Thực sự, 4 năm trôi qua rất nhanh, vì vậy tôi tin rằng mỗi người cần có một kế hoạch để không phí hoài 4 năm đó. Tôi hiểu rằng không có một phương pháp nào phù hợp cho tất cả mọi người, và kế hoạch dưới đây được rút ra từ trải nghiệm của bản thân, cũng như những hối tiếc mà tôi có từ thời còn đi học. Hãy xem nó như một gợi ý, để bạn tự xây dựng lộ trình phù hợp với bản thân nhé!
NĂM THỨ NHẤT
Thích nghi với môi trường và phong cách học mới.
Bắt đầu tìm hiểu về cơ hội học bổng và các tiêu chí rèn luyện.
Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và các dự án tình nguyện.
Nắm vững chương trình học và lên kế hoạch đăng ký môn học phù hợp. Điều này quan trọng nếu bạn muốn tham gia chương trình học song bằng hoặc tốt nghiệp sớm.
Kết thúc kỳ học đầu tiên, đặt ra phương pháp học hiệu quả cho từng môn học. Nếu GPA của bạn ở kỳ này không tốt, hãy điều chỉnh cách học ngay lập tức.
Hãy xem xét việc thi các chứng chỉ tin học (MOS/IC3) ngay từ năm nhất vì chúng có giá trị vĩnh viễn, không hết hạn.
NĂM THỨ HAI
Việc học vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu.
Bắt đầu tìm hiểu về các chuyên ngành trong ngành học của bạn vì thường vào năm thứ ba bạn sẽ phải chọn chuyên ngành. Khi nghiên cứu, hãy xem xét các yếu tố như Năng lực của bạn, Nhu cầu của xã hội, Tiềm năng của ngành đó.
Đăng ký học song song nếu bạn có kế hoạch này. Hãy xem xét về thời gian, chi phí và sự kết hợp giữa chuyên ngành chính và chuyên ngành phụ của bạn để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Bắt đầu tìm hiểu và ôn luyện các chứng chỉ ngoại ngữ để thi vào cuối năm thứ hai hoặc đầu năm thứ ba. Một số trường sẽ chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ làm điểm phụ, vì vậy nếu bạn có chứng chỉ sớm sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bạn dự định thi chứng chỉ ngoại ngữ để tốt nghiệp và làm việc, hãy nhớ rằng các chứng chỉ này thường có hạn sau 2 năm, vì vậy cần phải xem xét thời gian thi một cách hợp lý.
Trong năm thứ hai, hãy xem xét việc tham gia Nghiên cứu khoa học. Đối với những bạn có ý định làm luận văn tốt nghiệp, việc tham gia vào nghiên cứu khoa học từ sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Tìm kiếm các công việc thêm thu nhập, trực tuyến hoặc ngoại trời, nhưng nhớ giữ cân bằng giữa học và làm việc.
Ở giai đoạn này, cố gắng đề ra hướng đi ban đầu cho bản thân và lập một thời gian biểu hợp lý. Lời khuyên của tôi là: Kỷ luật chính là tự do.
NĂM THỨ BA
Vẫn cần ưu tiên việc học hàng đầu.
Nếu bạn đã ôn luyện xong, bạn có thể thi chứng chỉ ngoại ngữ từ đầu năm thứ ba.
Năm thứ ba là khi bạn bắt đầu học chuyên ngành, vì vậy khi tìm kiếm việc làm, hãy ưu tiên những công việc có thể mang lại kiến thức và kinh nghiệm trong ngành. Việc tham gia thực tập, làm thêm vào thời điểm này sẽ giúp bạn: có thêm kinh nghiệm trong ngành, xác định xem mình thực sự thích và phù hợp với ngành đã chọn hay không, học được nhiều kỹ năng mới, xây dựng mối quan hệ và chuẩn bị sẵn sàng cho công việc thực tế.
Tham gia các cuộc thi chuyên ngành. Đây là cơ hội để bạn điền vào phần Thành tích trong CV.
Tham gia các workshop về hướng nghiệp, hội chợ việc làm, webinar liên quan đến ngành học của bạn.
Thu thập các chứng chỉ, chứng nhận cần thiết cho chuyên ngành của bạn cùng với các chứng chỉ chung như Tin học văn phòng và Ngoại ngữ.
Nếu bạn không chọn học song song và vẫn chưa quyết định về chuyên ngành chính của mình, thì đây cũng là thời điểm bạn có thể tìm kiếm một lĩnh vực khác để học theo hướng 'Học để làm'. Điều này có nghĩa là bạn có thể tự học, tham gia các khóa học trực tuyến hoặc offline, học những kiến thức cốt lõi có thể áp dụng khi đi làm, chứ không chỉ học một ngành học cụ thể trong trường.
NĂM CUỐI
Hoàn thành luận văn tốt nghiệp hoặc học các môn thay thế.
Chuẩn bị hồ sơ để xét tốt nghiệp đầy đủ.
Nếu bạn muốn du học, hãy xem xét và chuẩn bị hồ sơ từ đầu năm thứ tư.
Cập nhật, làm mới CV và bắt đầu tìm kiếm việc làm fulltime.
Đây là thời điểm bạn sẽ cảm thấy áp lực tốt nghiệp đúng hạn, tìm việc... vì vậy việc chuẩn bị kỹ từ các năm trước sẽ giúp ích rất nhiều trong giai đoạn này.
Lên đại học, 'CÒN TẬN BỐN NĂM' hay 'CHỈ CÓ BỐN NĂM' là do bạn tự quyết định, nhé!