Tiêm ngừa vắc xin giúp trẻ nhỏ phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trong giai đoạn 0 - 6 tháng tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có hệ miễn dịch yếu, sau 4 tháng, miễn dịch từ mẹ đã truyền qua con sẽ dần mất đi. Do đó, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng dễ bị bệnh và mắc các nguy cơ biến chứng từ bệnh cao hơn so với những trẻ đã lớn nên việc tiêm vắc xin là một cách tăng cường sức đề kháng cho bé hiệu quả.
Việc tiêm ngừa và ghi nhớ lịch tiêm từng loại vắc xin thật sự là một thử thách không nhỏ với ba mẹ. Hãy cùng bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo tìm hiểu những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin cho trẻ 0 – 6 tháng tuổi nhé!
Các loại vắc xin cho trẻ
Sau khi mới sinh ra, trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin lao (BCG) và 1 mũi vắc xin Viêm gan siêu vi B (HepB vắc xin).
Nếu mẹ mắc viêm gan siêu vi B, trẻ thường được chích thêm 1 mũi HepB Immunoglobulin, hỗ trợ miễn dịch cho bé và giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan siêu vi B từ mẹ.
Giai đoạn từ khoảng 2 tháng đến 6 tháng, lý tưởng nhất trẻ nên hoàn thành tiêm các loại vắc xin sau:
- 3 lần combo 6 loại vắc xin: Viêm gan siêu vi B – Bạch Hầu – Uốn Ván – Ho Gà – Hib – Bại Liệt.
- 2 hoặc 3 liều vắc xin ngừa Rota (ngừa tiêu chảy do virus Rota), tùy vào loại vắc xin sử dụng. Hiện tại ở Việt Nam có Rotarix (2 liều), Rotateq (3 liều) và Rotarin-M1 (2 liều).
- 3 lần vắc xin ngừa phế cầu: đây là loại vắc xin mới xuất hiện tại Việt Nam. Loại này bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn phế cầu – Pneumococal, giúp phòng tránh viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết, viêm màng não.
- Vắc xin OPV: là loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, được cho uống cùng lúc với vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.
Hãy tìm hiểu những loại vắc xin cần thiết cho trẻ nhỏ. Ảnh: freepik
Nếu cha mẹ muốn tiêm phòng cúm cho bé (Influenza vắc xin) có thể bắt đầu tiêm từ khi bé tròn 6 tháng tuổi và trong năm đầu tiên tiêm cúm, bé sẽ phải tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Các năm sau đó, chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin cúm mỗi năm.
Bài viết tương tự: Top 11 bệnh viện và phòng khám dành cho trẻ tại TPHCM, cha mẹ có thể đưa bé đi tiêm vắc xin.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam
Trẻ cần được tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng. Ảnh: freepik
Hiện nay, lịch tiêm phòng cho bé dưới 6 tháng tuổi theo khuyến nghị trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam như sau:
- 24 giờ sau khi sinh: BCG (vắc xin ngừa lao) và Viêm gan B mũi 0.
- 2 tháng tuổi: vắc xin Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà - Viêm gan B – Hib (Quinvaxem) mũi 1 & OPV (vắc xin bại liệt đường uống) mũi 1.
- 3 tháng tuổi: vắc xin Bạch Hầu – Uốn ván – Ho gà - Viêm gan B – Hib (Quinvaxem) mũi 2 & OPV (vắc xin bại liệt đường uống) mũi 2.
- 4 tháng tuổi: vắc xin Bạch Hầu – Uốn ván – Ho gà - Viêm gan B – Hib (Quinvaxem) mũi 2 & OPV (vắc xin bại liệt đường uống) mũi 2.
Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin cho bé
Bé cần được quan sát trước và sau khi tiêm vắc xin. Ảnh: freepik
- Đối với các loại vắc xin tương tự, cần chích cách nhau ít nhất từ 28 ngày đến 1 tháng. Ba mẹ không nên đưa trẻ chích trước thời gian quy định.
- Vắc xin Rota và vắc xin Bại liệt uống - OPV cần phải cách nhau ít nhất 2 tuần.
- Vắc xin có thể gây ra các phản ứng phụ nhẹ cho trẻ, như mẩn đỏ, sưng tấy nơi tiêm và sẽ biến mất trong vài ngày.
- Trẻ có cơ địa nhạy cảm, có tiền sử hoặc nguy cơ dị ứng với thành phần của vắc xin cần được thử nghiệm trước khi tiêm, theo dõi cẩn thận trước và sau tiêm. Điều này giúp trẻ giảm nguy cơ phản ứng dị ứng hoặc phản ứng sốc phản vệ nguy hiểm sau tiêm.
Để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời, ba mẹ cần hiểu rõ lịch và các loại vắc xin cần thiết cho trẻ nhỏ, tránh bỏ sót hoặc tiêm quá muộn. Hy vọng những gợi ý từ Mytour sẽ giúp ba mẹ có được thông tin cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con yêu.
Ngọc Hà tổng hợp từ sách 'Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng' của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo