Ở phần 1, chúng ta đã giải đáp câu hỏi: Tại sao người viết cần ghi chú? Vậy ở phần 2 và 3, mình sẽ cùng bạn trả lời câu hỏi: Ghi chú như thế nào?
Mọi hệ thống ghi chú đều có 2 thành phần chính: Bãi tập kết ý tưởng và Nhà máy chế biến ý tưởng. Hiểu được cách 2 thành phần này tương tác với nhau và nguyên tắc thiết kế từng thành phần, bạn sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu ghi chú hiệu quả và viết bền vững.
Phần 1: Bãi tập kết ý tưởng
1 bạn đọc của mình đã sử dụng một hình ảnh rất tốt để miêu tả việc ghi chú. Chị ấy nói ghi chú giống như việc gieo mầm ý tưởng. Chúng ta sẽ không thấy được kết quả ngay lập tức của một hạt giống nếu không cung cấp cho nó ánh sáng, dinh dưỡng và thời gian cần thiết để nó nảy mầm.
Nguồn ảnh từ: Google
Trong thế giới của người viết đặc biệt, và thế giới sáng tạo chung, ánh sáng và dinh dưỡng cho một “khu vườn ý tưởng” đại diện cho một khái niệm mình gọi là “Lần nhìn thứ hai” (A second look).
Nếu “lần nhìn đầu tiên” là tình yêu sét đánh với một ý tưởng, lúc đầu gặp gỡ là có thể ngồi xuống viết 5,000 từ chứa đựng cảm xúc. Thì “lần nhìn thứ hai” là tình yêu kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Không mãnh liệt như “lần nhìn đầu tiên”, nhưng càng nhìn càng thấy yêu.
Mỗi ngày bạn cần ghi lại vài điểm đáng yêu của nàng, rồi viết thêm cho nàng một chút. Cho đến một ngày, bạn nhận ra đây mới là chân ái, thì bức thư tình viết cho nàng đã dài 20,000 chữ rồi. Nếu có 10 ý tưởng đi qua đầu chúng ta trong một tuần, có lẽ, bạn sẽ bắt gặp “lần nhìn đầu tiên” với một trong số đó. Một hạt giống nảy mầm. Một bài viết được xuất bản. Nhưng nếu bạn kiên trì chăm sóc khu vườn của mình, cho 9 hạt giống còn lại ánh sáng và những dinh dưỡng cần thiết, thì khả năng cao là 8 trên 9 cũng sẽ nảy mầm thôi.
Cho một ý tưởng “lần nhìn thứ hai” ở đây, có nghĩ là không bỏ rơi một ý tưởng, chỉ vì lần đầu hẹn hò bạn và nàng đi đến một nhà hàng dở. Chỉ đơn giản là nàng chưa sẵn sàng, hoặc bạn chưa sẵn sàng thôi. Hãy cho mọi ý tưởng một lần nhìn thứ hai - một cơ hội để xuất hiện lại trong cuộc đời của bạn.
Trừ trường hợp BẤT KHẢ KHÁNG, không bao giờ take note vào 2 bãi tập kết khác nhau! Càng có nhiều bãi tập kết, bạn càng mất năng lượng nhớ xem cái note này để ở bãi nào. Bãi tập kết có thể lộn xộn, nhưng chỉ được có một bãi duy nhất! Điều kiện này cũng có nghĩa là, nếu 1 app chỉ có trên máy tính hoặc điện thoại và không sync được với nhau, thì đó không phải là app thích hợp cho việc tập kết.
Nếu bạn dùng sổ tay, việc mở sổ tay ra và lấy bút có nhanh không? Nếu bạn dùng 1 app trên điện thoại, app mất bao lâu để khởi động? Bạn mất bao nhiêu thời gian để tạo 1 note mới khi app đã khởi động xong? So với các app khác thì sao? 3 câu hỏi cuối nghe có vẻ quá cụ thể, nhưng đây thực sự là những câu hỏi mình trả lời để chọn Messenger thay vì Notion làm bãi tập kết của mình.
Với mục tiêu “bắt” thật nhanh 1 nguồn cảm hứng vừa đến, ví dụ từ 1 câu nói rất hay trong podcast, việc mở app Notion, đợi nó load, rồi vào trang take notes mất quá nhiều thời gian. Đến lúc mọi thứ đã sẵn sàng thì có khi 1 nguồn cảm hứng mới đã ập đến rồi. Vì vậy, mình chọn Messenger vì tốc độ load. (Hướng dẫn sử dụng: Gửi tất cả note cho chính mình.)
Hãy bắt đầu với hình ảnh này:
Mình tin rằng mình không phải người đầu tiên viết về ghi chú bằng tiếng Việt (vì mình chơi với 2 quái thú trong bộ môn này ở Việt Nam: Tuấn Mon và Bùi Hoàng Long). Và mình cũng đồ rằng nếu bạn đã đọc đến đây, chắc bạn đã từng hoặc đang sử dụng 1 app nào đấy để take note rồi.
Nên mình chỉ ở đây để nói 1 điều: 1 công cụ chỉ hữu ích khi bạn thực sự sử dụng nó. Trên điện thoại bạn có nhiều app take note hay và đẹp đấy, nhưng câu hỏi là: “Bạn có thực sự dùng chúng không?” Lý do mình dùng Messenger để tập kết ý tưởng là vì kể cả không take note, mình cũng đã có thói quen sử dụng Messenger hàng ngày rồi. Thay vì phải xây dựng thêm 1 thói quen check 1 app riêng chỉ dành cho việc tập kết ý tưởng, mình tận dụng được thói quen check Messenger để nhắc nhở mình phải cho những hạt giống ý tưởng này “lần nhìn thứ hai”.
James Clear gọi đây là “Gộp thói quen” (Temptation Bundling) - kết hợp 2 hoặc nhiều hành động trong 1 thói quen để tiết kiệm trí lực. Bằng cách “gộp thói quen”, bạn có thể gia tăng đáng kể số lượng “cơ hội thứ hai” được trao đi. Đồng nghĩa với việc nâng cao khả năng nảy mầm của mọi ý tưởng bạn có.