Áp Lực Đồng Trang Lứa hay Peer Pressure là một khái niệm phổ biến, đặc biệt từ khi xu hướng 'flex đến hơi thở cuối cùng' trở nên sôi động trên mạng xã hội hiện nay. Đây được coi là một loại cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần và lòng tự tin của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Vậy làm thế nào để vượt qua áp lực này? Hãy cùng đọc và suy ngẫm nhé!
Gương kia ngự ở trên tường. Hãy cho ta biết áp lực từ đâu?
Ông bà ta có câu: “Biết địch biết ta-Trăm trận trăm thắng”. Để có thể vượt qua áp lực đồng trang lứa, tụi mình cần phải hiểu rõ nó bắt nguồn từ đâu.
Áp lực đồng trang lứa có thể được hình thành bởi chính ba mẹ, thầy cô, những người xung quanh. Ba mẹ luôn mong muốn con mình đạt điểm số cao. Thầy cô luôn kỳ vọng học sinh có nhiều thành tích. Họ hàng luôn “hỏi thăm” tình hình học tập của bạn… Bạn có thấy bản thân mình trong đó không?
Nó còn có thể bắt nguồn từ sự mong muốn khẳng định cái Tôi cá nhân, khẳng định giá trị của bản thân nhưng xung quanh bạn luôn có những “siêu nhân”, những người luôn đạt thành tích cao và được nhiều người mến mộ. Bạn sẽ luôn cảm thấy áp lực, căng thẳng khi cứ mãi chạy đua để đuổi kịp bạn bè của mình.
Úm ba la! Phương pháp hiện ra
Peer Pressure thực chất là một loại cảm xúc mang tính bản năng. Từ thời xa xưa, loài người sống theo bầy đàn, làm mọi việc cùng nhau và họ rất sợ thế giới tự nhiên bên ngoài đầy nguy hiểm và hoang sơ. Bởi vì thế, con người luôn có xu hướng đi theo bầy đàn của mình để không phải bị bỏ lại đằng sau. Thế giới ngày càng phát triển, con người dần trở nên văn minh và tự lập, có thể đi chinh phục mọi nơi trên lục địa. Tuy vậy, áp lực đồng trang lứa vẫn luôn tồn tại. Trong chúng ta, ai cũng từng trải qua trong đời áp lực ấy. Đúng thế đấy! Cho dù người bạn thần tượng có giỏi đến mấy, họ cũng từng áp lực bởi những người có tài năng và giá trị cao hơn.
Vậy, đâu là sự khác biệt giữa một học sinh giỏi và một học sinh trung bình? Đó chính là họ biết cách để vượt qua cảm xúc mang tính bản năng ấy và xây dựng cho riêng mình một “tinh thần thép”. Chúng ta cùng nhau tìm giải pháp nhe!
Bước 1: Thừa nhận cảm xúc của bản thân
Các trang mạng xã hội hiện nay luôn cho rằng, peer pressure là một loại cảm xúc xấu, cần tránh né hết mức có thể. Thế nhưng mình lại không cho là như thế. Nếu cứ mãi tránh né nó, bạn sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn mà chẳng thể thoát ra, đặc biệt là các bạn học sinh đang ở độ tuổi phát triển về cả thể xác và tinh thần. Điều đó sẽ gây hại rất lớn đến tinh thần của các bạn trẻ.
Như bạn đã đọc ở trên, peer pressure chỉ là một loại cảm xúc thông thường giống như vui, buồn, hạnh phúc hay thất vọng. Bạn cần phải trân trọng và dũng cảm đối mặt với cảm xúc ấy của bản thân.
Bước 2: Học hỏi và vươn lên phía trước
Nguồn: Pinterest
Đại văn hào nước Anh, William Shakespeare, đã từng nói: “Mọi việc trở nên tốt đẹp hơn hay tồi tệ đi đều bắt nguồn từ suy nghĩ của bạn”. Điều làm nên sự khác biệt giữa mọi người là cách nhìn nhận cuộc sống, sự nỗ lực và vươn lên. Không ai là hoàn hảo và không ai là chưa từng áp lực bởi điểm số, bởi thành tích của những người xung quanh. Chính vì thế, bạn cần học tập theo những điểm tốt từ những thần tượng của bạn và phát triển bản thân mình hơn. Các bạn học sinh thay vì cứ mãi so sánh điểm số thì có thể học hỏi cách ghi nhớ bài, cách giải bài tập hiệu quả, cách quản lý thời gian… của những “siêu nhân” trong lòng bạn.
Tất cả mọi người đều phải trải qua những cảm xúc không như ý muốn nhưng tin mình đi: Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua!
Gửi bạn vài tâm tình và hãy cùng nhau xây dựng một cộng đồng Gen Z tích cực và mạnh mẽ nhé!
Người viết: Vân Anh Bùi
Nguồn ảnh: Hataraku