MC - viết tắt của Master of Ceremonies, tức người dẫn chương trình, đang trở thành công việc yêu thích của rất nhiều thanh niên. Nghề 'nói ra tiền' này đòi hỏi không chỉ về ngoại hình mà còn về sự rèn luyện và đam mê.
Lịch sử của nghề MC bắt đầu từ các chủ tế, pháp sư, quan chức,... những người chịu trách nhiệm hướng dẫn cộng đồng trong các lễ hội tôn giáo từ thời cổ đại. Sau Thế chiến II, MC được biết đến với tư cách 'người giới thiệu' trên sân khấu biểu diễn.
Nghề dẫn chương trình đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ với sự xuất hiện của nhiều gameshow, sự kiện truyền thông,... Tuy nhiên, phần lớn MC ở Việt Nam thường 'rơi vào nghề' không phải qua đào tạo chuyên sâu mà chủ yếu là nhờ vào 'duyên số'. Liệu nghề MC có thực sự chỉ cần 'duyên'?
Chuỗi Chuyện Nghề Tuần Này của chúng tôi xin giới thiệu về nghề MC truyền hình. Câu chuyện được chia sẻ bởi Nguyễn Mai T., một nữ MC truyền hình trẻ ở Hà Nội.
Bước vào nghề
Gặp một cô gái nhỏ nhắn trong một ngày đầu đông. Hình ảnh của Mai T. giờ đây đã thay đổi khá nhiều với cặp kính, vest và váy công sở, tỏ ra như một phóng viên nhà đài hơn là một sinh viên Đại học như trước kia.
'Trả lời phỏng vấn à? Mình mới vào nghề, cũng không có nhiều kinh nghiệm đâu, nhưng có lẽ vẫn có vài điều thú vị muốn chia sẻ về nghề này'.
Xuất thân từ một sinh viên Kinh tế nhưng lại mang sở thích trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp. Nguyễn Mai T. luôn tìm mọi cơ hội ở trong và ngoài trường Đại học để theo đuổi đam mê của mình.
Ban đầu là những buổi dạ tiệc sinh nhật của câu lạc bộ, những buổi họp nhóm với vai trò người dẫn chương trình, dần dần trở thành những chương trình lớn hơn của khoa, của trường. Cơ hội thực sự đến với mình khi tìm được thông tin về việc casting vị trí MC Bản tin Sàn giao dịch hàng hóa.
Chất giọng ấm, truyền cảm và nụ cười thường trực trên khuôn mặt sáng là điểm mạnh của Mai T. khi ghi hình. Nghề MC truyền hình cho chuyên mục Bản tin đòi hỏi lối dẫn dắt cuốn hút, sắc bén và khả năng ứng biến tốt bên cạnh ngoại hình lịch sự, đứng đắn.
“Trước khi trở thành MC chính thức của đài, mình đã phải thay đổi rất nhiều, từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, cách trang điểm,… bởi khi đó mình vẫn còn đi học, chỉ mặc thoải mái, tự do thôi”.
Nhớ lại những buổi ghi hình đầu tiên, Mai T. vẫn rõ như in lời khen tặng từ đạo diễn và ê kíp: “Dẫn lần đầu mà sao không sai gì, không bị áp lực gì à?”. Nhưng đến buổi sau đã có lỗi về sắp xếp bản tin, “sẩy miệng”,… đã mang lại cho Mai T. nhiều kinh nghiệm.
Có những ngày đi làm, phải mang theo đến cả tủ quần áo và trong một ngày phải thay đến gần chục bộ vì phải thu hình cho nhiều buổi phát sóng. Hôm không kịp quay lại cắm cúi học kịch bản, dựng chương trình, gần như chỉ kịp ăn tạm bữa trưa cho qua. “Không biết, lâu dài có chịu được không?”
Đam mê với nghề là chưa đủ, khổ luyện mới là yếu tố quyết định
MC không chỉ là đọc bản tin, lên sóng vài buổi là nổi tiếng, đây là một nghề đòi hỏi sự khổ luyện, sự lanh lợi trong mọi tình huống. Tám chữ vàng mà ai làm nghề, đặc biệt là MC truyền hình, cũng phải tâm niệm là: “chính xác – linh hoạt – truyền cảm – nhiệt tình”. Chính vì thế, tinh thần sẵn sàng học hỏi từ sách vở, đồng nghiệp là yếu tố rất quan trọng đối với bất cứ ai theo đuổi nghề MC truyền hình.
“Nghề dẫn chương trình rất tinh tế, thiếu một chút làm cho mất hứng, thừa một chút lại làm mất duyên.” (MC Phí Linh)
Đam mê với nghề là chưa đủ, khổ luyện mới là yếu tố quyết định. MC cần có kiến thức cơ bản, hiểu biết rộng để có thể đưa ra những nhận định, phân tích thông tin, sự kiện liên quan đến nội dung chương trình.
Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, ngôn ngữ cơ thể,... là cực kỳ quan trọng đối với MC để có thể phối hợp tốt nhất với đội ngũ sản xuất chương trình.
Lĩnh vực tin tức thường bị coi là khô khan và khó thu hút khán giả, đặc biệt là những tin tức chuyên ngành như tài chính - chứng khoán. Nhiệm vụ của MC là kết nối nội dung bản tin với khán giả một cách dễ hiểu, hấp dẫn, tự nhiên và ấn tượng nhất. Bạn cần thể hiện khả năng này từ đầu, xây dựng uy tín của mình trong tâm trí của khán giả với tư cách là một MC nghiêm túc và chuyên nghiệp.
Mai T. chia sẻ, “Chị Thu Uyên, Biên tập viên – MC truyền hình mà tôi ngưỡng mộ nhất. Mỗi khi thấy chị dẫn, tôi luôn cảm thấy lấy cảm hứng, như được truyền động lực, hơn nữa, chị ấy rất duyên. Duyên đó không chỉ tỏa ra từ nụ cười, giọng nói và ánh mắt sáng sủa, mà còn từ cách dẫn dắt. Đối với tôi, đó chính là người truyền cảm hứng cho nghề!'
MC không chỉ cần có duyên nói hay mà còn là nghề yêu cầu nhiều từ phía ngôn từ. Khi quyết định theo đuổi nghề này, bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe. Việc phải đứng nói suốt cả ngày có thể gây mệt mỏi, căng thẳng, và đôi khi dẫn đến viêm thanh quản.
Cuối cùng, tôi hỏi về dự định tương lai của Mai T. Là một mong muốn, tôi mong cô sẽ tiếp tục làm việc trong nghề càng lâu càng tốt, để “vẻ đẹp của bạn luôn tỏa sáng, để ánh sáng truyền đến mọi người” (Oprah Winfrey – Nữ hoàng truyền hình Mỹ).