Hãy cùng xem lại những bộ Anime chuyển thể gây phẫn nộ cho các fan vì đã làm hỏng cả tác phẩm gốc.
Đối với đa số các tác giả Manga, Light Novel hay thậm chí là các nhà sản xuất game, việc nhìn thấy 'đứa con tinh thần' của mình được chuyển thể thành Anime thường là điều đáng mừng. Bởi vì, bản Anime thường sẽ giúp tác phẩm của họ được nhiều người biết đến hơn - không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Chẳng hạn như gần đây, bản Anime của Kimetsu no Yaiba (Thanh gươm diệt quỷ) do ufotable thực hiện đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải lúc nào cũng như vậy. Không ít bộ Anime dù được kỳ vọng cao bởi đã chuyển thể từ những tác phẩm hấp dẫn, nhưng khi ra mắt lại nhanh chóng trở thành một thất vọng chỉ sau vài tập đầu tiên. Hãy cùng điểm qua một số bộ Anime đã khiến người xem phải cảm thấy chán chường: 'Chuyển thể như thế này thì tốt hơn là không ra Anime.'
1. Infinite Dendrogram
Năm ra mắt: 2020
Studio sản xuất: NAZ
Lấy đề tài Game Online thực tế ảo VRMMO, bản chuyển thể Anime của Infinite Dendrogram được rất nhiều fan kỳ vọng sẽ giúp cho series này trở nên nổi tiếng hơn ở thị trường thế giới, giống như một số bộ Anime cùng thể loại khác như .hack, Sword Art Online, hay Log Horizon.
Thực sự, Infinite Dendrogram có đầy đủ những yếu tố để có thể trở thành một tựa Anime thành công: một cốt truyện hấp dẫn, một thế giới game online được xây dựng chi tiết, dàn nhân vật thú vị, những cảnh hành động hoành tráng và mãn nhãn, cùng một lượng fan đông đảo tại Nhật Bản (LN của Infinite Dendrogram thường xuyên lọt top trong bảng xếp hạng doanh số của Oricon). Thế nhưng, Anime Infinite Dendrogram lại thiếu đi thứ quan trọng nhất, đó là một studio chuyển thể thực sự 'có tâm'.
Bản chuyển thể của Infinite Dendrogram do Studio NAZ thực hiện, là một Studio tuy đã tồn tại được 7 năm nhưng vẫn không có mấy danh tiếng trong ngành Anime. Có lẽ ngân sách eo hẹp là một phần nguyên nhân khiến cho chất lượng animation của phim thường xuyên nằm ở mức trung bình, thậm chí còn tụt xuống mức tệ hại ở những cảnh hành động.
Bên cạnh đó, những người vẫn tiếp tục theo dõi Anime còn nhanh chóng rơi vào tình trạng 'không hiểu cái gì đang diễn ra', do bản chuyển thể của Infinite Dendrogram cắt xén rất nhiều chi tiết trong Light Novel gốc để có thể rush hết 5 tập truyện chỉ trong vỏn vẹn 13 tập phim. Đối với những bộ thuộc thể loại VRMMORPG vốn hấp dẫn người xem ở cách các nhân vật khám phá thế giới do tác giả xây dựng nên, việc cắt xén như vậy cũng đồng thời làm phim trở nên chán hơn rất nhiều. Có thể nói, người xem chưa kịp hiểu đây là ai đây là đâu thì đã bị cuốn vào hàng loạt các tình tiết và diễn biến, để rồi đến khi kết thúc thì chẳng còn gì đọng lại trong đầu.
Kết quả, Anime của Infinite Dendrogram chỉ đạt điểm số vỏn vẹn 2,63 trên AniDB, và nhiều người chỉ biết thở dài tiếc nuối cho một bộ truyện đầy tiềm năng nhưng lại có anime quá dở.
2. Toaru Majutsu no Index Mùa 3
Năm ra mắt: 2018
Studio sản xuất: J.C. Staff
Trong cộng đồng fan Anime nói chung, J.C. Staff được biết đến như một cái tên rất đa chiều, với các bộ Anime hãng sản xuất thường không đồng đều về chất lượng. Có những bộ Anime của J.C. như Toradora, Kaichou wa Maid-sama, hay gần đây là Shokugeki no Soma được đánh giá rất cao; tuy nhiên, cũng có những tác phẩm khác của hãng lại gây thất vọng, như Date A Live, Hidan no Aria, hay Toaru Majutsu no Index - đặc biệt là Mùa 3 của Index.
Nếu không tính đến những điểm yếu truyền thống của J.C. Staff như chất lượng Animation cho các cảnh hành động chỉ ở mức trung bình, màu sắc nhạt nhẽo, thích thêm những tình tiết filler và tập trung vào các cảnh fanservice, thì Mùa 3 của Index cũng gặp phải một vấn đề tương tự như đã nêu ở trên với Infinite Dendrogram: việc rush các tình tiết trong truyện khi chuyển thể lên anime.
Mùa 3 của Index được chuyển thể từ 9 tập còn lại trong phần 1 của Light Novel, từ tập 14 đến tập 22, và tiến độ chuyển thể như vậy cũng tương tự như hai mùa Index trước. Tuy nhiên, các tập truyện mà mùa 3 chuyển thể có nhiều tình tiết và nhân vật mới, được giới thiệu để đẩy mạch truyện lên cao trào trong arc cuối - arc thế chiến thứ 3. Chính vì vậy, tốc độ chuyển thể của J.C. đã làm mất đi nhiều tình tiết quan trọng, thậm chí là bị lược bỏ, khiến cho người xem không đọc Light Novel trước sẽ khó hiểu được cốt truyện.
Một điều thú vị là một bộ Anime khác do J.C. Staff chuyển thể cũng nằm trong thế giới Index là Toaru Kagaku no Railgun, lại có chất lượng khá tốt và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ fan, đến mức mà nhiều người còn đùa rằng: 'Thôi J.C. đừng chuyển thể Light Novel nữa, chuyển thể Manga nghe chừng còn hợp lý hơn.'
3. Ace Attorney
Năm ra mắt: 2016
Studio sản xuất: A-1 Pictures
Những người xem Anime thường hay nói với nhau rằng: 'Anime chuyển thể từ game, phần nhiều là dở', và Ace Attorney cũng không phải là ngoại lệ. Một phần lý do khiến những bộ anime chuyển thể từ game nói chung, hay Ace Attorney nói riêng trở nên kém hấp dẫn, bởi sự thiếu vắng tính tương tác giữa người chơi và cốt truyện.
Điểm đặc trưng làm nên sức hấp dẫn của Ace Attorney đối với cộng đồng game thủ, bên cạnh dàn nhân vật hài hước nhưng không kém 'chất', còn nằm ở phần cốt truyện được viết rất cuốn hút và thông minh. Trong quá trình chơi game, người chơi sẽ truy tìm các manh mối, thẩm vấn từng người, tự mình xâu chuỗi các tình tiết với các vật chứng để dần dần mở ra bức tranh hé lộ sự thật về các vụ án.
Tuy nhiên, việc chuyển thể những tựa game như vậy thành Anime cũng đồng thời khiến cho những điểm hấp dẫn kể trên bị mất đi phần nhiều. Người xem sẽ không bao giờ được trải nghiệm cảm giác 'bấm vào từng ngóc ngách tại hiện trường để tìm ra những vật chứng bị ẩn giấu', thay vào đó từng thứ, từng thứ một cứ thế được bày ra trước mắt theo các tình tiết phim.
Nếu phải so sánh, điều này giống như việc bạn đang ngồi xem walkthrough của game vậy, nó khiến cho niềm vui khám phá bị giảm đi rất nhiều. Điều tương tự cũng xảy ra ở một tựa Anime chuyển thể từ game đình đám khác là Danganronpa.
Bên cạnh đó, có những chi tiết được 'làm quá' lên, mà nếu ở trong game thì thấy hài hước còn khi lên thành Anime thì lại không, như những pha 'Objection!' bất hủ của nhân vật chính Phoenix Wright. Thậm chí, trông nó lố bịch đến mức mà nhiều người còn gọi đùa rằng đây là 'The Last Airbender Anime' chứ không phải là Ace Attorney nữa.
Airbending in Court
4. Mekakucity Actors
Năm ra mắt: 2014
Studio sản xuất: Shaft
Trong số các bộ Anime chuyển thể bị đánh giá thấp bởi fan, có lẽ Mekakucity Actors là một trường hợp đặc biệt khi đây là một tác phẩm được đánh giá là khó chuyển thể. Không như những bộ Anime với source material là Manga hay Light Novel, Mekakucity Actors được chuyển thể từ series các bài hát Vocaloid thuộc Kagerou Project - tức lượng 'nguyên liệu' mà các nhà sản xuất có trong tay không nhiều.
Chính vì vậy, thời điểm mà Kagerou Project công bố về một bản chuyển thể Anime do 'những cái tên có tiếng về chất lượng' trong ngành thực hiện là Studio Shaft và đạo diễn lừng danh Akiyuki Shinbo, nhiều người đã hy vọng về một bản chuyển thể hay, độc, chất - vốn là sở trường của Shaft.
Vấn đề lớn nhất của bộ Anime này nằm ở nội dung. Mekakucity Actors sở hữu một dàn nhân vật khá 'chất', nhưng lại thiếu đi các nhân vật trung tâm hay một tuyến truyện chính. Do đó, các tình tiết diễn ra trong các tập phim cũng trở nên 'vô thưởng vô phạt' và chẳng đi về đâu. Cùng với đó, phong cách độc dị của Shaft càng khiến cho người xem trở nên mất tập trung hơn vào diễn biến phim, khiến cho bộ phim càng trở nên khó theo dõi và khó hiểu hơn rất nhiều.
Có lẽ, Mekakucity Actors nên là một bộ Anime làm theo dạng Anthology, với mỗi tập phim là một câu chuyện độc lập không liên quan gì đến nhau, hơn là làm theo kiểu cố gắng kết nối nhưng rồi đến cuối cùng lại chẳng đi đến đâu.
5. Shingetsutan Tsukihime
Năm ra mắt: 2003
Studio sản xuất: J.C. Staff
Nhắc đến danh sách những bộ Anime chuyển thể dở tệ mà không có Tsukihime thì có lẽ là cả một sự thiếu sót, khi đây có thể được coi là một trong những bộ Anime chuyển thể tệ nhất mọi thời đại - bất chấp việc Visual Novel của Tsukihime là một tác phẩm được đánh giá rất cao, thậm chí còn là tác phẩm khiến rất nhiều người trở thành fan của Type-Moon.
Về mặt hình ảnh, Anime của Tsukihime rất xấu, kể cả khi đặt dưới tiêu chuẩn của một bộ Anime sản xuất vào thời điểm đầu những năm 2000. Màu sắc nhợt nhạt, những cảnh hành động thì dở tệ, biểu cảm của nhân vật thì cứng đờ không cảm xúc.
Bên cạnh đó, các nhân vật trong bản chuyển thể này cũng rơi vào tình trạng bị phá hoại hình tượng khá nghiêm trọng, có thể kể đến việc Arcueid bị sửa từ một nhân vật tính cách có phần hơi trẻ con trở thành một 'chị gái nghiêm túc' từ đầu đến cuối. Chưa hết, J.C. Staff còn bốc từ các route trong Visual Novel mỗi nơi một ít và trộn chúng vào với nhau thành một hỗn hợp 'hổ lốn', rồi sau đó bịa nốt một chiếc kết thúc chẳng có gì liên quan.
Có thể nói, bản chuyển thể Anime của Tsukihime tệ đến mức độ các fan của Type-Moon thậm chí còn phủ nhận luôn sự tồn tại của nó, để rồi giờ đây mỗi khi có ai hỏi fan Type-Moon về Anime của Tsukihime, họ sẽ nhận được câu trả lời như sau: 'Hả, gì cơ? Tsukihime Anime á? Tsukihime làm gì có Anime?'