Chào các bạn, hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn về cách quản lý tài chính mà mình đã rút ra được. Với tình trạng tài chính đang phụ thuộc, đặc biệt là trong độ tuổi của sinh viên, việc này thực sự không hề dễ dàng. Vậy thì việc này cần thiết không?
Hãy nhớ rằng tài chính có thể rất phức tạp, nhưng cũng rất quan trọng để tích luỹ giá trị cho bản thân. Hãy bắt đầu học cách quản lý ngay từ bây giờ! Cách chi tiêu ở tuổi 20 sẽ đặt nền móng cho bạn ở tuổi 30 – 40 và thậm chí cả sau này.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là ở tuổi sinh viên. Việc kiểm soát và lập kế hoạch chi tiêu sẽ là bước đầu tiên quan trọng để đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào.
1. TỔNG HỢP NGUỒN THU NHẬP HÀNG THÁNG ĐỂ KIỂM SOÁT TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Trước hết, bạn cần biết rõ tổng thu nhập hàng tháng của mình trước khi quyết định chi tiêu, để tránh tình trạng kiệt quệ mỗi cuối tháng. Đối với sinh viên, nguồn thu nhập có thể đến từ nhiều nguồn như sự hỗ trợ từ gia đình hoặc các công việc bán thời gian. Việc ghi chép cẩn thận trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết.
2. QUẢN LÝ CÁC KHOẢN CHI PHÍ
Đây là những khoản chi phí không thể tránh khỏi và thường ổn định, tuy nhiên, hiểu rõ tỷ lệ của chi phí cố định so với thu nhập sẽ giúp bạn dễ dàng lập kế hoạch cho các chi phí tiếp theo.
Tiếp theo là các chi phí biến đổi như vui chơi, mua sắm hoặc du lịch. Đây là lúc bạn nên xem xét kỹ lưỡng các chi phí mà bạn đã chi tiêu cho những điều không cần thiết và điều chỉnh hoặc cắt giảm chúng để thay đổi thói quen tiêu dùng của mình một cách hiệu quả.
3. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Một trong những phương pháp quản lý chi tiêu phổ biến và hiệu quả mà mình biết đến là phương pháp 6 chiếc lọ. Mỗi chiếc lọ đại diện cho một loại chi phí và được phân bổ một phần trăm trong tổng thu nhập của cá nhân, với các tỉ lệ như sau:
– Quỹ Nhu Cầu Cần Thiết – 55%: Bao gồm các chi phí cần thiết như tiền nhà, tiền điện nước hoặc giao thông.
– Quỹ tiết kiệm dài hạn – 10%: Dành cho những tình huống khẩn cấp như bệnh tật hay tai nạn.
– Quỹ thưởng thức – 10%: Tự thưởng cho bản thân sẽ là động lực lớn giúp bạn tận hưởng cuộc sống, nâng cao tinh thần và phát triển năng lực công việc.
– Quỹ học vấn – 10%: Dành cho việc học hành hoặc nâng cao kiến thức, cũng như trau dồi kỹ năng mềm và trao đổi thông tin.
– Quỹ từ thiện – 5%: Sử dụng để làm từ thiện, giúp đỡ gia đình và bạn bè. Khi ta cho đi, ta cũng nhận lại nhiều hơn.
– Quỹ tài chính – 10%: Dùng để tạo ra các nguồn thu nhập thụ động như đầu tư tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh đầu tư như chứng khoán hoặc bất động sản.
Nhiều bạn thường nghĩ rằng khi còn là sinh viên và tài chính còn phụ thuộc thì việc đầu tư là không thể. Nhưng trên thực tế, đầu tư không còn là điều xa xỉ, ngay cả với người trẻ vì tính linh hoạt và tiềm năng sinh lời. Chứng khoán, tiền điện tử và bất động sản đều là những lựa chọn đầu tư mà sinh viên có thể tìm hiểu và trải nghiệm.
Mặc dù có vẻ phức tạp nhưng phương pháp này thực sự hiệu quả và có thể mang lại nhiều kiến thức khi quản lý tài chính cá nhân.
Đó là những chia sẻ của mình về quản lý tài chính cá nhân, mong rằng bạn đọc sẽ thấy hữu ích và nhận được những thông điệp tích cực từ đó.