Xin chào, mình là Scarlet, hiện đang là sinh viên năm hai ngành Khoa học máy tính (Computer Science) ở Canada. Mục đích của bài viết này là để chia sẻ những bài học mà mình nghĩ sẽ giúp được cho các bạn sinh viên đang và sẽ trải qua quá trình nộp đơn đầy gian nan cho các chương trình thực tập trong thời gian đại học. Những trang web và công cụ mà mình nhắc tới trong bài có thể khác với môi trường làm việc ở Việt Nam, nhưng về bản chất trong tư duy tiếp cận vấn đề thì không thay đổi nên hy vọng bài viết vẫn có ích với mọi người nha.
Để nhận được công việc thì thứ đầu tiên cần phải vượt qua khiến ai cũng đau đầu là vòng xét CV và phỏng vấn. Mục đích cốt lõi của việc phỏng vấn là để tìm ra ứng cử viên phù hợp nhất cho một vị trí cụ thể, chứ không nhất thiết phải là người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Khi đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, các thông tin được xem xét thường được chia thành 3 nhóm chính:
Điều kiện cơ bản: Ứng cử viên này đã đạt được hết những yêu cầu tối thiểu được đưa ra hay chưa? (Ví dụ: bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, giấy tờ đầy đủ, etc.) Thông tin này thường được xét ở vòng CV hoặc nhà tuyển dụng sẽ gọi thẳng cho ứng cử viên để xác nhận.
Nguồn: Google
Kỹ năng cứng: Ứng cử viên này có đủ kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết cho vị trí này không? Thiếu, đủ, hay dư? Thông tin này thường sẽ được xét ở vòng phỏng vấn trực tiếp hoặc qua các bài kiểm tra mà công ty giao cho ứng cử viên.
Kỹ năng mềm: Ứng cử viên có tính cách, giá trị, và quan điểm phù hợp với công ty hay không? Thông tin này thường được xét dựa trên cả quá trình nhà tuyển dụng tiếp xúc với ứng cử viên, đồng thời qua thái độ và cách trả lời các câu hỏi tình huống trong vòng phỏng vấn.
Nguồn: Freepik
Dựa trên nền tảng này, qua 5 năm lăn lộn đi thực tập mình đã liên tục quan sát và thử nghiệm nhiều cách rải đơn khác nhau nhằm tạo ra chiến thuật tối ưu nhất cho bản thân, đồng thời tự phát triển một phong cách phỏng vấn khá đặc trưng mà ít ai bắt chước được. Quá trình mà mình thường áp dụng diễn ra như sau:
1. Đặt mục tiêu rõ ràng
Bằng cách hỏi bản thân: 'Mình muốn học được gì ở công việc tiếp theo? Muốn trải nghiệm ở môi trường công ty thế nào? Những yếu tố và giá trị nào quan trọng với mình ở thời điểm hiện tại? Có công ty nào nằm trong danh sách mơ ước của mình không? Những mảng nào mình quan tâm?'
Ví dụ:
Bạn A: 'Mình muốn làm ở những tập đoàn lớn để thử trải nghiệm cách họ xây dựng hệ thống và điều hành từ bên trong như thế nào. Mình muốn nhắm vào một trong những công ty trong FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google)'
Bạn B: 'Mình muốn thử sức với môi trường năng động như startup để được học những công nghệ mới nhất và làm nhiều dự án đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn đến công ty/khách hàng.'
Bạn C: 'Mình quan tâm tới sức khỏe hoặc tài chính nên mình muốn chỗ làm cũng phải liên quan tới những mảng đó. Công ty lớn hay nhỏ đối với mình không quan trọng ở thời điểm này.'
Việc đặt mục tiêu và kỳ vọng rõ ràng ngay từ đầu sẽ thường giúp mình khoanh vùng 'đối tượng' hợp lý hơn, tránh mất thời gian rải đơn hàng loạt nhưng không đạt được kết quả như mong muốn (chất lượng > số lượng). Đồng thời, câu trả lời của mình cho những câu hỏi trên sẽ là một nền tảng thiết yếu để xây dựng chiến thuật tấn công hiệu quả cho những những bước tiếp theo.
Nguồn: Freepik
Mình thường không tính toán quá lý trí trong giai đoạn này mà thường để sự tò mò tự nhiên dẫn dắt tới đáp án, và tuyệt nhiên né hẳn những suy nghĩ tự nhát bản thân như 'Công ty này nghe đồn khó lắm, thiếu kinh nghiệm như mình chắc còn lâu mới vào được' vì ai cũng phải có điểm khởi đầu.
2. Khoanh vùng đối tượng
Dựa trên câu trả lời ở bước 1, mình lướt mạng tìm hiểu loanh quanh về các chương trình thực tập để lọc ra thành một danh sách tên của 10 công ty mà mình có hứng thú muốn thực tập nhất, rồi rút gọn dần xuống còn 5 > 3 > 1 để lập rank.
Nguồn: Google
Bắt đầu từ top 1 đi lên, cho mỗi công ty, mình sẽ tìm hiểu những thông tin sau:
Những yêu cầu tối thiểu mà thực tập sinh phải có (nếu thấy bản thân không đạt đủ điều kiện thì cho công ty xuống rank trong danh sách)
Ngày mở đơn trong năm thường bắt đầu khi nào => đánh dấu lại trong Apple/Google Calendar
(Cần thiết cho bước 4)
Sơ bộ các bước trong quá trình phỏng vấn (có bao nhiêu vòng? gồm những vòng gì?)
Giá trị cốt lõi và hướng đi tập trung hiện tại của công ty
Thường sau đó mình sẽ chia thời gian để rải đơn như này: 80% dành ra chăm chút hồ sơ nộp cho top 10 công ty mình mong muốn, 20% còn lại nộp đại trà cho các công ty khác.
Trên đây là chia sẻ của mình về những bước đầu tiên trong công cuộc tìm kiếm việc làm mà mỗi chúng ta sẽ phải trải qua. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ bài viết này. Mong các bạn hãy đón chờ phần 2 để cùng mình đi qua những bước cuối cùng trên hành trình tìm kiếm công việc mơ ước nhé!
(Còn tiếp)