Dưới đây là những gợi ý của tôi để giúp bạn vượt qua nỗi sợ thuyết trình. Đây là những mẹo nhỏ, phù hợp đối với học sinh và đặc biệt là sinh viên. Những gợi ý này sẽ giúp bạn tạo động lực và phát triển kỹ năng trong quá trình hoàn thiện bản thân.
1. Tạo Liên Kết Cảm Xúc với Khán Giả.
Đừng nói vào chủ đề ngay lập tức hoặc nói nhanh những câu như “Xin chào các bạn, hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về...”. Những lời chào thông thường này thường khiến người nghe cảm thấy nhàm chán hoặc thấy dư thừa.
Hãy thử thay đổi bằng cách “tạo liên kết cảm xúc” với khán giả, sử dụng câu hỏi đơn giản như “Có ai ủng hộ ý kiến này không?” để kích thích sự tham gia của khán giả. Hoặc bạn có thể nâng tông giọng, thêm phần hài hước và sự hấp dẫn vào phần mở đầu để thu hút sự chú ý của họ.
Ví dụ:
“Để bắt đầu buổi thuyết trình hôm nay, nhóm chúng tôi muốn đề xuất một trò chơi với phần thưởng...”
2. Kiểm soát Tốc Độ, Hơi Thở và Âm Lượng Khi Nói.
Các sai lầm thường gặp khi thuyết trình bao gồm: nói quá nhanh khi cảm thấy hồi hộp, nói quá to khi phấn khích, hoặc bị giật mình nhiều lần khi lo lắng, sợ hãi, hay thiếu tự tin.
Hãy tập trung vào việc hít thở đều, đặt tay lên ngực và cảm thấy nhịp đập của trái tim để làm dịu bản thân. Chuẩn bị tư duy trước khi bắt đầu nói. Một tốc độ nói vừa phải sẽ làm cho bạn và khán giả cảm thấy thoải mái hơn và tránh được tình trạng hụt hơi giữa lúc nói.
3. Sử Dụng Ngôn Ngữ Cơ Thể Một Cách Hiệu Quả.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một phần quan trọng trong kỹ năng thuyết trình, nhưng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả vẫn là một thách thức. Cần phải tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách chính xác và linh hoạt để giao tiếp hiệu quả.
Đứng yên một chỗ có thể khiến buổi thuyết trình trở nên nhàm chán và đơn điệu, nhưng sử dụng ngôn ngữ cơ thể quá mãnh liệt có thể làm cho khán giả cảm thấy chóng mặt do quá nhiều cử chỉ. Trước khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể, hãy hiểu rõ nội dung bạn đang trình bày, sau đó sử dụng cử chỉ kèm theo lời nói để tạo sự hòa hợp giữa 'nói và động', giúp buổi thuyết trình không bị 'sượng trân' giữa chừng.
4. Sử dụng câu chuyện để thu hút người nghe.
Thay vì chỉ trình bày lý thuyết trong buổi thuyết trình, hãy kể câu chuyện thực tế để làm cho khán giả cảm thấy tò mò hơn khi nghe.
Ví dụ:
Mình từng có một bài thuyết trình về việc chỉ trích cá nhân trong môn Giáo dục cảm xúc ở trường Đại học. Thấy rằng các bạn trong lớp không chú ý nghe mình và chỉ quan tâm đến điện thoại hoặc nói chuyện, mình cảm thấy rất không thoải mái và cảm thấy công sức bỏ ra là vô ích. Khi nói đến việc ba mẹ chỉ trích con cái hoặc cấm đoán con cái, mình đã kể một câu chuyện thực tế xảy ra trong gia đình một người bạn thân và kỳ lạ thay, các bạn trong lớp bắt đầu chú ý và tò mò về câu chuyện mình kể.
Cách kể chuyện không chỉ làm cho buổi thuyết trình thêm hấp dẫn mà còn giúp người nghe đồng cảm, đồng thời giữ sự tập trung của họ không bị lạc đi vào những vấn đề khác.
5. Kết thúc để lại ấn tượng sâu sắc.
Bắt đầu mạnh mẽ, thú vị và lôi cuốn. Gợi sự tò mò của khán giả. Nội dung chính chứa đựng những thông điệp sâu sắc, mới lạ, và đi kèm các câu chuyện thực tế để gây đồng cảm với khán giả. Nhưng khi kết thúc, lại 'nhạt nhẽo', đột ngột, chỉ là 'Đây là kết thúc bài thuyết trình của tôi, cảm ơn mọi người đã lắng nghe'... Khán giả sẽ cảm thấy thất vọng và bất mãn, với nhiều câu hỏi trong đầu như 'Hết rồi à?', 'Sao kết thúc một cách tẻ nhạt như vậy?', 'Có lẽ không đủ thuyết phục?'...
Do đó, việc kết thúc nên có những lời kêu gọi, những lời chào tạm biệt hoặc một bài học cụ thể có ích cho cuộc sống. Bạn có thể đề xuất một trò chơi nhỏ hoặc chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề, kết hợp với việc tóm tắt lại nội dung để khán giả không thể quên được điều bạn muốn truyền đạt.