Việc tiêu thụ 1-2 tép tỏi sống mỗi ngày có thể giảm huyết áp, giảm cholesterol cao và tăng cường hệ miễn dịch, kháng khuẩn, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Tỏi là một trong những loại gia vị không thể thiếu trong bếp gia đình. Ngoài việc tăng cường hương vị, ăn tỏi sống hàng ngày còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các tính năng kháng khuẩn
Các hợp chất lưu huỳnh như allicin trong tỏi giúp nâng cao khả năng chống lại vi khuẩn và virus, bảo vệ tự nhiên cơ thể khỏi các mầm bệnh. Việc ăn tỏi có thể giúp phòng tránh nhiễm trùng và giảm các triệu chứng của cảm lạnh và cúm.
Hạ mức độ cholesterol
Tỏi sống cũng có ảnh hưởng tích cực đối với mức độ cholesterol bằng cách giảm cholesterol tổng và cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL). Nhờ điều này, tỏi trở thành một phần quan trọng trong chế độ ăn uống để duy trì sức khỏe tim mạch.
Giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch
Viêm mãn tính có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch bằng cách giảm số lượng bạch cầu. Tính chất chống viêm của tỏi giúp giảm viêm và phục hồi bạch cầu. Hiệu quả này chủ yếu nhờ vào allicin. Vitamin C và B6, mangan, selen trong gia vị này đều có khả năng cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể.

Hạ huyết áp
Huyết áp cao thường gặp có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không kiểm soát. Tỏi giúp giảm huyết áp cao ở người. Allicin trong tỏi có tác dụng làm co giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu đến các cơ quan. Công dụng của allicin tăng lên khi ăn tỏi tươi.
Thanh lọc cơ thể
Hợp chất lưu huỳnh trong tỏi giúp cơ thể loại bỏ độc tố và kim loại nặng. Việc tiêu thụ tỏi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nồng độ chì trong máu, cải thiện triệu chứng trúng độc. Khả năng thanh lọc của tỏi còn được nâng cao bởi khả năng kích thích sản xuất glutathione - một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ cho gan trong quá trình thanh lọc cơ thể.
Bảo vệ trí não
Tỏi còn cung cấp chất chống oxy hóa phong phú giúp giảm viêm thần kinh ở người cao tuổi. Chúng được tin là cải thiện trí nhớ, sức khỏe tinh thần tổng thể.
Điều chỉnh đường huyết
Tỏi cũng hỗ trợ điều chỉnh đường huyết cho người mắc bệnh tiểu đường. Cụ thể, ăn tỏi giúp giảm đường huyết khi đói và chỉ số HbA1c (đánh giá đường huyết trong 2-3 tháng) ở người tiểu đường.
Mặc dù tỏi mang lại nhiều lợi ích nhưng cần ăn đúng cách để tận dụng hết hiệu quả. Băm hoặc nghiền tỏi sống và để khoảng 10 phút trước khi sử dụng. Thời gian này giúp tạo ra allicin. Ăn tỏi sống có thể không thích hợp với một số người vì mùi vị đặc trưng. Kết hợp với mật ong, thêm vào salad hoặc phối hợp với các món ăn khác để thêm hấp dẫn.
Để hình thành thói quen ăn sống, hãy bắt đầu từ một lượng nhỏ, giúp cơ thể thích ứng, giảm nguy cơ khó chịu cho đường ruột. Nếu có dấu hiệu phản ứng tiêu cực, hãy xem xét giảm lượng hoặc ngừng sử dụng.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Eatingwell, Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |