Lời 'thú tội': Sau 6 năm sáng tạo và sản xuất nội dung, tôi nhận ra một số lời khuyên của mình trước đây chưa thực sự đáng tin cậy, đầy đủ và thực tế.
Có rất nhiều điều mà tôi từng chia sẻ trước đây mà khi lớn lên hơn, nhìn lại, tôi nghĩ chúng không thực sự là lời khuyên tốt. Hoặc chúng là những lời có ý định tốt, nhưng cách diễn giải của tôi ngày đó chưa đủ đa chiều.
Trong bài viết này, Tôi sẽ tự “đấu khẩu” với Người Viết Hiện Tại và rút ra ba lời khuyên mà tôi thấy là kém hiệu quả nhất.
Khi tôi cảm thấy quan điểm cuộc sống, quan điểm thế giới của mình đã thay đổi so với trước đây, tôi sẽ chia sẻ với các bạn để cùng trải nghiệm và thay đổi.
1. Luôn tìm kiếm mặt tích cực của một vấn đề
Trong thời kỳ tuổi teen, tôi từng tự hào về khả năng suy nghĩ tích cực của bản thân. Ví dụ, khi gặp điểm kém, tôi thường nghĩ rằng điều này đến đúng lúc vì tôi cần động lực để ôn lại từ đầu. Khi bị bạn bè phản bội, tôi cảm thấy may mắn vì điều này xảy ra sớm để tôi nhận ra bản chất của họ.
Vào những năm đầu của tuổi 20, tôi vẫn rất tự tin về cái nhìn lạc quan của mình. Thái độ này được thể hiện rõ ra bên ngoài đến mức bạn bè và đồng nghiệp thường hỏi tôi bí quyết để có thể luôn vui vẻ và yêu đời như vậy. Lúc đó, mọi điều tôi có thể chia sẻ là “hãy cố gắng tìm ra mặt tích cực của vấn đề.”
Đó là cách tốt nhất mà tôi biết và là điều duy nhất mà tôi đã làm để thấy hạnh phúc ở thời điểm đó. Nhưng nhìn lại, đó là một lời khuyên thật tồi, vì tôi nhận ra, càng trưởng thành, tôi càng khó duy trì tư duy tích cực.
Khi còn nhỏ, tôi may mắn có một tuổi thơ bình yên, được cha mẹ che chở. Mối quan tâm duy nhất chỉ là học tập và quan hệ bạn bè. Vì vậy, tôi dễ tìm được mặt tích cực trong cuộc sống hơn những người phải lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thường xuyên gặp xung đột, kinh tế eo hẹp, hoặc sớm phải xa cách gia đình để đến thành phố học và kiếm sống. Đây là những điều mà mãi về sau, khi sống ở nước ngoài một mình, tôi mới phải trải qua.