Tôi là Thư Thái - sinh viên năm 4 tại Nhật Bản và đang tìm kiếm cơ hội việc làm ở đây. Trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm du học trên nhóm “Chia Sẻ Những Câu Chuyện ở Nhật!” và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển cho các công ty Nhật, tôi tự đặt câu hỏi liệu phương pháp tuyển dụng của nhà tuyển dụng Nhật Bản có khác biệt so với ở Việt Nam không? Và điều này có giúp tôi rút ra bài học gì để cải thiện kỹ năng tự quảng cáo bản thân không? Câu trả lời nằm trong bài viết này.
1. Sự Khác Biệt Trong Việc Chuẩn Bị Hồ Sơ Ứng Tuyển Ở Việt Nam Và Ở Nhật Bản
Nguồn Ảnh: Freepik
Khi nộp đơn cho các công ty tại Việt Nam, hồ sơ của tôi phải thể hiện rõ KỸ NĂNG, KINH NGHIỆM và THÀNH TỰU. Ngoài ra, hồ sơ cần có các con số cụ thể, rõ ràng và ít từ ngữ nhất có thể. Ví dụ, với chuyên ngành của mình là Content Writer, tôi mô tả kỹ năng là xây dựng cộng đồng, có kinh nghiệm 2 tháng làm quản trị viên viết bài và phát triển nhóm 'Chia Sẻ Những Câu Chuyện ở Nhật!' từ 0 thành 3.300 thành viên trong vòng 2 tháng.
Tuy nhiên, khi tôi viết Entry Sheet (cách gọi hồ sơ ứng tuyển ở Nhật), nó lại khác hoàn toàn. Hồ sơ bao gồm 5-6 câu hỏi và yêu cầu viết thành 5-6 đoạn văn dài khoảng 150-200 từ. Đáng chú ý là những câu hỏi này không tập trung vào chuyên ngành hoặc kinh nghiệm làm việc mà đặt nặng vấn đề về NHÂN CÁCH, SỰ CỐ GẮNG và Ý CHÍ. Ví dụ:
- Khi bạn còn là sinh viên, điều mà bạn đã nỗ lực trong cuộc sống là gì?
- Công việc/ngành nghề mơ ước của bạn là gì?
- Tại sao bạn muốn làm việc tại công ty của chúng tôi?
- Bạn có sở thích và tính cách như thế nào?
Các công ty Nhật hỏi như vậy vì họ muốn biết liệu bạn có thực sự PHÙ HỢP để GẮN BÓ LÂU DÀI hay không? Điều này là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với các nhà tuyển dụng người Nhật. Họ không muốn thuê 1 người chỉ làm được vài tháng vì họ phải bỏ ra nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để đào tạo nhân viên mới, ví dụ như việc xin visa cho người nước ngoài đã mất hơn chục triệu. Chính vì lý do đó, họ sẽ tìm kiếm những người trung thành, phù hợp và ít nhất làm việc được 1 năm trở lên.
Với nhà tuyển dụng Việt thì khác. Tiêu chí ở đây là phải “CÓ KỸ NĂNG!” nghĩa là có chuyên môn. Có thể vì vậy, không ít sinh viên năm 2-3 hiện nay đang tranh thủ đi thực tập hoặc làm freelancer để cải thiện kỹ năng, kinh nghiệm. Mục tiêu là mong muốn có một CV năng lực thực sự tốt để dễ dàng xin việc hơn.
2. Tiêu chí của các nhà tuyển dụng tại Nhật Bản
Nguồn Ảnh: Freepik
Tóm lại, dựa trên trải nghiệm viết CV và Entry Sheet, mình nhận ra điểm khác biệt quan trọng nhất giữa tư duy tuyển dụng của HR Việt và HR Nhật đó là TIÊU CHÍ.
Nếu việc xin việc được coi như việc bán hàng, thì các ứng viên như mình và bạn sẽ là sản phẩm. Tôi nhận thấy rằng đa số nhà tuyển dụng ở Việt Nam hành xử như một end customer (khách hàng cuối cùng) cần một sản phẩm đủ chất lượng (năng lực), đã được kiểm chứng (đã có kinh nghiệm ở một số nơi) và có thể sử dụng ngay (không nghỉ việc dài hạn). Tức là khi mua về, họ mong muốn có ngay hiệu quả.
Còn với các nhà tuyển dụng ở Nhật, họ như là nhà sản xuất chọn nguyên liệu phù hợp, mang về để gia công sao cho phù hợp với cấu trúc hoạt động lâu dài của công ty. Họ hướng tới mối quan hệ lâu dài, bền vững với 'sản phẩm'. Chứng minh cho điều này là theo văn hóa công ty ở Nhật, việc thăng tiến phụ thuộc nhiều vào số năm làm việc hơn là khả năng. Hơn nữa, mình đã chú ý đến một số đồng nghiệp tại nơi làm thêm của mình, họ thường làm việc ở đó từ 4 năm trở lên, có những người đã làm hơn 10 năm.
Tôi nghĩ rằng, đối với người đang xin việc, việc trải nghiệm cùng một lúc hai tư duy tuyển dụng khác nhau sẽ giúp hoàn thiện kỹ năng 'bán thân' của bạn nhiều hơn. Thay vì chỉ tập trung vào việc thể hiện năng lực trong CV, bạn cũng có thể kết hợp cả hai yếu tố: năng lực và cá nhân. Ví dụ, ngoài việc gửi CV 'Đây là lý do tại sao tôi phù hợp với anh/chị HR' trong nhóm, bạn cũng có thể thêm vài dòng trong phần 'Đây là lý do tại sao tôi có thể hòa nhập với công ty trong thời gian dài!'. Tôi đã thử áp dụng phương pháp này khi viết CV xin việc tại công ty Kome, chuyên nhập khẩu sản phẩm Việt để bán tại Nhật. May mắn, tôi đã nhận được offer, nhưng do một số lý do cá nhân, tôi đã phải từ chối.
Đó cũng là kết quả của những trải nghiệm thực tế của tôi. Tôi hy vọng bài viết này sẽ mang đến một cái nhìn mới về việc tuyển dụng, giúp bạn có thêm ý tưởng để tiếp cận hiệu quả hơn.