'Bố mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho con thôi”
'Anh không còn yêu em nữa đúng không?”
Đây được coi là những câu “thần chú” của những người muốn mượn danh tình yêu để kiểm soát bạn. Dù nói nhẹ nhàng hơn thì, có thể họ không phải là người kiểm soát, nhưng trong vài khoảnh khắc, họ cố gắng thuyết phục hoặc thao túng bạn làm theo ý họ. Điều thú vị là, thường chỉ những người bạn yêu, yêu bạn mới có thể làm điều này, bởi họ nắm giữ danh nghĩa tình yêu.
Trong nhiều tình huống, tình yêu bị lợi dụng để con người đạt được mục đích cá nhân. Trước hết, phải nói rõ rằng tất cả các mối quan hệ đều xuất phát từ lợi ích, có thể là vật chất hoặc tinh thần. Khi bạn yêu, bạn muốn nhận được sự quan tâm, thân mật... đó là lợi ích. Bố mẹ sinh con vì đứa trẻ mang lại hạnh phúc cho họ, đó cũng là lợi ích. Vấn đề ở đây là, khi sự mong cầu lợi ích này hài hòa với bên còn lại, thì mối quan hệ sẽ cân bằng. Và khi con người trao đổi cả lợi ích về tinh thần để hai bên đều nhận được những giá trị tốt đẹp mà không tổn thương nhau một cách cố ý, đó là tình yêu. Còn khi điều khiển người khác làm theo ý mình, mặc kệ những cảm xúc tiêu cực mình tạo ra cho người khác, đó là những “kẻ xấu”.
Không thể đếm xuể những kiểu “kẻ xấu” lợi dụng danh nghĩa tình yêu để đạt mục đích cá nhân. Trong phạm vi bài viết, xin nêu ra một vài trường hợp điển hình như sau:
Những người khiến bạn tự ti
Bố mẹ ngày ngày mắng mỏ con cái vì điểm số thấp, chỉ biết ăn với học mà cũng không làm nổi. Thậm chí, những lời chì chiết như: đầu óc bã đậu, vô dụng, loại như mày sau này làm được gì... Đứa trẻ cảm thấy vô cùng tổn thương nhưng bị mắc kẹt giữa hai suy nghĩ: bố mẹ khiến mình tự ti, tin rằng mình vô dụng - và - bố mẹ chỉ muốn điều tốt cho mình. Có hai tình huống: một là, bố mẹ thực sự muốn tốt cho con nhưng sai cách, hai là, họ đang thao túng đứa trẻ để thỏa mãn chính bản thân.
Ai cũng quen thuộc với câu chuyện: bố ước mơ cả đời trở thành bác sĩ, nhưng vì nghèo khó mà không thể theo đuổi. Giờ bố cho con ăn học đàng hoàng, con nhất định phải thành bác sĩ. Và thế là đứa con trở thành bác sĩ, để hoàn thành ước mơ dang dở của bố, dù bản thân mơ làm luật sư. Ông bố đã thỏa mãn ước nguyện cá nhân, nhưng đứa trẻ lại đánh mất chính mình.
Quay lại ý chính, những kẻ khiến chúng ta tự ti thường dùng lời lẽ hạ bệ, khiến ta cảm thấy xấu hổ về bản thân. Đôi khi họ cũng bóng gió so sánh bạn với người khác mà họ cho là vượt trội hơn.
'Mày mà được một phần như thằng A thì tao đã đỡ khổ.”
'Chồng cái B vừa tặng nó nhẫn kim cương đấy anh. Bao giờ em mới được hưởng như thế nhỉ?”
Không ai xứng đáng phải chịu sự hạ thấp từ người khác, nhất là từ những người thân yêu. Mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Nếu muốn họ tốt lên thì nên khích lệ, tạo động lực, chỉ ra lỗi sai một cách xây dựng. Còn nếu lời nói chỉ làm người khác hoài nghi về giá trị bản thân, thì đích thị đó là những 'kẻ xấu'.
Động cơ của những “kẻ xấu” khiến bạn tự ti rất đa dạng. Họ có thể muốn bạn cảm thấy vậy để dìm bạn xuống, làm mình trông tốt hơn. Hoặc họ muốn bạn yếu đuối để bạn tiếp tục dựa dẫm vào họ, cảm giác ấy làm họ thấy oai hùng. Nhiều người chồng khiến vợ tự ti, nhỏ bé chỉ vì không muốn vợ trở thành người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập, vì khi đó họ cảm thấy bản lĩnh đàn ông của mình bị đe dọa.