Năng động – Đa dạng – Độc đáo.
'Năng động'
'Đa dạng'
'Độc đáo'
Đối với tôi, bên cạnh phong cách thời trang, sự đa dạng còn giúp cuộc sống không nhàm chán, tạo ra năng lượng tích cực và không gian để tôi học hỏi từ những người xung quanh.
Xuất phát điểm của tôi là người mẫu ảnh, lúc đó, tôi chưa có ý định trở thành fashionista. Công việc làm người mẫu ảnh mang đến cho tôi nhiều cơ hội thử sức với nhiều phong cách khác nhau. Mỗi lần thử nghiệm, tôi hiểu rõ bản thân, sở thích và phong cách thời trang hơn.
Tôi là người thay đổi phong cách nhanh chóng, nhưng quan điểm về thời trang vẫn không đổi: Mặc những gì tôi thích. Trang phục là ngôn ngữ thể hiện cá tính của người mặc. Nữ tính hoặc cá tính đến mức khác biệt đều được, miễn là bạn tự tin và thoải mái.
Nếu vì muốn thu hút sự chú ý từ mọi người ngay từ đầu, tôi có thể lựa chọn phong cách ngọt ngào và tươi sáng. Nhưng đó không phải là tôi, và tôi biết rằng tôi không thể làm vậy mãi. Vì vậy, tôi quyết định giữ vững cá tính ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, một quan điểm quan trọng khác của tôi là không chấp nhận việc ăn mặc phản cảm. Phù hợp với tình huống và địa điểm là cách để thể hiện sự tinh tế của bản thân.
Ngoại hình có phải là yếu tố hàng đầu để trở thành fashionista?
Tôi nghĩ mỗi người sẽ có quan điểm riêng về vấn đề này, nhưng tôi không đánh giá cao về ngoại hình. Khi tham dự các Tuần lễ thời trang, tôi nhận thấy chỉ vài người có ngoại hình thực sự xuất sắc, còn lại mọi người đều sở hữu vẻ ngoài trung bình, thậm chí không mấy nổi bật. Tuy nhiên, điểm chung của họ là hiểu rõ bản sắc cá nhân và am hiểu sâu sắc về thời trang nói chung và về thương hiệu mình đang mặc nói riêng, bao gồm lịch sử, thông điệp, giá trị cốt lõi...
Do đó, gần như mỗi ngày, tôi luôn dành thời gian để tự mình nâng cao kiến thức thời trang, có thể là về xu hướng, cũng như câu chuyện của các thương hiệu và cách họ sử dụng trang phục để thể hiện bản thân.
Thế mạnh nào ở bản thân giúp tôi có thể thành công trong công việc này?
Tôi là người thích suy nghĩ và luôn cần phải 'bóc tách' những ý tưởng hay để giải quyết vấn đề cho chính mình. Vì vậy, tôi đề cao việc ghi chép mọi thứ vào sổ. Dù có vẻ cứng nhắc nhưng việc ghi chép không chỉ giúp tôi hệ thống lại suy nghĩ và ý tưởng trong đầu mà còn giúp tôi ghi nhớ tốt hơn.
Từ bên ngoài có vẻ như việc cập nhật thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội của tôi khá đơn giản, thậm chí có phần nhàn nhã, tuỳ hứng. Tuy nhiên, thực tế là cảm hứng chỉ chiếm 30%. Đôi khi tôi 'không có cảm hứng' nhưng vẫn phải ép bản thân ngồi xuống, mở máy, tìm kiếm và viết ra giấy, sau đó lên danh sách cho kế hoạch này, dự định kia. Những hành động chủ động này giúp tôi nảy sinh cảm hứng làm việc.
Để có thể cập nhật hình ảnh hàng ngày trên Facebook, Instagram hoặc thực hiện các video trên YouTube, cảm hứng không phải lúc nào cũng dễ dàng có được. Tôi thường dành một tuần để lên kế hoạch và chủ đề. Sau đó, tôi dành một ngày ngồi trước máy tính, viết nội dung kịch bản. Cuối cùng, tôi dành một vài tiếng tập luyện trước gương để chuẩn bị cho việc quay hình.
Những điều tôi thích nhất khi làm fashionista là gì?
Đó là cơ hội được tham gia các sự kiện thời trang toàn cầu, giao lưu và học hỏi thực tế. Có thể ngồi cạnh những người có ảnh hưởng toàn cầu, lắng nghe họ chia sẻ về thế giới thời trang là những trải nghiệm đáng giá.
Hơn thế, là cảm giác tự hào và vui sướng khi được giới thiệu đến từ Việt Nam và nhận được sự khen ngợi về các bộ trang phục của các nhà thiết kế Việt. Đó có thể không quan trọng với mọi người, nhưng đối với tôi, đó là một thành công.
Còn thách thức khi làm fashionista là gì?
Do thị trường thời trang Việt Nam vẫn còn nhỏ, số lượng các thương hiệu thời trang và sự đa dạng trong phong cách cho fashionista vẫn hạn chế. Tôi thường phải bay ra nước ngoài để mua đồ 'secondhand' hoặc đặt mua từ các cửa hàng nước ngoài.
Ngoài ra, vì fashionista ở Việt Nam còn mới mẻ, và người Việt thích ăn mặc kín đáo nên các phong cách cá nhân sẽ khó được chấp nhận. So với các nước đã quen với fashionista, chúng ta tiến bộ chậm hơn.
Thu nhập của fashionista đến từ đâu?
Thực ra, thu nhập chính của tôi không đến từ vai trò fashionista hoặc tham gia Tuần lễ thời trang. Tôi làm fashionista vì đam mê thời trang. Nhưng với vị trí hiện tại, tôi có thể kiếm tiền từ việc làm đại diện cho thương hiệu hoặc quảng cáo cho nhãn hàng. Ngoài ra, tôi còn kinh doanh một thương hiệu son cho học sinh và sinh viên.
Đó là những chia sẻ về công việc fashionista của tôi. Các bạn thấy công việc của tôi thú vị không? Nếu bạn có đam mê, hãy thử sức đi, thành công sẽ đến với những người cố gắng. Chúc các bạn thành công!
Tác giả: Kỳ Thơ