còn màu sắc chính xác nữa. Tuy nhiên, màu xanh lá trên A7RIII có vẻ tươi tắn và chính xác hơn so với Canon. Đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về kiến trúc, Sony có thể không phải là lựa chọn hàng đầu, đặc biệt là khi nói về việc tái tạo màu sắc.
Sony trên, Canon dưới
Chụp trái cây và rau củ dưới ánh sáng được kiểm soát, cả hai ảnh đều sử dụng ống kính macro Canon 100 mm F/2.8, không áp dụng profile mà chỉ sử dụng bộ công cụ cân bằng trắng từ X-Rite. Kết quả không có sự khác biệt lớn, mặc dù màu đỏ trên máy ảnh Sony có chút sắc cam, nhưng màu xanh lá lại được tái hiện tốt hơn một chút so với Canon.
Sony trên, Canon dưới
Với màu vàng trên trái chuối, Canon 5DS R cho ra kết quả tốt hơn một lần nữa, màu sắc hiển thị tươi tắn hơn so với màu xanh lá ám trong ảnh của Sony A7RIII.
Sony trên, Canon dưới
Trong hình chụp trái dưa leo, màu xanh lá là điểm mạnh của máy ảnh Sony khi tái hiện chính xác hơn. Máy ảnh Canon không chính xác bằng và có một chút ám vàng.
Sony trên, Canon dưới
Cần phải thừa nhận rằng Sony cần phải nỗ lực hơn để cải thiện khả năng tái tạo màu sắc trên các máy ảnh không gương lật của mình. Các sản phẩm của hãng thường tái tạo màu với sắc vàng và xanh lá không mong muốn trên làn da. Mặc dù sử dụng các công cụ chuyên nghiệp để cân bằng trắng và áp dụng profile, kết quả vẫn còn nhiều khuyết điểm. Tổng quan về việc tái tạo màu sắc, Canon vẫn làm tốt hơn, điều này có thể làm nhiều nhiếp ảnh gia ưa chuộng thương hiệu này.
Vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung, trong khi đối với các chủ đề khác có thể chấp nhận được. Cụ thể, nhiếp ảnh gia phong cảnh có thể ưa chuộng việc tái tạo màu xanh lá trên máy ảnh Sony. Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng việc tái tạo màu sắc trên máy ảnh của Sony là một ưu điểm đối với hầu hết các nhiếp ảnh gia.
Có thể có ý kiến phản đối rằng việc chỉnh sửa cân bằng trắng và màu sắc là dễ dàng khi chụp ở định dạng RAW. Tuy nhiên, việc này tốn thêm thời gian xử lý ảnh. Hơn nữa, dù đã sử dụng bộ cân bằng trắng X-Rite Color Checker Passport, màu từ máy ảnh Sony vẫn chưa đạt được mức độ hoàn hảo như của Canon. Cuối cùng, màu sắc trong nhiếp ảnh quan trọng hơn cả độ nét và dải tương phản động (Dynamic Range).
Theo Petapixel