Mỹ là quốc gia thành công trong cuộc đua đến với mặt trăng, trong khi Nga lại đứng đầu trong cuộc đua tiến vào lòng đất.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cộng đồng khoa học trên toàn cầu đã nỗ lực tiến sâu vào lòng đất bằng cách khoan những hố rất sâu. Nga là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua này, khi đào sâu tới hơn 12,2 km vào lòng đất trước khi dừng lại do mũi khoan không thể chịu nổi nhiệt độ ở sâu trong lòng đất.
Sau đó, Mỹ, Đức, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác cũng tham gia vào cuộc đua. Tuy nhiên, kỷ lục của Nga vẫn chưa ai vượt qua được. Dù là người dẫn đầu trong cuộc đua tiến vào lòng đất, nhưng cho đến nay, Nga vẫn chưa thể xuyên qua lớp vỏ Trái Đất để tiếp cận quyển manti.
Cuộc đua vào lòng đất bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi các nhà khoa học Mỹ đề xuất 'dự án Mohole', được đặt theo tên nhà khoa học Andrija Mohorovicic, người phát hiện ra ranh giới giữa lớp vỏ và lớp phủ của Trái Đất (nay được biết đến là điểm gián đoạn Mohorovicic).

Nhà địa chất học Harry Hammond Hess giới thiệu dự án Mohole vào năm 1961
Tương tự như cuộc đua đến mặt trăng, cuộc đua vào lòng đất chủ yếu diễn ra giữa hai siêu cường lúc đó là Mỹ và Liên Xô, với mục tiêu là xuyên qua lớp vỏ Trái đất để tiếp cận quyển manti. Đến nay, đây vẫn là mục tiêu lớn nhất của địa chất học, vì mặc dù quyển manti chiếm 70% thể tích Trái Đất, nhưng vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về lớp này.

Cấu trúc cơ bản của Trái Đất gồm có lớp vỏ, quyển manti trên, quyển manti dưới, lõi ngoài và lõi trong
Dự án Mohole được thực hiện trên một con tàu trên đại dương vì lớp vỏ Trái Đất ở đây mỏng hơn nhiều so với trên đất liền. Địa điểm được Mỹ lựa chọn gần đảo Guadalupe ở phía Tây Mexico.

Tuy nhiên, Mỹ đã rút lui sau khi khoan được đến độ sâu 182,88m, với lý do chi phí cho dự án quá lớn mà không đạt được kết quả mong muốn ngoài một ít đá bazan.

Năm 1970, Liên Xô cũng tham gia cuộc đua vào lòng đất và đến nay, họ vẫn dẫn đầu với việc khoan sâu hơn 12km. Hố khoan này được gọi là siêu hố sâu Kola, với đường kính chỉ gần 23cm.

Những nhà địa chất cùng với công nhân tham gia dự án
Quá trình khoan kết thúc vào năm 1992 khi nhiệt độ trong lòng đất đạt đến 180 độ C. Theo nhà địa chất Benjamin Andrews, ở nhiệt độ này, chất lỏng dưới lòng đất sẽ tăng lên và sẽ chảy lấp những gì mũi khoan đã khoan tới.

Địa điểm khoan hố sâu Kola
Hố này hiện đã được đậy kín bằng một nắp kim loại và vẫn là hố nhân tạo sâu nhất thế giới đến nay. Người dân địa phương thường gọi đây là 'cổng tới địa ngục', kể rằng hàng ngày họ nghe tiếng thét của linh hồn bị tra tấn dưới địa ngục vọng ra từ đây.

Hố này cũng được địa phương gọi là 'cánh cổng địa ngục'
Năm 1990, Đức cũng tham gia cuộc đua này. Địa điểm chọn là Bavaria, và các nhà địa chất của đất nước này đã khoan sâu đến 9,1km trước khi mũi khoan không chịu nổi nhiệt độ lên tới 265 độ C.

Năm 2013, nghệ sĩ Lotte Geeven từ Hà Lan đã thả một micro xuống hố này để ghi lại âm thanh, gọi nó là 'Thanh âm của Trái đất'. Có nhiều ý kiến xung quanh bản ghi âm này, một số so sánh với tiếng của địa ngục, những người khác nói nó giống tiếng thở của Trái Đất hơn. Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được chúng là gì và cách chúng được tạo ra.

Những âm thanh từ bên trong Trái đất
Năm 2002, Nhật Bản là quốc gia tiếp theo tham gia hành trình vào lòng đất với dự án Chikyu Hakken (Khám phá Trái đất). Dự án này được thực hiện bởi tàu Chikyu (Trái Đất), với sự hỗ trợ tài chính từ châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là tìm hiểu nguyên nhân gây ra động đất.

Tàu Chikyuu của dự án Chikyu Hakken
Tuy nhiên, vào năm ngoái, Nhật Bản cũng đã 'dừng cuộc chơi' sau khi đào tới độ sâu 3,2km, sau hơn 6 tháng không tiến sâu hơn. Một thành viên của dự án nói rằng thời gian này giống như một cơn ác mộng kéo dài hơn 6 tháng liền.

Năm 2015, các nhà khoa học kỳ vọng có thể đột phá đến quyển Manti bằng cách khoan ở đáy biển Ấn Độ Dương với tàu JOIDES. Tại khu vực này, vỏ Trái Đất mỏng hơn, nên chỉ cần khoan khoảng 1,2km là có thể chạm tới quyển Manti. Nhưng vỏ Trái đất càng mỏng thì đáy biển càng sâu, việc khoan càng khó - và dự án này cũng thất bại.

Tàu JOIDES
Năm 2018, tại Cornwall, Anh Quốc, công ty Geothermal Engineering Limited đã đào hai hố sâu xuống lòng đất, với ý định sử dụng nhiệt lượng của đá nóng dưới lòng đất để sản xuất điện. Sau hơn một năm, họ đã đào tới độ sâu khoảng 4,8km.

Năm 2019, các nhà khoa học đã khoan được hố sâu khoảng 2,1km dưới băng ở phía Tây châu Nam Cực, sử dụng một chiếc vòi phun nước nóng áp lực cao xuống bề mặt băng.

Tuy nhiên, kỷ lục về hố băng sâu nhất lại thuộc về người Nga, khi họ đã đào được hố sâu 2,4km tại phía Đông châu Nam Cực vào năm 2012.

Ngoài việc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, nhiều hố sâu trên toàn cầu cũng được khoan với mục đích khai thác dầu mỏ và khoáng sản.

Dàn khoan dầu Deepwater Horizon từng là dàn khoan sâu nhất thế giới cho đến khi xảy ra thảm họa dầu kinh hoàng nhất lịch sử vào năm 2010.
Năm 2011, Nga một lần nữa lập kỷ lục về hố khoan dài nhất thế giới, với chiều dài lên tới 12,8km.

Dàn khoan Z-44 Chayvo của Nga, được kỳ vọng sẽ giúp họ khai thác khoảng 2,3 tỉ thùng dầu thô.
Kỷ lục về hố đào lớn nhất thế giới thuộc về mỏ kim cương Kimberley, với chu vi khoảng 1,2km.

Mỏ kim cương này đã ngưng hoạt động từ năm 1914, sau hơn 100 năm khai thác.
Mỏ kim cương Mirny ở phía Đông Siberia, xếp thứ hai về diện tích, sâu hơn 500 mét và có đường kính khoảng 1,24 km. Đây cũng là nguồn cung lớn kim cương cho Liên Xô cũ.

Trong khi đó, mỏ Chuquicamata ở Chile nắm giữ kỷ lục về hố sâu mà con người đã đào nhiều đất ra khỏi - với hơn 8,5 km khối.

Danh hiệu khu khai thác lớn nhất thế giới thuộc về khu mỏ ở hẻm núi Bingham, tại Utah. Khu vực này có diện tích trải dài gần 5km và độ sâu khoảng 1,2km.

Đây là một trong những khu khai thác đồng lớn nhất thế giới
Theo Business Insider