Trong ngành truyền thông - giải trí, những người tạo nội dung hiểu rõ một nguyên tắc quan trọng: chỉ có một phần nhỏ nghệ sĩ có thể thu hút được sự chú ý lớn từ công chúng. Nhà kinh tế học Vilfredo Pareto gọi đó là quy luật 80-20, nghĩa là 20% thiểu số chiếm 80% tài nguyên, còn 80% còn lại chỉ chiếm 20%.
Trong khi thế giới Internet đang ngập tràn sản phẩm, mọi người lại cảm thấy ngột ngạt, không biết chọn gì để nghe, hoặc ngại và lười thử những điều mới. Họ thường quay lại với những bài hát quen thuộc trong vùng an toàn của mình. Và những điều chưa phổ biến sẽ không có cơ hội trở nên phổ biến.
Các kênh truyền thông giúp nhạc mới tiếp cận người nghe cũng đang thay đổi nhanh chóng. Các chương trình âm nhạc trên truyền hình ngày nay đã không còn được quan tâm nhiều, và sức ảnh hưởng của chúng lên sở thích của công chúng cũng giảm đi đáng kể.
Báo chí về âm nhạc cũng đang từ từ bị lãng quên, chuyển từ báo giấy sang báo mạng. Tuy nhiên, các trang web cũng đang gặp khó khăn. Ví dụ, trang web âm nhạc Pitchfork - trước đây được biết đến với việc định hình và phê bình âm nhạc trực tuyến - đã bị Tập đoàn truyền thông Conde Nast mua lại vài năm trước, và phải sa thải một số nhà bình luận âm nhạc, trước khi được sáp nhập vào tạp chí GQ dành cho nam giới.
Khi những nhân vật có sức ảnh hưởng không còn đủ sức để thu hút khán giả, sẽ có những kênh khác nổi lên. Một trong những kênh đó là phim truyền hình - đã giúp nhiều bài hát 'đời đầu' trở lại thống trị bảng xếp hạng, đặc biệt là Running Up That Hill của Kate Bush, một ca khúc pop gần 40 tuổi đã trở thành 'bài hát quốc dân' của mùa hè 2022 sau khi bộ phim Stranger Things phát sóng trên Netflix sử dụng bài hát này trong một cảnh cao trào. Có thể thấy người chọn nhạc cho phim truyền hình ngày nay có sức ảnh hưởng lớn hơn cả truyền thông, báo chí và các đài phát thanh truyền thống.
Không thể không nhắc đến TikTok - nơi tạo điều kiện thành công cho nhiều nghệ sĩ cả cũ (Nelly Futado hoặc George Michael) và mới (Doja Cat và Sam Fender). Mỗi tuần, thuật toán của TikTok dường như tạo ra một loạt cơn sốt âm nhạc mới - được người dùng sử dụng làm nhạc nền cho video ngắn của họ.
Cơn sốt đến nhanh và đi cũng nhanh, thậm chí chỉ kéo dài chưa đầy 1 tuần, nhưng đủ để đưa các bài hát này lên bảng xếp hạng Billboard, đồng thời tạo ra thành công cho một thế hệ 'Nghệ sĩ TikTok' mới như Gayle hoặc Lil Nas X.
Đi kèm với TikTok là các danh sách phát 'nhạc chọn lọc' được hàng triệu người dùng tin tưởng trên Spotify như Today's Top Hits, RapCaviar, Viva Latino. Đối với các nghệ sĩ, xuất hiện trên các danh sách phát này cũng là cơ hội quan trọng tương đương với việc xuất hiện trên truyền hình vài chục năm trước.
Tuy nhiên, không ai biết chắc chắn những người đứng sau các danh sách phát này là ai, có thể là các chuyên gia âm nhạc độc lập, một số nhân viên của Spotify, hoặc chỉ đơn giản là một thuật toán máy móc?
Xu hướng tiêu thụ dựa trên thuật toán ngày nay đang gây nhiều lo ngại trong giới chuyên môn, theo cây bút Kyle Chayka của tờ The New Yorker. 'Những gì chúng ta thấy và tiêu thụ ngày nay không còn thực sự là sự lựa chọn của chúng ta nữa'.
'Tương tác trở thành phép màu: Những thứ được cho là hấp dẫn sẽ ngày càng thu hút nhiều người hơn, trong khi những thứ không thu hút sự chú ý sẽ nhanh chóng bị lãng quên' - Chayka viết.
Trong bối cảnh này, nghệ sĩ không chỉ cần tập trung vào việc sáng tạo mà còn phải biết cách quảng cáo, xây dựng hình ảnh cá nhân để tiếp cận khán giả. Những nghệ sĩ độc lập phải cố gắng nhiều hơn gấp trăm lần để có cơ hội trong trò chơi không dễ dàng này của thuật toán.