1. Biểu hiện của dị ứng với các loại hạt
Một số loại hạt có thể kể đến như hạnh nhân, óc chó, hồ đào, hồ trăn, hạt điều, hạt macadamia, quả hạch brazil, hạt thông, hạt vải, hạt sồi,... Dị ứng với các loại hạt có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em. Nếu bị dị ứng với bất kỳ loại hạt nào, thậm chí chỉ cần ăn một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Mặc dù các loại hạt đều có lợi nhưng cũng có thể gây ra dị ứng
Một người có thể phản ứng dị ứng với nhiều loại hạt khác nhau. Do đó, khi gặp các triệu chứng dị ứng với một loại hạt nào đó, nên cẩn thận hoặc tốt nhất là tránh ăn những loại hạt khác.
Những biểu hiện của dị ứng với các loại hạt có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến:
Tình trạng phát ban, sưng tấy ở các bộ phận cơ thể: Đây là các biểu hiện nhẹ thường gặp ở những người bị dị ứng với hạt. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định sử dụng các loại thuốc chống dị ứng để giảm tình trạng phát ban trên da. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể làm dịu vùng da bị phản ứng dị ứng bằng cách đặt lạnh.
Người mắc dị ứng có thể phát ban
Một số triệu chứng có thể xuất hiện ở mắt, mũi và họng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt xì hơi nhiều, đau ngứa họng hoặc chảy nước mắt.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, những người bị dị ứng với hạt có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi các chất gây dị ứng đi qua dạ dày và ruột. Phản ứng này thường xuất hiện sau khi người bệnh tiêu thụ loại hạt gây dị ứng vài giờ trước đó. Cụ thể, người bệnh có thể gặp buồn nôn hoặc nôn, cảm giác co thắt dạ dày. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xảy ra tiêu chảy, khó thở do sưng tấy, thậm chí gây ra hen suyễn dị ứng khiến đường hô hấp bị co lại, làm giảm lưu lượng không khí.
Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khi các chất gây dị ứng đi qua dạ dày và ruột
Các trường hợp dị ứng nghiêm trọng có biểu hiện sốc phản vệ và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tình trạng phổ biến khi gặp sốc phản vệ là người bệnh gặp khó thở nghiêm trọng kèm theo sưng, ngứa da mặt, biến đổi huyết áp và nhịp tim, rất nguy hiểm.
2. Phải làm gì để ngăn ngừa triệu chứng dị ứng với các loại hạt
Hiện nay, không có một phương pháp điều trị cố định nào cho dị ứng với các loại hạt. Tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Các chuyên gia khuyên rằng, khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ về dị ứng với các loại hạt, bạn nên xử lý ngay như sau:
- Trước hết, hãy ngừng sử dụng ngay các thực phẩm đang ăn, không nên tiếp tục ăn những loại thực phẩm mà bạn nghi là nguyên nhân gây dị ứng, để tránh tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nếu triệu chứng dị ứng của người bệnh không giảm mà ngày càng nghiêm trọng, hãy đưa họ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
- Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc phải sốc phản vệ có biểu hiện như khó thở, mất ý thức, cần thực hiện hô hấp nhân tạo và massage tim bên ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, đồng thời nên đưa họ đến cấp cứu tại các cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Quan trọng hơn, hãy có ý thức phòng tránh các triệu chứng dị ứng với các loại hạt để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
- Nếu bạn đã từng gặp phải dị ứng với một loại hạt, hãy tránh ăn các loại hạt khác vì có nhiều trường hợp không chỉ dị ứng với một loại hạt mà còn dị ứng với nhiều loại hạt khác nhau.
- Hãy cẩn trọng khi thưởng thức các món ăn từ ngoài quán hoặc thức ăn lạ, luôn lưu ý khi thử những món ăn mới: Mỗi khi đi ăn ngoài hoặc đến nhà hàng, bạn nên tìm hiểu kỹ về nguyên liệu của món ăn để đảm bảo bạn sẽ không tiếp xúc với những loại thực phẩm gây dị ứng.
- Nếu cơ thể của bạn đã từng phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm, hãy thận trọng khi thử một món ăn mới. Hãy thử từng phần nhỏ và lắng nghe cơ thể của bạn. Đừng ăn quá nhiều loại thực phẩm mà bạn chưa từng thử trước đó để tránh nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
- Người mắc dị ứng cần chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn và quy trình chế biến thực phẩm cần đảm bảo sạch sẽ.
Lưu ý: Một số loại dị ứng phổ biến có thể gồm:
-
Dị ứng đường hô hấp: Bao gồm dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng, dị ứng phấn hoa, dị ứng nấm mốc, dị ứng bụi, dị ứng với động vật cưng (như chó, mèo,…).
-
Dị ứng thức ăn: Một số thực phẩm có thể gây dị ứng như sữa, Casein, trứng, hạt, cá, động vật có vỏ, Sulfite, đậu nành
-
Dị ứng da: Dị ứng với mỹ phẩm, ánh nắng mặt trời, mề đay, viêm da tiếp xúc, dị ứng với cây thường xuân độc, dị ứng với vết đốt của côn trùng, dị ứng Niken.
-
Dị ứng với một số thành phần trong thuốc như aspirin (Salicylate) hoặc Penicillin.