Nghề dịch thuật, đặc biệt là đối với những bạn làm tự do, có thể coi như là một nghề “đầy thách thức”. Đối tác rất đa dạng, và lĩnh vực dịch cũng rất đa dạng. Ngoài việc nâng cao kỹ năng ngoại ngữ mà bạn đang theo đuổi, bạn cũng cần phải rèn luyện thêm một số tư duy và kỹ năng khác để có thể thích ứng với công việc và đạt được thành công trong sự nghiệp.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm dịch giả cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như làm freelancer, tôi đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người thành công trong lĩnh vực này. Tóm lại, họ có những đặc điểm sau đây.
Người dịch cần phải cẩn thận
Một bản dịch mà dịch giả đầu tư thời gian và công sức sẽ khác biệt hoàn toàn so với một bản dịch chỉ làm cho xong. Mặc dù nhiều đối tác không thể kiểm tra được ngôn ngữ gốc để đánh giá xem dịch giả có chuyển ngữ chính xác hay không, nhưng họ vẫn có thể đánh giá được tính rõ ràng của câu chữ, tính dễ hiểu của văn bản, phong cách văn hóa có phù hợp không; khi đọc, họ có cảm thấy mạch lạc không, toàn bộ văn bản có logic không, có điểm nào mâu thuẫn hoặc gây hiểu lầm không.
Việc dịch một văn bản đòi hỏi kiến thức chuyên môn như sách trắng, pháp lý, y học, phẫu thuật đòi hỏi dịch giả phải sử dụng từ ngữ rất rõ ràng. Còn tản văn hoặc sách tự giúp sẽ cho thấy rõ dịch giả có kiến thức hoặc có đọc các tác phẩm cùng thể loại không. Vì loại văn bản này đòi hỏi khả năng lựa chọn từ ngữ của dịch giả rất cao. Phải dịch sao cho vẫn truyền tải được thông điệp của tác giả mà không chỉ đơn giản là dịch từ ngữ mà vẫn giữ được sự phong phú và đa dạng. Đây chưa kể đến việc một số tác giả lớn với kiến thức uyên bác, họ thường sử dụng rất nhiều lối nói ẩn dụ, phép ẩn dụ... làm cho một dịch giả thiếu kinh nghiệm không thể hoàn thành bản dịch một cách xuất sắc.
Nếu tác giả phải chỉnh sửa vài chục lần mới có thể đưa bản thảo cho nhà xuất bản thì người biên dịch có thể phải dùng gấp đôi thời gian ấy để khiến bản dịch của mình hoàn chỉnh.
Người có tư duy: tôi được trả tiền để học
Đối với một người làm tự do như tôi, mỗi lần nhận một job là một cơ hội để học hỏi thêm kiến thức mới. Không lần nào, nội dung của một ca phiên dịch giống nhau hoàn toàn. Có thể các job cùng chủ đề sẽ sử dụng lại những nhóm từ vựng tương tự nhau nhưng yêu cầu của khách hàng, nội dung truyền tải là hoàn toàn khác nhau. Lĩnh vực mà một phiên dịch tự do tham gia cũng rất đa dạng từ thương mại, kinh tế, du lịch, đào tạo đến kết hôn, tranh chấp tài sản, nấu ăn...đa dạng đến mức đủ cho tất cả. Trong các cuộc gặp gỡ với đối tác, đôi khi còn phải dịch cả thơ, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao…Cách tốt nhất để các dịch giả có thể vượt qua thử thách là học và học hỏi không ngừng. Nghề “làm dâu trăm họ” này thật là một cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn và thú vị. Biên dịch viên nào trang bị cho mình tâm thế “tôi sẵn sàng học bất cứ lúc nào” sẽ dễ tìm thấy đam mê hơn và sẵn sàng bỏ công sức ra để theo đuổi lâu dài.
Trái ngược với phiên dịch, biên dịch yêu cầu sự đầu tư lâu dài của người dịch. Đôi khi để chọn từ phù hợp nhất để làm nổi bật thông điệp của một đoạn văn, dịch giả phải dùng đến sự sáng tạo trong vài ngày, thậm chí vài tuần. Nói rằng biên dịch viên là nghệ sĩ của từ ngữ chẳng phải là sai. Ngoài việc hiểu biết văn hóa, kiến thức chung, họ còn phải dịch sao cho phù hợp với “giọng điệu” của tác giả. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các dịch giả nổi tiếng của các tác phẩm kinh điển đều là những người ham đọc và ham học. Mỗi tác phẩm dịch ra đời không chỉ là một bản văn bản mà còn là một đứa con tinh thần thứ hai, thứ ba của họ. Đây là nơi mà dịch giả đã bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi, và thậm chí cả nước mắt!
Người cho đi nhiều hơn nhận lại
Khi mới ra trường và tham gia dịch triển lãm lần đầu tiên, tôi được học hỏi từ một đàn anh rất năng động trong ngành. Anh ấy không chỉ giỏi tiếng mà còn nhiệt tình chia sẻ địa chỉ các quán ăn Việt Nam ngon và sạch, giá cả phải chăng cho người nước ngoài. Anh ấy chia sẻ kinh nghiệm trả giá tại chợ Bến Thành, cách đi bộ trên đường lớn trong thành phố mà không gặp rủi ro. Anh ấy thậm chí còn mua những món quà lưu niệm nhỏ của Việt Nam để tặng khách hàng. Và hiển nhiên, đàn anh này đã được khách hàng đánh giá cao. Khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới. Điều đáng trân trọng là anh ấy vẫn giữ tinh thần và phong cách làm việc tích cực, cho đi nhiều hơn là nhận lại, đến tận bây giờ. Mặc dù sự nghiệp của anh ấy không nổi bật như nhiều đồng nghiệp khác nhưng anh ấy chưa bao giờ phải đối mặt với thất nghiệp hoặc phải đi xin việc ở nơi khác.
Bạn có đủ một hoặc cả ba điều đó không? Chúc mừng bạn! Nếu chưa, không sao cả. Thời điểm tốt nhất để trang bị cho bản thân là khi bắt đầu sự nghiệp biên phiên dịch. Thời điểm tốt thứ hai là NGAY BÂY GIỜ! Đừng cố gắng trở thành một biên dịch viên hay phiên dịch viên chuyên nghiệp ngay từ đầu. Công việc này không phải dành cho những người nóng vội hoặc mong muốn thành công ngay lập tức sau một đêm. Chỉ cần bạn cố gắng vượt qua bản thân hơn 1% mỗi ngày là được. Sau 30 ngày, 30 tuần và 30 tháng, bạn sẽ thấy mình đã tiến bộ bao nhiêu rồi đấy! Nào, hãy ngồi dậy và hành động ngay thôi!