(Tổ Quốc) - Cảm biến vân tay là một trong những phương thức xác thực phổ biến nhất hiện nay.
Vào cuối năm 2000, Toshiba đã giới thiệu chiếc laptop đầu tiên tích hợp cảm biến vân tay, giúp người dùng mở khóa thiết bị chỉ với một cú chạm ngón tay, thay vì phải nhớ mật khẩu phức tạp.
Chiếc điện thoại đầu tiên có cảm biến vân tay cũng xuất hiện trong thời gian đó, đó là Sagem MC 959, mặc dù Siemens đã có một mẫu thử nghiệm từ năm 1998.
Sagem MC 959
Cảm biến vân tay nhanh chóng được một số thiết bị PDA sử dụng, được coi là tính năng dành cho doanh nhân vì đóng góp vào việc nâng cao bảo mật. Từ đó, cảm biến vân tay trên điện thoại di động vẫn tồn tại, nhưng trở nên hiếm hơn, cho đến khi Apple giúp nó trở nên phổ biến.
iPhone 5s, ra mắt năm 2013, đã mang tính năng mới gọi là “Touch ID”. Đây là cảm biến vân tay tích hợp trong nút Home phía dưới màn hình. Ban đầu, nó chỉ được sử dụng như một phương tiện nhanh chóng thay thế cho việc mở khóa bằng mật khẩu. Khi iPhone 6 và 6 Plus ra mắt, Apple tích hợp khả năng thanh toán Apple Pay vào Touch ID.
Touch ID vẫn được tích hợp trên hai thiết bị mới ra mắt trong năm 2022 - iPhone SE (thế hệ thứ ba) và iPad Air mới - nhưng không còn là lựa chọn ưa thích của Apple.
Mặc dù Apple đã đóng góp vào việc phổ biến cảm biến vân tay trên điện thoại thông minh, nhưng họ đã bắt đầu loại bỏ tính năng này từ năm 2017 với iPhone X để chuyển sang Face ID - sử dụng cảm biến ánh sáng để nhận diện khuôn mặt 3D.
Các nhà sản xuất Android cũng nhanh chóng chuyển sang cảm biến nhận diện khuôn mặt, nhưng cảm biến vân tay vẫn duy trì ở hệ điều hành này.
Android đã gặp khó khăn ban đầu với cảm biến vân tay. Một số điện thoại trang bị cảm biến đầu tiên như Motorola Atrix (2011) và Galaxy S5 (2014) yêu cầu người dùng vuốt ngón tay qua cảm biến. Cách tiếp cận điện dung của Apple được đánh giá cao hơn nhiều - chỉ cần chạm vào nút. Cuối cùng, Android cũng chuyển sang cảm biến điện dung, đặt chúng ở phía sau hoặc bên cạnh (thường được tích hợp vào nút nguồn).
Tại Triển lãm Di động Thế giới Thượng Hải 2017, Vivo đã giới thiệu một mẫu điện thoại concept với cảm biến vân tay dưới màn hình (UD). Sau đó, họ ra mắt điện thoại thương mại đầu tiên có cảm biến vân tay dưới màn hình - Vivo X20 UD, và sau đó là X21 UD. Đó là thời điểm bùng nổ của điện thoại có cảm biến UD.
Một trong những điện thoại nổi bật trong thời điểm đó là Huawei Mate RS Porsche Design. Đây không chỉ là sản phẩm đầu tiên của Huawei có cảm biến UD, mà còn tích hợp hai cảm biến vân tay, một dưới màn hình và một ở mặt sau.
Phần lớn cảm biến vân tay lúc đó đều là loại điện dung (đầu đọc nằm ở bề mặt, như phía sau hoặc bên cạnh) hoặc quang học (cảm biến dưới màn hình). Tuy nhiên, cũng có một loại khác.
Vào đầu năm 2019, Samsung ra mắt dòng Galaxy S10, là dòng sản phẩm đầu tiên tích hợp cảm biến vân tay siêu âm dưới màn hình. Chúng được quảng cáo là an toàn hơn với chế độ nhận diện 3D thay vì 2D (như đầu đọc quang học), giúp chúng khó bị đánh lừa hơn nhiều. Tuy nhiên, sản phẩm của Samsung đã gặp một số vấn đề với miếng dán bảo vệ màn hình từ bên thứ ba, làm ảnh hưởng đến quá trình đọc dấu vân tay.
Ở thế hệ tiếp theo, cảm biến Qualcomm 3D Sonic được cải thiện với diện tích lớn hơn và tốc độ nhanh hơn, thậm chí hỗ trợ điện thoại màn hình gập. Vivo X Fold có cảm biến vân tay dưới màn hình cả trên màn hình ngoài và màn hình gập bên trong.
Không có nhiều bước tiến lớn trong công nghệ cảm biến vân tay gần đây. Chúng trở nên phổ biến, ngay cả trên các thiết bị giá rẻ, nhưng vẫn chưa có sự phát triển công nghệ đáng kể. Các nhà sản xuất đang cố gắng làm cho chúng nhanh hơn và lớn hơn để sử dụng thuận tiện hơn, nhưng điều này ít có ý nghĩa.
Ngay từ năm 2018, Vivo APEX thử nghiệm đã có cảm biến vân tay trải dài một nửa màn hình, giúp bạn có thể quét hai ngón tay cùng một lúc, cung cấp thêm tính bảo mật. Vivo X80 Pro ra mắt đầu năm 2022 thực sự mang lại loại cảm biến vân tay dưới màn hình tốt nhất hiện nay.
Từ những bước đi đầu tiên đến một tính năng phổ biến - cảm biến vân tay đã trải qua một hành trình dài trong hai thập kỷ qua. Liệu chúng đã đạt tới đỉnh cao hay vẫn còn những sự thay đổi lớn tiếp theo? Hãy cùng chờ xem tương lai sẽ mang lại điều gì cho chúng ta.
Tham khảo: GSMArena