1. Phân biệt cơn đau tim và ngừng tim đột ngột
Cơn đau tim hay nhồi máu cơ tim là tình trạng một hay nhiều mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn khiến tim không được nhận đủ máu nuôi và kết quả là làm tổn thương tim.
Ngừng tim đột ngột là hiện tượng hệ thống dẫn truyền điện của tim hoạt động bất thường và ngừng đột ngột, tim đập nhanh dữ dội, có khi không đập theo nhịp mà bị rung thất, từ đó cắt giảm nguồn máu đi tới các cơ quan. Trong vòng một vài phút đầu, lượng máu lên não sẽ đột ngột giảm mạnh và có thể khiến người bệnh hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì sẽ bị tử vong nhanh chóng.
Triệu chứng cảnh báo của đột tử do tim bao gồm: hoa mắt chóng mặt, tim bắt đầu đập nhanh dần. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp bị đột tử do tim mà không có bất kỳ biểu hiện cảnh báo nào.
Có nhiều trường hợp bị đột tử do tim mà không có dấu hiệu cảnh báo trước
Ở các vận động viên, nguy cơ bị đột tử do tim rất hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Đối với vận động viên ở độ tuổi rất trẻ, đột tử do tim thường là kết quả của dị tật bẩm sinh, đặc biệt khi chơi các môn thể thao mất sức và thường gặp ở nam giới. Còn đối với vận động viên lớn tuổi hơn, nguyên nhân gây đột tử do tim thường là có liên quan đến bệnh mạch vành.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, vận động viên từ trung học đến đại học nên kiểm tra tim mạch 2 năm 1 lần. Trong trường hợp vận động viên có nguy cơ cao bị bệnh tim, cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch tư vấn, hướng dẫn điều trị trước khi tiếp tục tập luyện.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra đột tử do tim
Hầu hết các trường hợp đột tử do tim xuất phát từ rối loạn nhịp tim. Trong đó, rung thất là hiện tượng nguy hiểm nhất và thường xảy ra. Đây là khi xung điện phát ra từ tâm thất của tim không tuân theo quy luật đập nhịp tự nhiên. Khi đó, tim mất chức năng bơm máu dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Dưới đây là những yếu tố tăng nguy cơ đột tử do tim ở người bệnh:
Hai yếu tố hàng đầu bao gồm:
- • Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành do: huyết áp cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch, hút thuốc, cholesterol cao, tiểu đường;
Các yếu tố khác:
Trước đây đã từng trải qua ngừng tim đột ngột nhưng được cứu sống;
Bất thường hoặc dị dạng mạch máu, dị tật bẩm sinh;
Đã từng mất ý thức không rõ nguyên nhân;
Mắc các bệnh về tim:
Suy tim: tim có sức bơm máu yếu, dễ gặp tình trạng rối loạn nhịp thất gây ngừng tim đột ngột;
Bệnh cơ tim phì đại: là tình trạng cấu tạo cơ tim trở nên dày bất thường và ảnh hưởng đến tâm thất của tim;
Bệnh cơ tim giãn nở: tâm thất trái bị giãn nở, suy yếu dẫn đến giảm khả năng bơm máu của tim.
Tỷ lệ phân suất tống máu dưới 40% và nhịp nhanh thất;
Rung thất hoặc nhịp nhanh thất khi trải qua cơn đau tim;
Hàm lượng magiê và kali trong máu thay đổi đáng kể (có thể do bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu);
Đái tháo đường;
Thừa cân, béo phì;
Dùng thuốc chống loạn nhịp tim;
Lạm dụng chất kích thích.
Mắc các bệnh về tim mạch là yếu tố chính dẫn đến nguy cơ ngừng tim đột ngột
3. Cách xử trí khi bị ngừng tim đột ngột
Trong trường hợp bị ngừng tim đột ngột, việc cấp cứu càng sớm càng tốt. Nếu được cứu chữa ngay trong những phút đầu tiên, tỷ lệ sống sót có thể lên đến 90%. Tỷ lệ này giảm khoảng 10% sau mỗi phút trễ trong việc cứu chữa.
Nếu bạn chứng kiến một trường hợp ngừng tim đột ngột, hãy gọi ngay số 115 và thực hiện hô hấp nhân tạo. Phương pháp này, nếu thực hiện đúng cách, có thể cứu sống người bệnh bằng cách duy trì lưu thông oxy và máu trong cơ thể.
4. Có cách nào để ngăn ngừa nguy cơ ngừng tim đột ngột không?
Nếu bạn nhận thấy mình có các yếu tố nguy cơ như vậy, hãy đi khám tim mạch để được tư vấn kỹ hơn về cách phòng ngừa bệnh. Dưới đây là một số phương pháp giúp phòng ngừa tình trạng này:
Phẫu thuật hoặc can thiệp mạch vành: bao gồm nong, chụp hoặc đặt stent áp dụng cho những người bị bệnh mạch vành. Ngoài ra phương pháp phẫu thuật để dẫn lưu dòng máu nuôi cơ tim cũng có thể được chỉ định nhằm giảm thiểu rủi ro đột tử. Trong trường hợp bệnh nhân bị dị tật tim bẩm sinh, mắc bệnh cơ tim phì đại thì cần phải tiến hành phẫu thuật để chỉnh sửa cấu tạo tim. Một thủ thuật khác đó là cắt đốt điện sinh lý cũng giúp khắc phục các rối loạn nhịp tim bất thường;
Cấy ghép máy ICD khử rung tim: là biện pháp phù hợp cho những người có tiền sử bị ngừng tim hoặc nguy cơ đột tử do tim cao. ICD là một thiết bị nhỏ được cấy ghép dưới da, có cấu tạo gần giống với máy tạo nhịp tim. Chức năng chính của ICD là theo dõi, kiểm tra và điều chỉnh các rối loạn nhịp tim. Để làm được điều này nó sẽ phát ra năng lượng điện (sốc điện nhỏ) tác động lên các tế bào cơ tim, điều chỉnh nhịp tim trở lại chu kỳ đập bình thường. Mọi dữ liệu sẽ được ghi nhớ và bác sĩ sẽ là người điều chỉnh thiết bị này sao cho phù hợp với từng bệnh nhân;
Tự trang bị kiến thức sơ cứu cho người ngừng tim đột ngột sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong do tình trạng này;
Thay đổi lối sống tích cực hơn: duy trì mức cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao, chế độ ăn uống khoa học (ít béo, giàu chất xơ và vitamin, cắt giảm muối và tinh bột), kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, huyết áp cao và hàm lượng cholesterol trong máu;
Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bất thường hệ tuần hoàn hoặc các yếu tố nguy cơ.
Máy ICD cấy ghép để khử rung tim
Đây là những điều cần biết về ngừng tim đột ngột. Nếu bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột và được cứu chữa kịp thời trong giai đoạn vàng, cơ hội sống sót là rất cao. Vì vậy, hãy bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu như hướng dẫn, gọi ngay đến số cấp cứu 115 khi gặp hiện tượng này.