1. Một số biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là một số thay đổi của cơ thể về sức khỏe thể chất và tinh thần có thể kể đến như:
Đau bụng kinh là biểu hiện phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt
- Cơ thể có những biến đổi về sức khỏe:
+ Cảm giác đói và thèm ăn thường xuyên hơn bình thường.
+ Vùng ngực có thể căng và đau.
+ Cân nặng có thể tăng nhẹ.
+ Cảm giác đau: Đau đầu, đau lưng, đau bụng hoặc có thể cảm giác đau nhức toàn thân.
+ Bị chướng bụng.
+ Cảm thấy mệt mỏi và uể oải khắp cơ thể.
+ Xuất hiện vấn đề về da như mụn, trứng cá,...
+ Gặp phải các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,...
- Biến đổi tinh thần:
+ Trong giai đoạn này, phụ nữ thường cảm thấy nhạy cảm hơn, dễ bị lo lắng, cảm thấy bị xa lánh, dễ cáu kỉnh và giận dữ không lý do, thậm chí một số ít trường hợp có thể phát sinh tình trạng trầm cảm nhẹ trước khi đến kỳ kinh.
+ Dễ bị nhầm lẫn, hay quên, thiếu tập trung.
+ Mất ngủ vào ban đêm nhưng lại thích ngủ vào ban ngày hơn và thường có những giấc ngủ ngắn trong ngày.
+ Thay đổi trong ham muốn tình dục
Mất ngủ trước khi 'đèn đỏ' ghé thăm là dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt
Các triệu chứng này thường xuất hiện khoảng 1 đến 2 tuần trước 'ngày đèn đỏ'. Sau khi kinh nguyệt kết thúc, những biểu hiện này sẽ tự biến mất.
Đôi khi, các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt rất nhẹ và khó nhận biết rõ ràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn gặp phải nhiều vấn đề với hội chứng này, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc, bạn nên thăm các chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.
2. Những ai có nguy cơ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt?
Hầu hết phụ nữ đều trải qua hội chứng tiền kinh nguyệt, chỉ khác nhau về mức độ triệu chứng. Tuy nhiên, những trường hợp sau sẽ có nguy cơ cao hơn:
Phụ nữ từng trải qua trầm cảm có nguy cơ cao với PMS
- Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40.
- Chị em đã từng mang thai.
- Trường hợp phụ nữ đã từng trải qua trạng thái trầm cảm hoặc một số vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Lưu ý: Một số trường hợp mắc phải các bệnh liên quan đến tuyến giáp, trầm cảm, hội chứng ruột kích thích,... cũng có thể bị nhầm lẫn với hội chứng tiền kinh nguyệt do các triệu chứng khá giống nhau. Do đó, bạn nên theo dõi để phân biệt, nếu triệu chứng lặp đi lặp lại hàng tháng thì rất có thể đó là biểu hiện của PMS.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những thay đổi về sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ mỗi khi đến thời kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, sự biến đổi về nội tiết tố estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt được cho là yếu tố có liên quan mật thiết đến những triệu chứng này.
Bên cạnh đó, một số thay đổi về serotonin trong não và sự thiếu hụt vitamin cũng như một số dưỡng chất khác có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biểu hiện bất thường trước ngày “đèn đỏ”. Nếu ăn đồ ăn cay nóng, sử dụng chất kích thích,... trong thời gian này thì mức độ triệu chứng sẽ có thể nghiêm trọng hơn.
3. Các phương pháp giúp giảm nhẹ hội chứng tiền kinh nguyệt
Nếu các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt không quá nặng, bạn có thể điều trị bằng những cách đơn giản như thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
Ngược lại, nếu các triệu chứng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc quá nhiều, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc dựa vào từng triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Tập luyện thường xuyên là biện pháp hiệu quả để giảm nhẹ các triệu chứng trước khi đến kinh nguyệt.
- Thường xuyên vận động: Đây là một thói quen tốt, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, phòng chống bệnh tật. Tập thể dục cũng giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn, ngăn chặn nguy cơ trầm cảm,... Chỉ cần đều đặn tập luyện 30 phút mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được sự cải thiện rõ rệt về các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
- Duỵ trì chế độ ăn lành mạnh và khoa học: Nên ăn các loại carbohydrate phức hợp để cải thiện triệu chứng thèm ăn, bổ sung canxi và vitamin B. Hạn chế đồ uống như bia, rượu, cà phê, trà đen,... và giảm lượng chất béo, đường, muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Giảm căng thẳng bằng một số biện pháp như mát-xa, yoga, thiền, nghe nhạc, xem phim, đọc sách,... Đảm bảo ngủ đủ giấc và đúng giờ, duy trì thói quen dậy sớm. Gặp gỡ bạn bè cũng giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng các loại thuốc như Aspirin, Ibuprofen,... để giảm đau. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá mức.
Hi vọng những giải pháp trên giúp bạn giảm nhẹ hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến các triệu chứng có thể là dấu hiệu của một số bệnh phụ khoa và bệnh lý nguy hiểm khác. Để bảo vệ sức khỏe của mình, hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe phụ khoa.