Đầu năm học này, mọi người đang rất quan tâm đến các vấn đề trong giáo dục như sách giáo khoa, chương trình GDPT 2018, kiểm tra miệng, và học thêm online. Tuy nhiên, mình muốn đề cập đến việc thu nhập của giáo viên và cách mọi người tranh luận về giáo dục.
1. Thu Nhập của Giáo Viên
Một vấn đề mà ai cũng nhận thấy ngay là thu nhập của giáo viên ở Việt Nam thấp. Nhiều người tin rằng tăng lương sẽ nâng cao chất lượng giáo dục và kết quả học tập. Thu nhập cao có thể tạo động lực cho giáo viên, trong khi thu nhập thấp có thể buộc họ phải kiếm thêm để sống, làm mất tâm huyết trong công việc.
Tình hình thu nhập của giáo viên cũng đang gây tranh cãi ở Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Gần đây, 66% giáo viên ở Mỹ cho biết họ không đủ lương so với người trưởng thành đi làm. Đình công của giáo viên đã diễn ra khắp nước và đã có đề xuất tăng lương giáo viên lên 13.500 USD- hoặc hơn 20%. Tăng lương giáo viên đã giảm tỷ lệ thôi việc và tăng sự tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, mọi vấn đề không đơn giản như vậy.
2. Tăng lương không thúc đẩy nỗ lực lâu dài
Mức lương cao có thể làm nghề giáo viên trở nên hấp dẫn hơn và giảm bớt nhu cầu làm thêm việc. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu mức lương có tạo động lực và sự hài lòng trong công việc dài hạn cho giáo viên hay không. Có nhiều ví dụ thực tế cho thấy tác động của tăng lương có thể chỉ là tạm thời và mất đi trong thời gian dài.
Indonesia từng tiến hành một thử nghiệm chính sách để làm sáng tỏ việc tăng lương ảnh hưởng đến nỗ lực của giáo viên như thế nào. Kết quả chỉ ra rằng tuy ban đầu tăng lương giúp giáo viên hạnh phúc hơn và ít cần làm thêm việc, nhưng hiệu ứng này dần biến mất trong thời gian dài.
Ở Uruguay, việc tăng lương giáo viên không có tác động gì đến việc học tập của học sinh. Các nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng tăng lương không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở các quốc gia khác như Gambia và Zambia.
Mức lương của giáo viên thường được xác định bởi kinh nghiệm, trình độ học vấn và kỹ năng giảng dạy, thay vì hiệu suất. Vì vậy, việc tăng lương có thể ảnh hưởng đến tất cả giáo viên mà không phụ thuộc vào hiệu suất của họ. Điều này chỉ ra rằng có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh ngoài chất lượng giáo viên.
3. Cần thực hiện các cải cách ngoài việc chỉ tăng lương
Mình bắt đầu tìm kiếm giải pháp ở các quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách giáo dục và nhận ra rằng để đạt được mục tiêu này, cần kết hợp việc tăng lương với các cải cách quan trọng khác.
Phần Lan và Singapore là hai quốc gia nổi tiếng với thành tựu cao trong các kỳ thi quốc tế và đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho việc nhập học vào ngành sư phạm. Ở Phần Lan, chỉ có khoảng 10% sinh viên đăng ký làm giáo viên tiểu học được chấp nhận, nghĩa là chỉ có 1 người được chấp nhận trong mỗi 10 người đăng ký. Do đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai để cải thiện chất lượng đào tạo giáo viên nhằm thu hút những sinh viên xuất sắc từ trình độ học thuật đến kỹ năng giảng dạy.
Nguồn ảnh: pinterest
Đối với Singapore, mình đã nói chuyện với đồng nghiệp ở đó trong công ty thay vì dành hàng giờ để nghiên cứu bài báo. Singapore đã giới thiệu Mô hình Giáo dục Giáo viên cho Thế kỷ 21 (Teacher Education Model, TE21) vào năm 2009 nhằm đề xuất một bộ kỹ năng thế kỷ 21 mà giáo viên Singapore cần được trang bị. Mô hình này đã là động lực cho việc cải cách giáo dục hiện có và triển khai các sáng kiến mới trong đào tạo giáo viên để hướng đến sự phát triển chuyên môn liên tục (nghe có vẻ giống với việc học suốt đời). Mình đặc biệt nhận thấy rằng Singapore đã sử dụng nhiều đề xuất từ các tài liệu quốc tế để thiết kế một hệ thống giáo dục đặc biệt cho riêng mình, giúp giáo viên và học sinh phần lớn hài lòng với các cải cách mà TE21 mang lại.
Phần Lan và Singapore đã có những cải cách đáng ngưỡng mộ từ bên trong. Nhưng đối với các quốc gia có thu nhập thấp, thì sao? Kenya, một quốc gia tại Đông Phi nơi có bờ biển giáp với Ấn Độ Dương, mặc dù thu nhập trung bình ở đây không cao nhưng lại thu hút nhiều vốn đầu tư từ các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ. Năm 2012, Kenya đã triển khai Sáng kiến PRIMR bao gồm hai chương trình nghiên cứu riêng biệt (do USAID và DFID tài trợ). Và quốc gia này đã thấy sự tiến bộ trong việc học tập của học sinh thông qua sáng kiến này được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, tập trung vào phát triển chuyên môn của giáo viên thông qua các chương trình đào tạo và sách hướng dẫn.
Từ những câu chuyện của Phần Lan, Singapore cho đến Kenya, ta có thể thấy việc tăng lương giáo viên là bước quan trọng để thu hút và giữ lại những giáo viên chất lượng trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, cần xem xét mức lương như một phần của chiến lược tổng thể và kết hợp với các biện pháp khác như cơ hội phát triển nghề nghiệp và điều kiện làm việc tiến bộ (như cơ sở vật chất trường học, chính sách hỗ trợ,...).
4. Hành động của chúng ta
Chúng ta phải đồng ý rằng hầu hết các nghiên cứu xác nhận điều mà tất cả các phụ huynh đều biết: Giáo viên là nhân tố then chốt tạo nên chất lượng học tập trong nhà trường. Một giáo viên chất lượng quan trọng hơn nhiều so với việc giảm quy mô lớp học. Và muốn có học sinh hạnh phúc thì trước hết giáo viên phải hạnh phúc, chứ không phải ngược lại.
Nguồn ảnh: pinterest
a. Sự tôn trọng và sự thấu hiểu
VTV, báo chí, mạng xã hội thường đề cập đến các vấn đề giáo dục dưới dạng các bản tin xu hướng, nhưng thường thiếu đi các hành động tích cực hoặc ý thức cần được khuyến khích. Vì thế, khi mọi người đọc và lắng nghe, thường có xu hướng nảy sinh ra các quan điểm để phân tích, thảo luận và làm nóng vấn đề. Liệu điều này có tính tiêu cực không?
Đúng vậy, vì phần lớn các mạng xã hội và thông tin đang làm suy giảm giá trị của giáo dục trong nước. Thông qua mạng xã hội, các em nhỏ, học sinh khi biết đến vấn đề giáo viên nhận lương thấp, phụ huynh can thiệp vào đánh giá, phản đối, chỉ trích Bộ Giáo dục thì càng nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này và không ai dám chắc rằng các em sẽ không có những suy nghĩ sai lầm.
Do đó, để giáo dục được trở lại bản chất và được tôn trọng, để tiếp tục và phát triển các giá trị truyền thống về thầy cô, con chữ. Chúng ta cần có sự thấu hiểu, tôn trọng và đồng cảm với giáo viên nhiều hơn - ý thức này mới là điều then chốt mà tất cả mọi người cần thực hiện thay đổi từ cuộc sống hàng ngày đến mạng xã hội. Nếu điều này không được cải thiện, thì Việt Nam đang đi ngược lại với phần lớn nguyên tắc tranh luận và ý thức giáo dục của các quốc gia khác - phụ huynh và giáo viên cần là những người đồng hành trong quá trình giáo dục các em. Hãy hạn chế các bình luận chỉ trích, phàn nàn hoặc đánh giá về các vấn đề giáo dục trên mạng xã hội và trước mặt các em, các bạn học sinh từ cấp 2 đến cấp 3. Và các bậc cha mẹ ơi, hãy chắc chắn rằng luôn ủng hộ, đồng hành cùng các thầy cô giáo của con em trong từng bước trong những năm học của các em, khuyến khích học sinh cố gắng tiến bộ, cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh để đạt được thành tích cao trong quá trình học tập.
b. Thảo luận tích cực
Mình đã từng viết rằng, quan điểm về cuộc sống và khía cạnh tích cực của sự tự do ngôn luận vẫn còn nhiều điều hữu ích. Mỗi con người một ý kiến, học hỏi lẫn nhau là cách phát triển tốt nhất. Không nhiều người nhận ra được rằng: hành vi thảo luận tích cực là quá trình hình thành tư duy phản biện hạnh phúc. Điều này cũng là cách khích lệ con người cùng thảo luận, hay trình bày với tâm thế động viên nhau để tiến lên trong nhận thức và nâng cao chất lượng suy nghĩ trong thế giới quan.
Trái đất đang phản ứng lại với sự phát triển bùng nổ về dân số, rác thải, ô nhiễm khói bụi. Thế giới của chúng ta đang có nhiều nguồn thông tin hơn với xu hướng nội dung ngắn trên Tiktok, Facebook cho đến trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, tư duy phản biện cũng là một trong những kỹ năng sống quý giá nhất mà chúng ta nên sở hữu và không bao giờ là quá muộn để học. Những người có khả năng thảo luận tích cực cũng như tư duy phản biện sẽ giải quyết mọi vấn đề tốt hơn và định hình các giá trị và thái độ của bản thân thông qua các quá trình cân nhắc, thảo luận và thuyết phục trên mạng xã hội và ngoài đời.
Cảm ơn các anh chị, bạn bè đã đọc đến cuối giữa vô số lựa chọn và bộn bề ngoài kia. Bài viết này được mình chắp bút sau hàng chục bài viết tin tức, nghiên cứu và hàng giờ lập luận, phân tích. Vậy nên mình rất vui nếu nhận được nhận xét, thảo luận, hoặc sự ủng hộ trong phần bình luận hoặc tin nhắn.