Nhớ lại khi bắt đầu năm nhất, tôi vẫn giữ những thói quen từ cấp ba, chờ đợi giáo viên giao bài tập về nhà để làm, làm xong rồi cũng không muốn tìm hiểu sâu hơn về bất kỳ vấn đề nào khác. Rất may mắn là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau đó, tôi đã điều chỉnh tư duy học tập của mình ngay lập tức.
1. Tự Học
Nguồn: Freepik
Một sự thật mà khi bạn bước vào đại học: không có ai thúc giục, không ai nhắc nhở, không có ai gọi bạn dậy khi bạn muộn giờ, không có học thêm,... và bạn phải tự làm tất cả mọi thứ.
Nếu ở cấp ba mọi thứ luôn được sắp xếp sẵn, từ thời khóa biểu, giờ giấc, đến việc di chuyển đã có bố mẹ đưa đón, và công việc của bạn chỉ là học thôi thì đại học lại không như vậy.
Bạn sẽ hiểu thế nào là cảm giác hồi hộp khi phải tranh nhau đăng kí tín chỉ. Bạn sẽ phải dành cả ngày để nghiên cứu và chọn môn học, quyết định học với giáo viên nào, vào khung giờ nào là hợp lý nhất. Bạn sẽ vui mừng đến rơi nước mắt vì sau hàng giờ chờ đợi, cuối cùng bạn cũng có thể đăng kí lớp học mà bạn mong muốn.
Bạn sẽ hiểu thế nào là cảm giác cô đơn khi ở một mình trong căn phòng trọ lạ lẫm, lần đầu tiên tự tay nấu một bữa cơm cho bản thân... sẽ còn nhiều trải nghiệm lần đầu khác để giúp bạn trưởng thành hơn mỗi ngày.
Có một câu hỏi mà tôi luôn suy nghĩ: “Điều gì làm nên một sinh viên xuất sắc?”. Dù chúng ta cùng học với cùng một giáo viên, trong cùng một lớp học, và dành cùng một khoảng thời gian mỗi ngày, vậy mà tại sao lại có sự khác biệt giữa sinh viên xuất sắc và những sinh viên kém cỏi.
Hóa ra sự khác biệt không phải chỉ nằm ở thời gian trong lớp. Bạn hãy xem xét những gì họ làm trước và sau giờ học.
2. Đọc trước giáo trình
Nguồn: Freepik
Đối diện với một vấn đề mới, chúng ta thường cảm thấy lạ lẫm với những khái niệm học thuật. Tư duy của học sinh và sinh viên thường có những điểm khác biệt đáng kể. Ban đầu khi nhận được giáo trình dày 500 trang về Hiến Pháp, tôi rất háo hức muốn khám phá nội dung chính là gì? Sự háo hức này nhanh chóng tan biến khi tôi nhận ra rằng chỉ cần đọc hết phần 'Lời nói đầu' của các giáo viên là đã là một 'kỳ tích' rồi.
Do đó, trước khi đến giờ lý thuyết, bạn nên:
Xem qua mục lục và các tiêu đề chính để hiểu sơ bộ về vấn đề.
Sử dụng bút highlight để đánh dấu những câu quan trọng hoặc những khái niệm không hiểu.
Ví dụ, khi học về Hiến Pháp, bạn chỉ cần biết rằng Hiến Pháp là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào? Hiến Pháp là bộ luật cơ bản của một quốc gia, là nền tảng của các luật khác, nôm na là vậy.
3. Tham dự giờ lý thuyết đầy đủ
Đừng chỉ dừng lại ở việc học thuộc lý thuyết, điều mà giáo viên giảng trên lớp có thể không bao giờ đề cập trong giáo trình, slide hoặc bất kỳ văn bản nào mà bạn có thể tìm thấy. Đó là những câu chuyện thực tiễn của ngành luật mà không phải ai cũng dám thú nhận, đó là việc áp dụng luật trong thực tế thường xa vời so với lý thuyết, là những kỹ thuật mà một số người trong xã hội vẫn sử dụng lợi thế để thu lợi...
Tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Sau này, liệu có đủ sức để làm thay đổi thế giới không nhỉ.” Luật sư không cần vũ khí, họ chiến thắng bằng lí lẽ và pháp luật. Học lý thuyết đầy đủ cũng sẽ mang đến cho chúng ta những trải nghiệm khác lạ như thế.
4. Ghi chú cẩn thận
Nguồn: Freepik
Đồng thời với việc lắng nghe giảng, điều quan trọng là ghi chép. Bạn có thể sử dụng máy tính hoặc sổ tay, mỗi phương pháp ghi chú đều có những ưu và nhược điểm riêng. Trong quá trình ghi chú, bạn sẽ viết lại những gì giáo viên giảng dạy theo cách hiểu của mình, từ đó giúp bạn nhớ lâu hơn vì kiến thức được kết nối với thực tiễn.
5. Luôn luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”
Khi học về các quy định pháp luật, thay vì chấp nhận đơn giản rằng luật quy định như thế thì “cứ làm theo luật”, bạn nên đặt câu hỏi tại sao, để hiểu các nhà lập pháp đã dựa trên nguyên lý gì để đưa ra các quy định đó. Khi còn học cấp ba, tôi từng mặc định rằng mọi thứ thầy cô nói là đúng, điều này dẫn đến thiên kiến sai lệch trong tư duy. Từ khi rèn luyện tư duy phản biện, tôi đã liên tục tự hỏi bản thân “Tại sao luật lại quy định như vậy? Tại sao lại là 3 năm mà không phải 2 năm? Tại sao lại có trường hợp ngoại lệ ở đây?...” Khi đặt câu hỏi, chúng ta chủ động tư duy về vấn đề thay vì chỉ tương tác một chiều trong buổi học lý thuyết. Tự hỏi, tự trả lời là cách tốt nhất để nhận ra “điểm mù” kiến thức của chính mình.
Học Luật không phải là điều dễ dàng, khó hay dễ còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Hiện tại, tôi chỉ muốn sống trong hiện tại, chia sẻ về những trải nghiệm đã trải qua, hy vọng rằng những chia sẻ này có thể giúp đỡ ai đó. Hy vọng rằng những lời chia sẻ này sẽ đem lại ích lợi cho bạn trên hành trình bước vào đại học!