và cái mà bạn cũng (đã từng nghe) như vậy.
“Luôn tìm điểm tích cực trong mọi tình huống”.
Đó là một lời khuyên mình dễ dàng nhận thấy, đã nghe nhiều lần, và từng hiểu lầm là đúng.
Câu này như một loại thuốc giảm đau giúp mình quên đi nỗi đau tạm thời. Nhưng chỉ là tạm thời. Nỗi đau vẫn còn đó, vấn đề vẫn ám ảnh và có thể nghiêm trọng hơn nếu mình dễ dàng lờ đi với tư duy: “Hãy tích cực lên!”
Và mình nhận ra, đó là một lời khuyên tồi tệ.
Nó tồi tệ ra sao?
1️⃣Lời khuyên tích cực có hại
Không có gì sai khi tìm ra mặt tích cực của một vấn đề. Nhưng nếu chỉ áp dụng điều này một cách cứng nhắc và mù quáng, nó có thể trở thành cái bẫy “tích cực độc hại” (toxic positivity). Sự tập trung quá mức vào suy nghĩ tích cực và phớt lờ những cảm xúc khác dẫn đến sự từ chối, đánh giá thấp, và coi thường những cảm xúc cũng như trải nghiệm thực của con người.
Thiếu sự lắng nghe và hiểu biết về vấn đề của đối phương, rồi vội vàng đưa ra lời khuyên rập khuôn này khiến người nghe:
❌Bỏ qua vấn đề quan trọng
Cảm xúc là một nguồn thông tin quan trọng. Nó giúp bạn nhận biết điều gì đang diễn ra và cảm xúc của bản thân về sự kiện đó. Việc lơ đi những cảm xúc khó chịu, tương tự như bạn phớt lờ một điểm đau trên cơ thể. Lúc này, bạn sẽ thiếu đi thông tin quan trọng để đưa ra quyết định đúng đắn.
❌Tăng mức độ của cảm xúc tiêu cực
Theo chuyên gia tâm lý Jaime Zuckerman, sự tích cực độc hại thực ra là một cách trốn tránh những khó chịu bên trong. Khi chúng ta trốn tránh, những cảm xúc tiêu cực tích tụ sẽ trở nên lớn hơn và nghiêm trọng hơn vì chúng mãi mãi không được xử lý.
❌Hình thành những cảm xúc thứ cấp mạnh mẽ.
Cảm xúc thứ cấp (meta/secondary emotion) là phản ứng của chúng ta đối với cảm xúc của bản thân. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy buồn sau khi mất một mối quan hệ (cảm xúc). Nhưng khi bạn chia sẻ điều này, bạn có thể nhận được phản hồi như: “Có sao đâu. Có gì đâu mà phải buồn. Điều đó thực sự tốt đấy…”. Điều này làm bạn cảm thấy thất vọng vì đã cảm thấy buồn (cảm xúc thứ cấp).
2️⃣Lời khuyên thiếu sự thông cảm
Tác giả Stephen Covey đã viết: “Hầu hết mọi người không lắng nghe để hiểu, họ chỉ lắng nghe để đáp trả”.
Việc vội vàng đưa ra lời khuyên, cố gắng “sửa chữa” người nói mà không có sự lắng nghe để thấu hiểu cần thiết là hành động lắng nghe bác bỏ (dismissive listening).
Có thể người đối diện không cần bất kỳ lời khuyên nào - họ biết rõ điều cần phải làm và chỉ đang tìm kiếm sự cảm thông hoặc an ủi. Vì vậy trước hết chúng ta cần tự hỏi: “Họ có cần ý kiến, lời khuyên hay chỉ cần được lắng nghe?” để xác định mục tiêu giao tiếp đúng đắn.
Hơn cả là một lời khuyên …
Sự an ủi, hỗ trợ đem lại cảm giác an toàn để thoải mái chia sẻ mới thực sự là điều chúng ta cần.
Chính vì vậy việc rèn luyện kỹ năng lắng nghe thấu cảm (empathic listening) là cần thiết. Đây là kỹ năng lắng nghe tập trung và tương tác để thấu hiểu cảm xúc của người nói, cùng với những ý tưởng và suy nghĩ của họ. Đặc biệt, lắng nghe thấu cảm mang đến sự động viên và hỗ trợ cho đối phương, thay vì chỉ đưa ra lời khuyên hoặc nhận xét.
“Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực trong mọi vấn đề” không phải là một lời khuyên phù hợp trong mọi trường hợp hay với tất cả mọi người.
Không phải mọi sự kiện đều mang lại mặt tích cực.
Không phải mọi thất bại đều có ý nghĩa đối với cuộc sống.
Không phải tất cả mọi người sau mỗi trải nghiệm khó khăn đều trở nên mạnh mẽ hơn …
Vì mỗi cuộc sống là một câu chuyện phức tạp và đa dạng. Chúng ta không sống qua những trải nghiệm của người khác, không trải qua những tình huống đó, và càng không thể hiểu được tâm trạng của họ.
Do đó, không thể ép họ phải cảm thấy tích cực theo lời khuyên đó.
Có những biến cố khiến chúng ta phải trải qua những tháng ngày mệt nhọc và đầy ám ảnh. Chúng ta không cố tìm kiếm ý nghĩa cho chúng. Chúng ta không muốn ép bản thân phải nhìn nhận rằng: “Nhờ những điều đó mà tôi trở nên mạnh mẽ hơn”.
Mình vượt qua những thời kỳ khó khăn đó, trở nên mạnh mẽ hơn không chỉ bởi nghịch cảnh.
Nhưng cũng nhờ vào những người đã đồng hành và ủng hộ mình vượt qua mọi khó khăn.
Mình biết ơn những người kiên nhẫn lắng nghe mình khóc, chia sẻ cùng mình, và đồng hành với mình qua những thời điểm khó khăn. Họ tin tưởng mình khi mình mất đi lòng tin vào bản thân.
Dù chỉ là những dòng tin nhắn, cuộc điện thoại vào buổi tối muộn và thời gian dành để lắng nghe, cùng với sự nhiệt tình hỗ trợ.
Ánh sáng của tình thương mà mình nhận được là điều giúp mình vượt qua khó khăn.